Bộ GD&ĐT công bố môn thi tốt nghiệp THPT 2010
Phóng to |
Học sinh lớp 12A5 Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) học nhóm trong giờ học môn hóa. Đây là một trong những môn thi tốt nghiệp THPT năm nay - Ảnh: Như Hùng |
Trong đó các môn ngoại ngữ, hóa học thi theo hình thức trắc nghiệm, các môn còn lại thi tự luận. Với môn ngoại ngữ, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật. Thí sinh không theo học hết chương trình THPT hiện hành đối với môn ngoại ngữ hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học thì được thi môn thay thế là vật lý (thi theo hình thức trắc nghiệm).
Đối với giáo dục thường xuyên, sáu môn thi gồm: toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý. Trong đó, môn hóa học, vật lý thi theo hình thức trắc nghiệm.
Đề thi chủ yếu lớp 12
Theo cấu trúc đề thi 2010 do Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT ban hành, đối với giáo dục THPT, trừ môn ngoại ngữ chỉ có một phần chung cho tất cả thí sinh, các môn thi còn lại đều có hai phần: chung (bắt buộc) và riêng (thí sinh chọn một trong hai phần). Đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Môn toán, phần chung sẽ chiếm 70% tổng số điểm bài thi, bao gồm ba câu nhỏ. Phần riêng chiếm 30% tổng số điểm. Mỗi phần riêng bao gồm hai câu nhỏ. Môn ngữ văn, phần chung chiếm 50% tổng số điểm, bao gồm câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm (của Việt Nam hoặc nước ngoài), câu 2 yêu cầu viết một đoạn nghị luận xã hội. Phần riêng (50% số điểm) yêu cầu viết đoạn nghị luận văn học liên quan đến các tác giả, tác phẩm văn học trong chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.
Môn lịch sử, phần chung chiếm 70% tổng số điểm bài thi, gồm hai câu, phần riêng chiếm 30%. Theo cấu trúc đề thi, thí sinh sẽ phải nắm kiến thức lịch sử thế giới giai đoạn từ năm 1945-2000 và lịch sử Việt Nam từ năm 1919-2000. Môn địa lý, phần chung chiếm 80%, gồm ba câu, phần riêng 20%, thí sinh chọn một trong hai câu, yêu cầu học sinh phải nắm kiến thức của các phần địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, địa lý các ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, địa lý các vùng kinh tế, địa lý địa phương.
Ngoài ra, thí sinh phải thành thạo kỹ năng đọc bản đồ ở Atlas địa lý Việt Nam, vẽ, nhận xét, giải thích biểu đồ, vẽ bảng số liệu và tính toán, nhận xét... Môn hóa học, phần chung sẽ có 32 câu, phần riêng thí sinh chọn phần A hoặc B, mỗi phần có tám câu. Môn ngoại ngữ có 50 câu cho tất cả thí sinh, gồm các câu hỏi về ngữ âm, ngữ pháp - từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng đọc - hiểu, kỹ năng viết...
Theo Bộ GD-ĐT công bố chính thức, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 sẽ được tổ chức vào các ngày 2, 3 và 4-6.
Giáo viên cũng bất ngờ
Trong khi đó, đón nhận thông tin sáu môn thi tốt nghiệp THPT 2010, số đông HS lớp 12 đều hết sức bất ngờ. Bất ngờ vì thông tin sáu môn thi được công bố sớm hơn dự kiến sáu ngày và đặc biệt là phải thi cả hai môn lịch sử và địa lý. “Làm sao học bài nổi!” - đó là câu nói của hầu hết HS khi đón nhận thông tin này. Không chỉ HS, nhiều thầy cô dạy sử, địa cũng bất ngờ về điều này. Lâu lắm rồi, hai môn này mới được chọn trong cùng một kỳ thi tốt nghiệp.
Thầy Lâm Triều Nghi, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM), cho rằng: “Quy định thi cả hai môn xã hội sẽ gây khó khăn cho HS ban A. Tại trường này duy nhất có một lớp ban cơ bản khối D, ba lớp ban khoa học tự nhiên, tất cả các lớp còn lại theo ban cơ bản A, HS có xu hướng ngán các môn học bài. Ngay ngày mai, ban giám hiệu sẽ trao đổi với thầy cô chủ nhiệm chuẩn bị hướng dẫn các em kỹ năng học bài hai môn sử, địa”.
Cô Nguyễn Thị Ái Hằng, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Trần Phú (TP.HCM), cho biết từ khi bộ chưa công bố môn thi, nhiều HS đã đoán sẽ thi môn sử, nhiều giáo viên cũng chuẩn bị tinh thần thi môn sử, nhưng với môn địa lý đúng là một bất ngờ.
“Thầy cô sẽ phải làm công tác tâm lý đối với HS” - cô Dương Thị Phong Lan, giáo viên địa lý Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho biết. Cô Lan nói thêm: “Chương trình học môn nào cũng dài, nhiều kiến thức, hơi nặng đối với các em. HS thi ĐH khối A chỉ chuyên chú các môn tự nhiên, ngán học bài sẽ lo lắng và cả thất vọng vì khó có thể đạt điểm cao ở các môn xã hội, sẽ ảnh hưởng đến kết quả xếp loại tốt nghiệp”.
* TRẦN NGỌC ANH THƯ (học sinh lớp 12/3 chuyên hóa Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Tam Kỳ, Quảng Nam): Ít chú trọng môn địa Không chỉ cá nhân em mà hầu như bạn nào trong lớp cũng tỏ ra hết sức lo lắng. Có bạn ngồi thừ người ra, một số bạn không tin đó là sự thật. Từ đầu năm học này, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh luôn kháo nhau và đều nghĩ rằng trong các môn thi tốt nghiệp năm nay chắc sẽ không có môn địa lý vì môn này đã có liên tục trong kỳ thi tốt nghiệp của hai năm trước rồi. Chính các thầy cô có lẽ cũng không đoán trước được việc này nên cô giáo dạy môn địa ít dặn dò, nhắc nhở tụi em phải chú trọng. * Một lớp phó học tập Trường Lê Quý Đôn (TP.HCM): Đã “cắt bỏ” môn địa Em và mấy người bạn học ai cũng... chắc như đinh đóng cột rằng năm nay sẽ ra môn vật lý, hóa, sử bên cạnh những môn thi bắt buộc. Em và mấy bạn cũng chưa biết tính sao khi đã chủ động “cắt bỏ” môn địa. Giáo viên dạy môn địa lý cũng nhắc tụi em chỉ cần học... hai bài để thi học kỳ tại trường thôi. Do tập trung những môn thi tốt nghiệp theo suy đoán, rồi môn thi tuyển sinh ĐH (em thi khối D) nên hầu như em và các bạn chưa đụng gì môn địa cả. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận