26/08/2014 02:20 GMT+7

Công diễn Những người con Hà Nội

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Không gian phố cổ Hà Nội của năm 1946 được tái hiện từ sảnh đã dẫn lối cảm xúc cho khán giả hòa vào đêm công diễn Những người con Hà Nội.

Phóng to
Cảnh trong vở kịch Những người con Hà Nội - Ảnh: Đức Triết

Không ầm ào, không giật gân, Những người con Hà Nội được mở ra thật êm ái, bồng bềnh trên nền nhạc dìu dặt với người Hà Nội đang cà phê và thưởng thức Thiên thai của Văn Cao ở một quán trà nơi góc phố bình yên.

Rồi từ đó, những người con Hà Nội - anh kiến trúc sư, cô sinh viên y khoa, nhạc sĩ, nữ sinh đến công nhân, võ sĩ, cô đào ở phố Khâm Thiên, anh Ba Hổ chợ Đồng Xuân, cậu bé đánh giày, thiếu phụ làng hoa Ngọc Hà... - cùng bước vào cuộc chiến với bao câu chuyện hào sảng của tình yêu và lòng quả cảm.

Vở kịch quy tụ gần 100 diễn viên và không thật sự dành vai chính cho ai. Nếu đạo diễn non nghề sẽ dễ bị rơi vào sự kể lể dàn trải. Thế nhưng “phù thủy” Doãn Hoàng Giang đã khôn khéo nắm lấy sợi chỉ đỏ trong nhân cách người Hà Nội - hào hoa, phong nhã và luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình - rồi tìm những thủ pháp biểu đạt tinh tế để dựng nên một vở kịch mang tính sử thi anh hùng của Hà Nội thời hoa lửa.

Đấy là, những biểu tượng sân khấu đầy sức gợi như dòng chữ Độc lập tự do còn thắm dòng máu chảy sáng rực giữa sân khấu; như những mái ngói lô xô cùng bức tường thủng loang lổ trong màu khói...

Rồi thì, cùng với việc đẩy nhân vật, hoàn cảnh thành tính biểu tượng, đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã sử dụng thơ ca, âm nhạc, mà âm nhạc rất đắc địa, với những bài hát của Văn Cao: Ngày về, Bến xuân, Chiến sĩ VN, Buồn tàn thu... Vì thế, giữa bao tàn khốc của chiến tranh, tiếng đạn bắn liên hồi, máu đổ xương tan thì những người con Hà Nội vẫn hiện ra thật lãng mạn và dũng mãnh: Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa/ Mái đầu xanh thề mãi đến khi già/ Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại...

Sau Sống mãi với thủ đô, Những người quyết tử,Lũy hoa cách đây mấy mươi năm, sáu mươi ngày đêm người Hà Nội chiến đấu bảo vệ thủ đô (1946) đã tiếp tục được tái hiện hào hùng qua Những người con Hà Nội (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang).

Vẹn nguyên cảm xúc sau đêm diễn, diễn viên trẻ Thanh Hương nói: “Những ngày qua em được trở về với quá khứ và luôn ngỡ mình đang là những người con Hà Nội năm xưa”.

Còn NSƯT Minh Hòa - phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - chia sẻ: “Người nghệ sĩ chúng tôi đã vào vai không chỉ bằng niềm tự hào về lịch sử dân tộc mà còn là niềm sục sôi trước thời điểm đất nước đang phải đối diện với thử thách lớn lao, khi biển trời Tổ quốc đang bị xâm phạm. Vở kịch là công trình kỷ niệm 55 năm ngày thành lập nhà hát (28-8-1959 - 28-8-2014), 60 năm giải phóng thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2014) nên được nhà hát diễn chiêu đãi khán giả”.

Vở sẽ được tiếp tục biểu diễn miễn phí vào 20g ngày 28-8 tại rạp Công Nhân, Hà Nội.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên