30/03/2024 09:52 GMT+7

Con nuốc Huế 'em cùng mẹ khác cha' xa về địa lý với sứa, sao mà sốt mạng vậy ta?

Con nuốc Huế là món ăn đang gây sốt mạng xã hội. Nhiều người tìm mua, ăn thử và nhận xét đặc sản này đích thị là mỹ vị mùa hè bởi có màu sắc xanh ngọc bắt mắt, cùng hương vị thanh mát, mặn mòi của biển.

Đĩa nuốc Huế ăn kèm với mắm ruốc, rau thơm - Ảnh: Cố đô xưa, đặc sản món Huế

Đĩa nuốc Huế ăn kèm với mắm ruốc, rau thơm - Ảnh: Cố đô xưa, đặc sản món Huế

Trên các diễn đàn ẩm thực, mạng xã hội đang rộn ràng nhiều hình ảnh, loạt video chia sẻ về con nuốc Huế, từ hương vị, xuất xứ đến cách ăn với nhiều lời khen tích cực, lời giới thiệu là "đặc sản vùng cố đô Huế", "mỹ vị mùa hè"...

Con nuốc Huế có màu xanh ngọc bắt mắt - Ảnh: FB Tạp Hóa Kén

Con nuốc Huế có màu xanh ngọc bắt mắt - Ảnh: FB Tạp Hóa Kén

Khi giới thiệu món nuốc độc lạ này, một bạn trẻ hài hước ví von những con nuốc là "em gái cùng mẹ khác cha xa về địa lý với sứa".

Thực chất, con nuốc có họ hàng với sứa, thường được chia thành hai phần là nuốc tai mềm mọng và nuốc chân giòn sần sật.

Theo người dân địa phương, tùy vào con nước mà màu sắc của nuốc sẽ có độ đậm nhạt khác nhau, nhưng phổ biến nhất là màu xanh ngọc.

Khác với con sứa sống quanh năm trong nước mặn của biển, con nuốc chỉ thường xuất hiện vào mùa hè, phổ biến trong các vùng đầm phá nước lợ tại Huế, như: đầm Cầu Hai, phá Tam Giang

Khi đến mùa, những con nuốc sẽ nổi lên thành từng mảng trên mặt nước. Lúc đó, người dân sẽ vớt lên, ngâm vào nước và mang ra chợ bán. 

Con nuốc 'tuốc luốc'

Trong dân gian Huế, có nhiều món ăn bị đọc trại tên. Ví như, việc nói trại từ bánh “khói” thành bánh “khoái”. Tên gọi của con nuốc cũng là một trường hợp giống như vậy. 

Nuốc là tên theo phương ngữ của con nuốt. Người Huế thường đọc trại vần "t" thành vần “c”, vì vậy “nuốt” bị biến thành “nuốc” từ khi nào không hay.

Có lẽ con sứa này rất dễ ăn, dễ nuốt nên người Huế hay nói vần là “nuốc tuốc luốc”, nghĩa là ăn món này vào thì… nuốt tuốt luốt, khỏi cần nhai nhiều! 

Con nuốc vốn chỉ ngon khi đang ở độ vào mùa và phải là loại thật tươi. Hơn nữa, người ta chỉ ăn chúng trong một ngày, qua hôm sau sẽ không còn mọng nước, giòn.

Con nuốc được để trong trong thau, với nước lợ xăm xắp để giữ độ tươi ngon

Con nuốc được để trong trong thau, với nước lợ xăm xắp để giữ độ tươi ngon

Mát lạnh ngày hè, ăn giòn sần sật

Mùa nào thức nấy. Hằng năm, đến mùa, các gánh nuốc được bày bán ở nhiều khu chợ gần các vùng đầm phá. Những con nuốc nằm trong thúng, thau chứa nước lợ, có vài cục đá để giữ độ tươi sống, giòn ngon.

Trên mạng xã hội, nhiều người truyền tai nhất định phải ăn thử con nuốc vì họ tò mò về hương vị. 

Một số đã ăn thử và nhận xét: "Con nuốc thoang thoảng vị mặn, cho ta cảm giác về mùi vị của biển và đầm phá, khi ngậm trong miệng lại có vị mát ngọt của thủy sản tươi sống ngọt ngào". 

Với nhiều người, con nuốc không chỉ là món ăn ngon, làm mát lòng mát dạ cả trẻ lẫn già, mà nó còn gợi bao ký ức về hình ảnh sông nước bình dị ở vùng quê của những người Huế xa nhà.

Món ngon với con nuốc Huế

Con nuốc vốn lành, ăn mát lạnh và không gây ngứa như sứa nên được nhiều người ưa chuộng, chế biến thành muôn vàn món ngon.

Hơn nữa, đây cũng được xem là một đặc sản của người Huế, rất đáng thử một lần khi đến đây.

Có nhiều món ăn chế biến với nuốc, nhưng đơn giản và phổ biến nhất là ăn sống chấm mắm ruốc. 

Một tài khoản trên Facebook chỉ cách ăn: 

Một "cư dân mạng" chế biến món nuốc sống, ăn kèm mướp đắng, xoài, chuối chát, dưa leo, rau thơm, trái vả, húng lủi và thịt heo - Ảnh: FB Tạp Hóa Kén

Một "cư dân mạng" chế biến món nuốc sống, ăn kèm mướp đắng, xoài, chuối chát, dưa leo, rau thơm, trái vả, húng lủi và thịt heo - Ảnh: FB Tạp Hóa Kén

"Mắm ruốc Huế pha cùng tỏi ớt giã nhỏ, thêm ít bột ngọt, đường, vắt thêm miếng chanh. Các loại rau thơm ăn kèm gồm: chuối chát, khế chua, và rau thơm tùy thích. 

Tuy nhiên không thể thiếu hai nguyên liệu quan trọng là trái vả tươi cắt mỏng và rau húng lủi thơm cay the the.

Người dân cũng thường ăn nuốc tươi chấm ruốc kèm với dưa gang tươi, căng mọng, giòn tan xắt lát hơi dày".

Cách chế biến này được thực khách ví như “sashimi xứ Huế”.

Món gỏi làm từ nuốc chân cũng rất được lòng người bản địa và du khách thập phương khi có dịp du lịch tới Huế. 

Nuốc cũng có thể được chế biến thành món gỏi

Nuốc cũng có thể được chế biến thành món gỏi

Phần chân dai giòn sần sật, được trộn gỏi cùng các loại mắm đặc trưng của vùng cố đô hoặc ăn kèm rau sống… 

Ngoài hai món trên, nếu đến Huế mùa nuốc, nhất định thực khách không nên bỏ lỡ món bún giấm nuốc trứ danh, là thức quà đặc sản dành riêng cho mảnh đất cố đô.

Món bún giấm nuốc được chế biến từ phần chân nuốc và độ ngon tùy thuộc vào phần nước dùng.

Để làm nước dùng, người nấu cần có tôm tươi, bóc vỏ bỏ đầu, chừa lại đuôi cho đẹp mắt, nêm nếm đầy đủ gia vị cho thấm. Thịt ba rọi cắt miếng nhỏ vừa ăn, ướp gia vị. 

Tôm thịt phi với dầu, hành cho thơm, thêm tí ớt bột, xào liu riu trong lửa nhỏ chừng 10 phút cho tôm thịt thấm, rồi châm nước dùng xăm xắp.

Còn nuốc chân mua về ngâm trong nước lạnh và lá ổi để tạo độ giòn. 

Một tô bún giấm nuốc đúng điệu có rau sống, bún tươi cọng nhỏ, chan nước dùng xăm xắp, có ít hành ngò, đậu phộng rang, bánh tráng, nêm tí ruốc, chút ớt sa tế và trên cùng cho vào dăm bảy chân nuốt.

Một tô bún giấm nuốc đúng điệu có rau sống, bún tươi cọng nhỏ, chan nước dùng xăm xắp, có ít hành ngò, đậu phộng rang, bánh tráng, nêm tí ruốc, chút ớt sa tế và trên cùng cho vào dăm bảy chân nuốt.

Món bún sẽ ấm nóng, thơm nồng mùi rau thơm, ngọt đậm đà của nước lèo tôm tươi hòa quyện với cái beo béo của đậu phộng, bánh tráng cùng vị ngọt giòn tan của những con nuốt sần sật trong miệng.

5 món ngon xứ Huế được thế giới gọi tên5 món ngon xứ Huế được thế giới gọi tên

Taste Atlas, trang ẩm thực quốc tế, vừa xếp Huế ở vị trí 28 trong 100 thành phố có các món ăn ngon nhất thế giới. 'Bún bò, bún thịt nướng, bánh bèo, bánh khoái, nem lụi là những món ngon xứ Huế phải thử khi đến đây', theo Taste Atlas.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên