28/10/2012 10:49 GMT+7

Công khai số phiếu tín nhiệm để dân biết

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TTO - Trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội ngày 27-10, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm như vậy trong việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Sẽ hình thức nếu thực hiện theo diện rộngTín nhiệm thấp được xin từ chức

bRhAXYo4.jpgPhóng to
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - Ảnh: Việt Dũng

* Thưa ông, khi Quốc hội thông qua luật hoặc quyết định một vấn đề quan trọng quốc gia nào đó, thông thường tỉ lệ đại biểu tán thành hoặc không tán thành được thể hiện rõ trên bảng điện tử và được công khai rộng rãi. Vậy tới đây việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thì sao?

- Phải công khai chứ, công khai trong Quốc hội và công khai để người dân, cử tri được biết. Thể hiện lên bảng điện tử hay cách thức nào khác thì không thành vấn đề mà vấn đề là công khai người được lấy phiếu tín nhiệm và số phiếu tín nhiệm. Tôi nghĩ là phải công khai cả hai cái đó. Trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội đã nêu một trong những nguyên tắc là: công khai, công bằng, khách quan, đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

* Quốc hội dự kiến lấy phiếu tín nhiệm tổng số 49 người, bao gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Chính phủ... Một số chuyên gia đề nghị khoanh lại lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ, ông nghĩ sao?

- Quốc hội nước ta bầu ra các chức danh chứ không chỉ có hành pháp, nên nói chỉ có lấy phiếu tín nhiệm đối với hành pháp thì chưa hẳn. Trong số những chức danh do Quốc hội bầu ra thì còn có cả chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao, rồi còn có tổng Kiểm toán Nhà nước, bản thân các đồng chí trong Quốc hội cũng vậy. Đây là sự đánh giá của cử tri, nhân dân đối với những người mà chúng ta bầu ra, để xem thử những người đó có hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình hay không, chứ không phải chỉ có lập pháp hay là hành pháp.

* Nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) đưa ra chủ trương “quy định việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể”. Như vậy bên cạnh việc thể chế hóa chủ trương này ở Quốc hội thì ở trong Đảng sẽ triển khai như thế nào?

- Cấp có thẩm quyền đang giao cho Ban Tổ chức trung ương xây dựng đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh trong Đảng và các chức danh khác mà không thuộc phạm vi lần này. Vậy nên, không chỉ có việc trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, tới đây còn có nghị quyết của Đảng về việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng. Những việc này được đồng thời tính với nhau cùng một lúc.

* Ở các nước việc lấy phiếu tín nhiệm có gì giống và khác so với nước ta?

- Ở các nước thì tôi hiểu rằng việc lấy phiếu tín nhiệm có thể do nhiều tổ chức khác nhau đứng ra thực hiện, tùy tình hình, có thể là một tổ chức xã hội nào đó đứng ra thăm dò dư luận về ông A, ông B, đã đưa ra Quốc hội thường thì họ theo tinh thần bất tín nhiệm.

"Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm tự nhận xét, báo cáo trung thực kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, việc rèn luyện tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và giải trình đầy đủ các nội dung mà người tham gia lấy phiếu tín nhiệm yêu cầu".

(Nguồn: Dự thảo trình Quốc hội)

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên