20/02/2014 01:19 GMT+7

Còn nhiều ý kiến khác nhau về lấy phiếu tín nhiệm

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Hôm nay (20-2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 25 để thảo luận, cho ý kiến về một số dự luật chuẩn bị trình Quốc hội như Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật xây dựng (sửa đổi); Luật công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam; Luật đầu tư công; Luật nhà ở (sửa đổi).

Đặc biệt, để chuẩn bị công tác lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai vào kỳ họp giữa năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21-11-2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Qua lần lấy phiếu đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: việc lấy phiếu tín nhiệm được dư luận đánh giá cao, coi đây là một hình thức giám sát hiệu quả đối với những người giữ vị trí cao trong bộ máy công quyền. Tuy vậy, tổng hợp góp ý sau kỳ lấy phiếu cho thấy còn nhiều ý kiến khác nhau đối với công tác này.

Bản tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân của MTTQ VN gửi đến Quốc hội cho thấy nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên có hai hình thức là “tín nhiệm” hoặc “tín nhiệm thấp”, thay vì ba mức như trong lá phiếu đang được thực hiện là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” hoặc “tín nhiệm thấp”. Tại phiên họp rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, cũng phản ảnh lại ý kiến của cử tri, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị nên thiết kế phiếu chỉ có hai hình thức là “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”.

Về đối tượng lấy phiếu, ông Ksor Phước và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng cho rằng không nên lấy phiếu đối với lãnh đạo cơ quan dân cử nữa, lý do là cơ quan dân cử quyết định tập thể nên vai trò, trách nhiệm cá nhân không rõ ràng và các vị trí này do cử tri bầu ra.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên