Một người nội trợ đi chợ với xe đạp, làn, hộp nhựa... để không dùng đến túi ni lông - Ảnh: Cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh
Nhóm mang tên Cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh trên mạng xã hội Facebook với hơn 55.000 thành viên để chia sẻ cho nhau những nơi mua hàng, mặt hàng "xanh", tổ chức Chợ phiên xanh, truyền cảm hứng xanh cho những người khác...
Mục tiêu của nhóm là lan tỏa và nhân rộng những mô hình kinh doanh ẩm thực - tiêu dùng xanh, cũng như giúp người tiêu dùng tìm được những cửa hàng có trách nhiệm với môi trường để ủng hộ.
"Mấy ông bà này... quá rảnh, quá phiền"
Đó là lời nhận xét đùa của một thành viên trong cộng đồng khi nói với người viết, về các thành viên khác của Cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh.
"Quá rảnh" chỉ là cách nói đùa vui, những người này sẵn sàng dành thời gian theo đuổi một lối sống không dễ dàng.
Còn "quá phiền" là bởi thay vì tiêu dùng vô tội vạ thì họ luôn băn khoăn khi dùng một sản phẩm, rằng vòng đời của nó có bền vững không.
Ví dụ thay vì ra thẳng siêu thị mua một chai dầu gội đầu loại phổ biến, họ cắp rổ ra vườn hái lá sả, bưởi, tía tô, bạc hà, mần trầu, cỏ mực, hương nhu, sài đất, ngũ sắc... về rửa sạch, phơi khô cho vào nồi đun cùng bồ kết, gừng, bồ hòn.
Đun xong lại vớt bã, lọc kỹ cho nước sánh, cho vào tủ lạnh gội dần. Vậy để chi? Để tóc đẹp, sạch mà không dính hóa chất.
Rồi thay vì mua chai nước rửa bát có tính tẩy rửa mạnh, họ cặm cụi ngâm trái tắc với men vi sinh, sữa chua, mật mía, men rượu, bồ hòn... làm nước rửa bát IMO (làm từ chế phẩm đơn giản tại nhà, địa phương).
Thay vì đi mua đồ ăn nóng đựng trong hộp xốp thiếu vệ sinh và không an toàn, họ tự mua và sử dụng những sản phẩm thay thế như khay mo cau có thể tái sử dụng, hộp bã mía dễ phân hủy hơn...
Vỏ rau củ quả dùng xong, thay vì vứt thẳng vào sọt rác mà không phân loại kỹ càng, thì họ mang ủ rác hữu cơ bằng men, nước rác có thể dùng để tưới cây cho tươi tốt.
Rồi đi chợ, thay vì đi tay không và vác về nhà một đống túi ni lông lớn nhỏ đựng tất cả mọi thứ, đến trái ớt bé xíu cũng phải đựng túi ni lông riêng, thì họ cần cù đi chợ bằng xe đạp có giỏ, mang theo làn, hộp nhựa và cả nồi để đựng cá, thịt.
Có người mua con cá 4kg, đựng bằng chiếc nồi cỡ lớn khiến cả chợ ai cũng cười, nhưng ai cũng quý. Là quý vì tấm lòng của người đi chợ muốn bảo vệ môi trường.
Thay vì dùng băng vệ sinh một lần rồi thải ra môi trường số lượng lớn mỗi kỳ kinh nguyệt, các chị em phụ nữ rủ nhau dùng cốc nguyệt san, quần lót nguyệt san - những sản phẩm thân thiện với môi trường hơn.
Khi một người mua đăng bài "trách móc" người bán chanh sạch sao lại đựng sản phẩm bằng túi ni lông, mất hết ý nghĩa của việc bán hàng bền vững, lập tức người bán được nhiều người nhảy vào bênh vực.
Họ bênh rằng dạo này trời mưa, người bán đành dùng túi ni lông để bảo quản hàng hóa, không còn cách nào khác. Muốn bảo vệ môi trường cũng đừng cứng nhắc quá, chiếc túi ni lông đó dùng lại nhiều lần vẫn tốt hơn là túi giấy bị vứt bỏ sau một lần sử dụng.
Những cuộc tranh luận nho nhỏ ấy trong cộng đồng khiến người ta nhận ra yêu môi trường thực sự là như thế nào.
Một người nội trợ đi chợ với xe đạp, làn, hộp nhựa... để không dùng đến túi ni lông - Ảnh: Cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh
Yêu môi trường thì làm được thôi
Lối sống của những người tiêu dùng xanh là như vậy. Có "rảnh", có "phiền" nhưng quan trọng hơn là phải siêng, phải thật tâm huyết.
Nếu yêu môi trường một cách nửa vời, sẽ ít ai theo đuổi được. Nếu theo đuổi một cách đơn độc, cũng dễ bỏ cuộc.
Nhưng nếu đã bước vào cộng đồng, thấy xung quanh đều là những người yêu môi trường giống mình, sẽ có động lực.
Như người phụ nữ đi chợ với đầy đủ làn, hộp, nồi, túi... để đựng mọi thứ mà không cần túi ni lông, chị tiết lộ lối sống của mình đã truyền cảm hứng cho người cha. Chính ông cũng đi chợ rất đảm đang, rất chu đáo mà không cần chiếc túi ni lông nào.
Và cũng trong cộng đồng ấy, không phải không có những cuộc tranh cãi nảy lửa, nhất là khi liên quan đến những sản phẩm còn mới, chưa rõ công dụng hay hiệu quả sống xanh.
Đó là cuộc tranh luận về hộp bã mía, cách đóng gói bao bì, sai lầm khi mua quá nhiều kit xét nghiệm COVID-19...
Có những cuộc tranh cãi nảy lửa như ở bất cứ cộng đồng nào, khi người ta có quan điểm khác nhau và chưa tìm được tiếng nói chung.
Những tranh cãi ấy cũng là bình thường khi các giải pháp tiêu dùng xanh vẫn còn mới mẻ, cần được thử nghiệm nhiều hơn, cũng như các sản phẩm còn rất mới trên thị trường nên cần được thử thách và sàng lọc để chọn ra những sản phẩm chất lượng nhất.
Trên hành trình ấy, những người yêu môi trường đồng hành, tư vấn cho nhau từng mặt hàng, từng thương hiệu uy tín, hướng dẫn lẫn nhau để trồng cây, nấu nước gội đầu, rửa bát, ủ rác... sao cho hiệu quả nhất.
Hồi tháng 5, một thành viên trong nhóm đề xuất chiến dịch nhặt rác trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam và được các thành viên ủng hộ nhiệt tình.
Ban đầu vẫn còn những e ngại vì sự khác biệt, hoặc ngại rằng nhặt xong mà vẫn đâu vào đấy. Nhưng cũng như chính hành trình sống xanh vậy, việc nhặt rác cũng phải kiên trì và bền bỉ, vì một đất nước sạch hơn.
Tóm lại, tiêu dùng xanh là lối sống đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, bởi vậy những ai bền bỉ theo đuổi lối sống này đều là những người có lòng yêu thương môi trường, yêu thương thế hệ tương lai và muốn tạo dựng nền tảng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận