25/08/2015 10:33 GMT+7

Con ước mơ làm đầu bếp

V.H.X.
V.H.X.

TT - Đó là tâm sự của bé Trần Hoàng Vân Anh, 6 tuổi, học sinh lớp 1 Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP.HCM.

Bé Vân Anh đang chơi trò chơi nấu bún bò cho mẹ ănẢnh: V.H.X.
Bé Vân Anh đang chơi trò chơi nấu bún bò cho mẹ ăn - Ảnh: V.H.X.

Vân Anh cho biết: “Con muốn làm đầu bếp để nấu những món thật ngon cho ông bà nội, ba mẹ và nhiều người khác nữa…”.

Mẹ của Vân Anh - chị Hoàng Thị Thu Phương - kể: “Ước mơ của bé bắt nguồn từ những lần mình cho bé lên cơ quan xem mẹ làm việc từ hồi bé 3 tuổi (chị Phương là bếp phó của một công ty TNHH chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp, phục vụ tiệc ngoài trời, trong nhà… ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - NV).

Sau đó, mỗi lần mẹ nấu ở nhà cũng vậy, mẹ không kêu, không gọi nhưng bé cứ quanh quẩn dưới bếp nhìn mẹ làm rồi xin mẹ cho làm chung. Mẹ không cho thì bé nằn nì xin làm thử. Vì bé còn nhỏ quá mình sợ nguy hiểm nên mới cho bé nhặt rau hoặc chuẩn bị một số việc lặt vặt cho bữa ăn như lấy đũa, muỗng, muối, tiêu, hành…”.

Nghe mẹ nói, Vân Anh chen vào: “Mẹ con giỏi lắm đó, biết nấu nhiều món: bún bò, cơm tấm, gà nướng... mà món nào cũng ngon hết. Con ước khi lớn lên con cũng làm được như mẹ…”.

Thế nên, ngay cả khi chơi trò chơi bé Vân Anh cũng thích chơi trò nấu bếp. Theo lời chị Phương: “Trong các loại đồ chơi bé thích nhất bộ đồ chơi bằng nhựa với rổ, rá, muỗng, đũa, nồi… Hết "nấu" bún riêu cho mẹ ăn lại đến "nấu" bánh canh, cơm sườn, "xay" nước trái cây…cho bà nội uống.

Trong nhà có người từng nói với bé: "Làm đầu bếp vất vả lắm con ơi, suốt ngày phải cặm cụi trong bếp nóng nực, chật chội. Thôi đừng mơ làm đầu bếp nữa, làm bác sĩ oai hơn, sướng hơn!". Vậy mà bé vẫn quả quyết: “Con chỉ thích nghề đầu bếp thôi”. Mình và ba bé thì thấy rất vui vì con sớm bộc lộ sở thích và sự đam mê nghề nghiệp”.

Nói rồi chị Phương mang bức tranh của con gái ra khoe: “Đây nè, tranh vẽ cũng vẽ về nghề đầu bếp nữa”. Chỉ vào bức tranh, Vân Anh thuyết minh: “Đây là mẹ Phương đang nấu ăn nè. Khi nấu xong mẹ đưa thức ăn cho chú làm cùng công ty với mẹ để chú mang ra cho khách nè. Còn đầu bếp nhí này là con đó, con mang thức ăn ra cho các bạn đang ngồi chờ: có cá nè, xúc xích nè… ngon lắm!".

Hãy để mọi việc diễn ra tự nhiên

“Trẻ có ước mơ là điều đáng quý, cho dù ước mơ của trẻ có đơn giản, mơ hồ, viển vông… thì điều đó cũng giúp trẻ có định hướng và sống vui vẻ hơn. Trẻ đang phát triển nhân cách, nhận thức còn non nớt, vốn sống chưa nhiều, tiềm năng chưa bộc lộ rõ. Vì vậy cha mẹ cần quan tâm lắng nghe khi con bày tỏ ước mơ, tỏ ra tôn trọng mơ ước của con và luôn thông cảm nếu con thay đổi suy nghĩ và mơ ước của mình.

Đối với trường hợp bé Vân Anh, phụ huynh hãy để cho bé được thoải mái và vui vẻ “sống” với ước mơ của mình: cho bé được thực hành bằng cách phụ giúp mẹ nấu nướng (bằng một số việc phù hợp với độ tuổi của trẻ), cho bé theo mẹ lên công ty để xem mẹ làm bếp (nếu thuận tiện)…

Hãy để mọi việc diễn ra một cách tự nhiên chứ đừng cản trở bé bằng cách giải thích này kia (ví dụ: không nên cố phân tích rằng nghề làm bếp sẽ vất vả, cực nhọc…). Khi Vân Anh học trung học, nếu bé vẫn còn giữ nguyên ước mơ của mình thì phụ huynh nên hỗ trợ con bằng cách cho bé đọc thêm tài liệu, sách, báo về nghề nấu ăn, về cách chế biến món ăn, về những người thành đạt trong nghề… đồng thời tạo thêm cơ hội cho bé được thực hành về nghề nghiệp tương lai nhiều hơn. Tóm lại, phụ huynh nên là người đồng hành cùng với ước mơ của con.

Ở lứa tuổi con học trung học, cha mẹ có thể trao đổi, phân tích để con tự nhận thức và đánh giá xem ước mơ của mình có khả thi không (đối với khả năng, điều kiện phấn đấu của bản thân…). Sai lầm phụ huynh thường gặp là không quan tâm hoặc xem thường ước mơ của con. Điều này sẽ khiến trẻ hụt hẫng, nản lòng, sống buông xuôi, hoặc ngấm ngầm theo đuổi ước mơ của mình trong sự e ngại, giấu giếm...”.

TS giáo dục học NGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG
(khoa tâm lý - giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM)

Với niềm tin rằng mỗi giấc mơ hôm nay sẽ dẫn đến thành công ngày mai, Công ty Unilever - nhãn hàng OMO - tổ chức chương trình "Việt Nam, hãy ước mơ!" nhằm khuyến khích các bậc cha mẹ cùng chia sẻ, nuôi dưỡng và chắp cánh cho ước mơ của con trẻ.

Thông tin chi tiết tại http://hayuocmo.omovietnam.com. Xin mời bạn đọc gửi câu chuyện về những ước mơ của con cho báo Tuổi Trẻ: giaoduc@tuoitre.com.vn, và cùng chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình nuôi dưỡng con trẻ. Ban tổ chức chương trình sẽ chọn 3 bé có ước mơ dễ thương nhất để trao quà động viên, mỗi phần quà trị giá 5 triệu đồng.

V.H.X.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên