Ban lãnh đạo Toshiba cúi đầu xin lỗi trong một cuộc họp báo sau tuyên bố từ chức vì những gian dối hồi tháng 7-2015 - Ảnh: AFP |
Có ba công ty tự thú chỉ trong 24 giờ, khiến người ta thắc mắc chuyện gì đang xảy ra.
Theo báo Japan Times, cách đây ba tháng, lãnh đạo Tập đoàn Toshiba thừa nhận “thổi” báo cáo lợi nhuận 1,2 tỉ USD trong gần bảy năm.
Tiếp nối, Tập toàn Takata nói họ chịu trách nhiệm bán ra túi khí bị lỗi dẫn đến việc thu hồi hơn 40 triệu xe hơi. Cứ tưởng đã hết, mới tuần trước, cùng lúc ba công ty Nhật khác lại lên tiếng nhận lỗi vi phạm đạo đức kinh doanh.
Tranh cãi đang nổ ra khắp đất nước Nhật về ý nghĩa của làn sóng thú tội này. Tiếp theo sẽ là ai?
Chúng ta thấy thương hiệu Nhật nổi tiếng chất lượng, hóa ra cũng không hẳn như vậy |
Ông JEFF KINGSTON (học giả nghiên cứu châu Á) |
Hội chứng nhất thời hay thay đổi thực chất?
Trong làn sóng xìcăngđan mới nhất tại Nhật, Công ty Toyo Tire & Rubber cho biết phát hiện một bộ phận đã “phù phép” dữ liệu chất lượng sản phẩm cao su cung cấp cho 18 khách hàng trong hơn một thập kỷ.
Còn Tập đoàn xây dựng Asahi Kasei tự thú đã làm sai dữ liệu móng cọc trong các tòa nhà chung cư khiến một công trình xây xong bị nghiêng. Cuối cùng, chuỗi nhà thuốc Matsumotokiyoshi công bố một giám đốc của hãng đã giả mạo chứng từ kế toán để giấu lỗ.
Toyo Tire hiện đã thuê một bên thứ ba kiểm tra lại tất cả sản phẩm của hãng, còn Asahi Kasei bị chính phủ ra lệnh đến ngày 22-10 phải nộp xong dữ liệu về 3.000 tòa nhà, trong khi Matsumotokiyoshi cũng thành lập hội đồng điều tra và sẽ công bố kết quả vào tháng tới.
Những lời thú tội trên xuất hiện dồn dập trong một thời gian ngắn khiến dư luận có cảm giác làn sóng “ăn năn hối cải” đang đánh vào doanh nghiệp Nhật.
Trước thời điểm vụ Toshiba, Thủ tướng Shinzo Abe đã phát động công cuộc cải cách quản trị doanh nghiệp tại Nhật hướng đến sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Phe lạc quan cho rằng việc các công ty nhận lỗi công khai là tín hiệu tích cực cho thấy nỗ lực của Thủ tướng Abe đã có hiệu quả.
Trong khi đó, phe bảo thủ chỉ trích giới làm ăn Nhật làm chuyện xấu mà không màng đến hậu quả. Họ dẫn chứng 30 quan chức cao cấp dính chàm trong vụ Toshiba không ai bị đuổi việc, trong khi Hãng Toyo Tire đã mắc cùng một lỗi đến hai lần.
“Minh Trị” thời Shinzo Abe
Theo trang Bloomberg, mặt trái của những xìcăngđan ồn ào gần đây là một số nhà đầu tư có thể mất niềm tin vào đối tác Nhật. Không ai xa lạ với quan niệm xưa nay là hàng hóa Nhật nổi tiếng chất lượng, thậm chí cao hơn hàng Mỹ hay châu Âu.
Báo cáo 2014-2015 của Tổ chức World Economic Forum (Thụy Sĩ) cũng khẳng định điều này: Nhật Bản đứng hạng nhất thế giới về chất lượng nhà cung cấp.
Sự thật là Luật quản trị doanh nghiệp mới của Thủ tướng Abe chính thức có hiệu lực từ tháng 6-2015. Các công ty Nhật bắt buộc phải đạt được những tiêu chuẩn mới do chính phủ đưa ra hoặc phải giải trình tại sao họ thất bại.
Các chuyên gia tài chính nhận xét để công cuộc cải cách mới thành công, chính phủ ông Abe phải đánh bật được một trong những nền tảng lâu đời nhất của hệ thống kinh tế Nhật: Keiretsu - một dạng nghiệp đoàn ngầm thống trị Nhật đã hàng thế kỷ.
Dù Keiretsu đã thay đổi hình thái để phù hợp với thời nay, nhưng mối quan hệ cổ đông chồng chéo kiểu Nhật vẫn gây ra nhiều vấn đề cho những kẻ “ngoại đạo” nước ngoài. Bên cạnh đó, văn hóa thứ bậc trong doanh nghiệp Nhật cũng là một rào cản lớn: khuyến khích nhân viên tố cáo cấp trên là chuyện không tưởng!
Nhưng nhiều người tin tưởng Chính phủ Nhật đang hướng đến một thay đổi căn cơ. Thủ tướng Abe cùng các nhóm vận động như Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Nhật đang gây áp lực lên giới kinh doanh phải tuân thủ luật doanh nghiệp mới.
“Một khi cái gì đó đã bắt đầu ở Nhật, nó sẽ phát triển và trở nên nghiêm khắc hơn ở bất cứ nước nào” - Edwin Merner, chủ tịch Tập đoàn đầu tư nghiên cứu Atlantis có trụ sở tại Tokyo, đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận