07/05/2022 09:28 GMT+7

Công bằng, cao thượng quan trọng hơn thành tích

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Ngày 6-5, các trận đấu của bảng A đã khởi tranh trên sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Là chủ nhà của SEA Games 31, Việt Nam đặt mục tiêu cao nhất là tổ chức đại hội thành công, tạo dấu ấn đậm nét về chuyên môn, sự công bằng, cao thượng.

Công bằng, cao thượng quan trọng hơn thành tích - Ảnh 1.

Cổ động viên Việt Nam đã biến sân Việt Trì thành ngày hội cùng U23 Việt Nam thắng U23 Indonesia 3-0 tối qua 6-5 - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

SEA Games 31 diễn ra từ ngày 12 đến 23-5 tại Hà Nội và 11 tỉnh thành lân cận. Đại hội tổ chức 40 môn thi, 526 nội dung với sự góp mặt của trên 10.000 VĐV, HLV, trọng tài... đến từ 11 đoàn thể thao khu vực Đông Nam Á. 

Tối 6-5, ngọn lửa SEA Games 31 đã được lấy từ Bảo tàng Hồ Chí Minh để đưa về sân vận động Mỹ Đình chờ thắp sáng ngọn đuốc đại hội trong lễ khai mạc tối 12-5.

Trách nhiệm của Việt Nam với ASEAN

Theo kế hoạch, SEA Games 31 được tổ chức vào tháng 11-2021 nhưng vì dịch COVID-19, đại hội đã được lùi sang tháng 5-2022. Là đại hội đầu tiên của thể thao Đông Nam Á được tổ chức sau hơn 2 năm cả thế giới phải đương đầu với dịch bệnh, quyết tâm tổ chức SEA Games 31 là sự nỗ lực của Chính phủ, ngành thể thao Việt Nam.

Trước khi SEA Games 31 diễn ra, trong chuyến đi kiểm tra các cơ sở vật chất phục vụ đại hội, thăm hỏi các VĐV của đoàn thể thao Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định thành tích trong thi đấu vô cùng quan trọng nhưng không vì thành tích mà các VĐV tự gây áp lực cho mình. 

Sự nỗ lực hết sức của bản thân, vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn trong tập luyện và thi đấu chính là thành quả mà các VĐV mang về cho đất nước.

Công bằng, cao thượng quan trọng hơn thành tích - Ảnh 2.

Giành vị trí dẫn đầu ở các môn bơi, điền kinh, bắn súng, thể dục dụng cụ... sẽ giúp khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Tại lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh chia sẻ: 

"SEA Games không chỉ đơn thuần là sự kiện thi đấu thể thao của các quốc gia khu vực Đông Nam Á nhằm giành thành tích cao. Đây còn là ngày hội thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, là nơi giao lưu các nền văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực. 

Việc đăng cai tổ chức SEA Games cho thấy vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với phong trào thể thao khu vực Đông Nam Á và cũng thể hiện Việt Nam là một trong những thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đóng góp hết mình vì sự phát triển của ASEAN và "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn".

Ông Minh nhấn mạnh dù công tác chuẩn bị cho đại hội gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn quyết tâm, vượt qua mọi thách thức để tổ chức thành công SEA Games 31. 

40 môn thi của đại hội tập trung ở các môn Olympic, Asiad, các quốc gia được thi đấu sòng phẳng, công bằng và không có lợi thế từ các môn thể thao của nước chủ nhà như các đại hội trước đây. 

Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và đánh giá cao của các quốc gia trong khu vực.

Công bằng, cao thượng quan trọng hơn thành tích - Ảnh 3.

Giành vị trí dẫn đầu ở các môn bơi, điền kinh, bắn súng, thể dục dụng cụ... sẽ giúp khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Không lấy huy chương bằng mọi giá

Trả lời Tuổi Trẻ về quan điểm tổ chức SEA Games 31 và mục tiêu thành tích của thể thao Việt Nam tại đại hội, ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 - cho biết chương trình thi đấu của đại hội tập trung chính vào các môn Olympic, Asiad nên thế mạnh không thuộc về đoàn Việt Nam mà chia đều cho các đoàn Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Khẳng định Việt Nam đặt mục tiêu tổ chức SEA Games 31 thành công về công tác chuyên môn, đề cao sự công bằng, cao thượng, ông Phấn nói: 

"Việt Nam không lấy thế mạnh của mình để gạt bỏ các môn thế mạnh của các quốc gia khác. Chúng ta đưa hết các môn trong chương trình thi đấu của Asiad, Olympic vào đại hội, vì thế đây là cuộc đua sòng phẳng. Chúng ta không sử dụng bất kỳ kỹ thuật nào để lấy huy chương ở SEA Games 31 bằng mọi giá".

Công bằng, cao thượng quan trọng hơn thành tích - Ảnh 4.

Giành vị trí dẫn đầu ở các môn bơi, điền kinh, bắn súng, thể dục dụng cụ... sẽ giúp khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam - Ảnh: HOÀNG TÙNG

1.299 trọng tài quốc tế

Để các cuộc thi đấu tại SEA Games diễn ra công bằng, cao thượng, đúng luật, có tổng cộng 3.384 trọng tài tham gia làm nhiệm vụ tại SEA Games 31, trong đó có 1.299 trọng tài quốc tế, 2.085 trọng tài Việt Nam. Với 30% trọng tài quốc tế điều khiển các cuộc tranh tài, có thể đảm bảo SEA Games 31 được vận hành công bằng, minh bạch, đạt chất lượng chuyên môn.

Đặc biệt ở môn bóng đá, toàn bộ quyền phân công, điều hành trọng tài do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) điều phối. AFC sử dụng các trọng tài FIFA, FIFA Elite và hầu hết ở ngoài khu vực Đông Nam Á. 

Ở Việt Nam, duy nhất trọng tài FIFA Elite Ngô Duy Lân và trợ lý FIFA Phan Trung Hậu được làm nhiệm vụ ở môn bóng đá nam. Vì vậy, Việt Nam cũng như các quốc gia khác hoàn toàn có thể yên tâm về sự công bằng, trung lập của đội ngũ trọng tài bóng đá.

Công bằng, cao thượng quan trọng hơn thành tích - Ảnh 5.

Giành vị trí dẫn đầu ở các môn bơi, điền kinh, bắn súng, thể dục dụng cụ... sẽ giúp khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Cần thể hiện năng lực ở các môn Olympic

Trong 40 môn thi của SEA Games 31 có một số môn mà đoàn Việt Nam rất mạnh là Vovinam, lặn, kurash, vật, silat... Các quốc gia Đông Nam Á sẽ nhìn vào việc Việt Nam tổ chức, cử lực lượng tham gia thế nào ở những môn này để đánh giá về sự công bằng, cao thượng của chủ nhà.

Muốn khẳng định năng lực thực sự, thước đo được đánh giá chính là bảng thành tích ở các môn trọng điểm Olympic như điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, bóng đá... Đứng đầu ở những môn này, SEA Games 31 đã thành công với thể thao Việt Nam.

Tại SEA Games 30 ở Philippines, đội tuyển điền kinh Việt Nam đã xuất sắc giành 16 HCV, 12 HCB, 10 HCĐ để trụ vững ở ngôi vị số 1 Đông Nam Á. Với thành tích này điền kinh Việt Nam bỏ xa Thái Lan (12 HCV), Philippines (11 HCV). Tại SEA Games 31, điền kinh đặt mục tiêu giành 15 - 17 HCV và giữ vững ngôi số 1 Đông Nam Á.

Lời hứa của Singapore

"Tấm gương VĐV quan trọng hơn huy chương" - ông Lim Teck Yin, trưởng ban tổ chức SEA Games 2015 tại Singapore, từng trả lời phóng viên Tuổi Trẻ như vậy khi nói về tôn chỉ tổ chức kỳ đại hội năm ấy. Đó không phải một câu khẩu hiệu để hô hào mà là một lời hứa.

Và những gì diễn ra tại SEA Games 2015 cho thấy chủ nhà Singapore trọng thị lời hứa đến thế nào. Singapore 2015 trở thành một kỳ SEA Games kiểu mẫu, một kỳ SEA Games với những tiêu chuẩn về sự trung thực, tính hấp dẫn, tinh thần thể thao tương đương với Olympic.

Chủ nhà "vơ vét" huy chương là thực trạng quen thuộc của các kỳ SEA Games, khiến đại hội này chết danh "ao làng". Có một cách đơn giản để đo lường về mức độ trung thực của các nước chủ nhà SEA Games, đó là mức độ biến thiên số HCV ở thời điểm trước, trong lúc và sau khi họ đăng cai đại hội.

Tiêu biểu như ở Jakarta 2011 - một trong những kỳ SEA Games mà chủ nhà "lạm phát huy chương" dữ dội nhất. Hai năm trước đó Indonesia chỉ giành được 43 HCV ở SEA Games 2009, nhưng tăng vọt lên 182 HCV khi đăng cai SEA Games 2011 và lại tụt xuống chỉ còn 64 HCV ở SEA Games 2013.

Tương tự là Myanmar - chủ nhà SEA Games 2013 - đã tăng vọt số HCV từ 16 ở kỳ trước đó lên 84 khi mình đăng cai, và rớt xuống 12 ở kỳ tiếp theo...

Singapore là nước chủ nhà có độ biến thiên huy chương thấp nhất. Họ giành 35 HCV ở SEA Games 2013, tăng lên 84 HCV ở kỳ 2015 và giảm còn 57 HCV ở Kuala Lumpur 2017.

Việc chỉ tăng khoảng 30 - 50 HCV như Singapore có thể chấp nhận được, xét theo góc độ nước chủ nhà chiếm một số lợi thế về sân bãi, sự cổ vũ của CĐV... Con số này ít hơn hẳn mức biến thiên 100 - 150 HCV của các nước chủ nhà khác.

Có rất ít tranh cãi về việc chủ nhà được trọng tài thiên vị ở kỳ SEA Games 2015. Thêm vào đo, Singapore thể hiện rõ quyết tâm tổ chức SEA Games với những môn thể thao Olympic. Singapore 2015 chỉ có 36 môn thể thao, ít hơn so với 38 của Kuala Lumpur 2017 và 56 của Manila 2019.

Chủ nhà Singapore còn mở màn một trào lưu thú vị - đó là tấu các bản nhạc đang "hot" của từng quốc gia khi họ có VĐV đoạt HCV hoặc thi đấu ấn tượng. Ở hồ bơi - nơi Ánh Viên tỏa sáng rực rỡ, người hâm mộ liên tục được nghe các giai điệu của Việt Nam, như một lời chúc mừng chân thành mà ban tổ chức SEA Games dành cho VĐV các nước.

HUY ĐĂNG

Kiếm thủ Vũ Thành An dẫn đầu lễ xin lửa thắp đuốc SEA Games 31 Kiếm thủ Vũ Thành An dẫn đầu lễ xin lửa thắp đuốc SEA Games 31

TTO - Chiều tối 6-5, 11 vận động viên xuất sắc của Hà Nội đã thực hiện nghi thức xin lửa thắp đuốc SEA Games 31, chuẩn bị cho màn thắp sáng lễ khai mạc SEA Games 31 vào tối 12-5 tại sân vận động Mỹ Đình.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên