Xe
10/11/2017 11:06 GMT+7

Con tập đạp xe để làm gì?

TRÂN CHÂU
TRÂN CHÂU

TTCT - Cháu trai tôi năm nay lên lớp 8, còn cháu gái vừa tròn 8 tuổi. Cháu trai biết chạy xe đạp đã lâu và giờ là chủ nhân chiếc xe đạp cuộc thể thao của ba nó.

 

Cháu gái đang trầy trật ngã lên ngã xuống vì mới gỡ hai bánh phụ của chiếc xe nhỏ.

Nó thút thít mỗi chiều bị ba bắt đem xe ra công viên tập. Với nó, mùa hè là vui chơi thỏa thích và chẳng hứng thú gì việc tập xe trầy trật này.

“Tập xe khổ sở để làm gì vì chỉ được loanh quanh trong công viên, trong ngõ nhỏ nhà mình, mà mấy đoạn đường gần vậy đi bộ còn dễ chịu hơn!” - nó lèm bèm.

Cháu gái nói có lý, vì gia đình chưa dám cho em đi xe một mình trong điều kiện lưu thông như phim hành động trên phố.

Ngược lại, anh trai quá thích chạy xe, mùa hè không phải đến trường vẫn dậy thật sớm, len lén lấy chiếc xe thể thao của ba nó phóng vù vù trên mấy cung đường vắng.

Ba nó làm ngơ cho con trai được tự do khám phá đôi chút, nhưng có hôm mẹ nó đi chợ phát hiện cậu ấm nhà mình đang cưỡi con ngựa sắt cao ngất nghểu, phóng băng băng xen trong dòng xe dù chưa đông vẫn rất vội. Về nhà, chị dâu làm ầm lên vì sợ nguy hiểm.

Người ta than rằng thiếu sân chơi cho trẻ, rằng mỗi gia đình sinh ít con lại có điều kiện kinh tế nên chăm bẵm thái quá, rằng giáo dục nhồi nhét mệt nhoài nên trẻ thụ động còn cha mẹ phải ngược xuôi đáp ứng...

Riêng tôi cho rằng một hành động tưởng chừng rất nhỏ nhưng tiếp tay cho sự ù lì rất lớn, đó là trẻ không được độc lập đi lại. Chính văn hóa lưu thông của mình hiện nay ngăn cản cha mẹ thả con ra đường.

Nhiều bạn bè của tôi than: ngày nào cũng phải mấy bận đón đưa thằng con cao nghều, vừa mệt mỏi vừa quá mất thời gian đi lại, chẳng thể tập trung vào công việc và chẳng còn thời gian nghỉ ngơi.

Nhiều gia đình cắt cử hẳn một người ở nhà chuyên tâm việc “xe ôm” cho các con và nội trợ mà tất tả không ngơi.

Cụ già, thanh niên cứ hô hào để cho bọn trẻ tự đi, di chuyển gần thì xe đạp, xa thì xe buýt, chỉ những người đang nuôi con nhỏ mới đồng cảm rằng chẳng đơn giản thế đâu.

Đường sá chật hẹp bụi bặm, xe cộ lưu thông cẩu thả, chỉ cần xe tải bấm còi hay môtô nẹt pô, người thần kinh yếu ngã lăn, băng bộ qua đường còn thót tim chứ nói gì đi xe.

Đồng ý rằng cái gì cũng phải tập dượt mới thạo, nhưng tập cho con chạy xe một mình ở đô thị Việt Nam thật sự vẫn rất rủi ro, trong tích tắc có thể tàn phế vĩnh viễn hoặc mất mạng, bởi vậy đâu mấy ai dám dùng phép thử - sai này khi mình còn có thể xoay xở đồng hành cùng con.

Các chuyên gia thuyết giảng rằng hãy dạy cho con kỹ năng nhận diện và né tránh rủi ro, song bất trắc trong giao thông thật sự khó lường. Đâu phải mình cứ di chuyển đúng là an toàn, sinh mạng của mình còn nằm trong tầm “phía trước tay lái là sự sống” của những bác tài trên đường.

Từ chuyện đứa trẻ dù đã cao hơn bố nặng hơn mẹ vẫn ngồi sau xe cho bố mẹ đưa rước, các em ấy dễ thành thụ động và vô cảm trước nhọc nhằn của người khác, dễ xem mọi thụ hưởng là đương nhiên.

Không được đi học một mình, không thể đi dạo cùng bạn, đi mua đồ giúp bố mẹ, chở em đi thăm ông bà... làm sao con hiểu biết và sẻ chia. Nếu cung đường con đi dẫu rất dài rất xa song luôn có bố mẹ bảo bọc bên cạnh thì vẫn như ấu trùng mãi chẳng ra khỏi kén sao hóa thành bướm được.

Trở lại chuyện của gia đình anh trai. Đây không phải là lần đầu tiên anh chị tranh cãi về việc để thằng nhóc đạp xe một mình. Lý lẽ của anh về tự do phát triển, về độc lập trưởng thành đều rất thuyết phục.

Lập luận của chị về sự an toàn còn sắc sảo hơn. Thật sự nếu tính mạng bị nguy cơ thì quan tâm chi nữa đến phát triển và trưởng thành. Loay hoay này đã thành chuyện thường ngày trong mỗi gia đình.

Ở nhà tôi cũng vậy, hai bé con đã vào lớp 1 lớp 2 vẫn chưa chịu tập đạp xe bởi chúng tinh ý nhận ra dẫu “khổ luyện” được rồi cũng chẳng biết đến bao giờ mới có thể “độc lập tác chiến” như ba mẹ ngày xưa...

Bà nội dỗ dành “an toàn là trên hết”, luôn nhắc vợ chồng tôi hạn chế đi lại và chịu khó lái chầm chậm, cứ mỗi sáng con cháu dắt xe ra là bà lẩm bẩm cầu khấn bình yên cho chúng, tối chúng về đủ hết bà mới thở phào yên giấc.

Chuyện lưu thông tưởng đơn giản nhưng ở đô thị mình đã trở thành giấc mơ của người nhỏ, nỗi lo của người lớn, nguyện vọng của người già!

TRÂN CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên