19/12/2021 13:22 GMT+7

Còn nhiều tỉnh thành mua kit xét nghiệm bị thổi giá từ Công ty Việt Á, giá cao hơn cả Hải Dương

L.ANH - T.THẮNG
L.ANH - T.THẮNG

TTO - Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, và giám đốc CDC Hải Dương để điều tra vụ "thổi giá" kit xét nghiệm. Mức giá đang được cho là đã "thổi" là 470.000 đồng/bộ xét nghiệm.

Còn nhiều tỉnh thành mua kit xét nghiệm bị thổi giá từ Công ty Việt Á, giá cao hơn cả Hải Dương - Ảnh 1.

Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam được WHO chấp thuận - Ảnh: Bộ KH&CN

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, còn nhiều tỉnh thành mua kit xét nghiệm của Việt Á với mức giá từ 470.000 đồng/bộ xét nghiệm PCR như ở Hải Dương, thậm chí mua ở mức giá cao hơn.

Cụ thể, tại quyết định ngày 23-6-2021 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư chống dịch, Bắc Ninh phê duyệt mua 10.000 bộ xét nghiệm PCR LightPower của Việt Á cho CDC tỉnh Bắc Ninh với giá 470.000 đồng/bộ.

Cùng thời điểm này, tỉnh Nam Định mua 13.536 bộ xét nghiệm tương tự của Việt Á, giá 509.250 đồng/bộ.

Ngày 25-5-2021, UBND TP Đà Nẵng cũng có quyết định 1799 phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ chống dịch COVID-19. Trong 11 loại vật tư mua dịp này (tổng trị giá trên 53 tỉ đồng), có 70.000 kit LightPower, giá mua là 509.250 đồng/kit, trị giá trên 35,6 tỉ đồng.

Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết tỉnh thành, bệnh viện mua kit xét nghiệm PCR của Việt Á thời gian qua đều mua với giá từ 470.000 đồng/bộ trở lên. Trong khi đây là mức giá CDC Hải Dương đã mua và giám đốc CDC Hải Dương bị bắt cùng tổng giám đốc Việt Á do nhận "phần trăm" gần 30 tỉ đồng.

Từ "niềm hy vọng chống dịch"

Công ty cổ phần công nghệ Việt Á vốn là "ông lớn" trong lĩnh vực xét nghiệm ở Việt Nam. Từ đầu 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Á bắt tay vào nghiên cứu phát triển kit xét nghiệm COVID-19 cùng Học viện Quân Y.

Cuối tháng 2-2020, Việt Á nhận được các nguyên liệu cuối cùng để hoàn tất sản phẩm, với thời gian xét nghiệm COVID-19 (bao gồm cả chuẩn bị mẫu) là 2,5 giờ, giảm hơn nhiều so với trước đó muốn xét nghiệm phải giải trình tự gene, thời gian phát hiện ca dương tính kéo dài.

Ngày 5-3-2020, Bộ Khoa học và công nghệ họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo kit one step RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2, sản phẩm từ đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện virus corona chủng mới (2019-nCoV)”, sản phẩm do Học viện Quân Y nghiên cứu, Việt Á sản xuất.

Thời điểm đó việc bộ xét nghiệm mà Việt Á tham gia phát triển ra đời là niềm hy vọng cho chống dịch. Tháng 3-2020 khi dịch bùng phát tại Hà Nội và khu vực phía Bắc sau ca bệnh số 17, Việt Á cho Hà Nội mượn rất nhiều thiết bị xét nghiệm để nâng công suất xét nghiệm tại Hà Nội, nâng tốc độ phát hiện ca bệnh và chống dịch.

Cách làm này sau đó cũng được thực hiện tại Hải Dương và nhiều tỉnh thành khác. Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng "bắt" virus của bộ xét nghiệm Việt Á là rất nhạy, hiệu quả tốt. Ông Phan Quốc Việt khi đó cũng cho biết đã có hàng chục đề nghị mua bộ xét nghiệm từ nước ngoài.

Mua bộ xét nghiệm giá cao, vì sao?

Ngày 19-12, sau khi cơ quan công an thông báo việc khởi tố, bắt giam lãnh đạo Việt Á và CDC Hải Dương, phóng viên Tuổi Trẻ Online liên hệ lãnh đạo tỉnh Hải Dương để xác minh thêm thông tin giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến bị khởi tố điều tra hành vi nhận "phần trăm" và phối hợp cùng Việt Á "thổi giá" kit xét nghiệm COVID-19 nhưng không nhận được câu trả lời.

Trao đổi về việc CDC Hải Dương mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 có phải thông qua Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh để phê duyệt hay không, ông Lưu Văn Bản - phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - cho biết không phụ trách lĩnh vực này và đề nghị trao đổi với chủ tịch UBND tỉnh.

Một  lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết đang bận họp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên không tiện trao đổi thông tin.

Phóng viên nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Trọng Hưng - giám đốc Sở Tài chính và ông Phạm Mạnh Cường - giám đốc Sở Y tế Hải Dương, nhưng đều không nhận được hồi âm. Bà Nguyễn Thị Trung Chính - phó giám đốc Sở Y tế - cho biết không phụ trách lĩnh vực nên không nắm được cụ thể.

Trước đó, Cơ quan điều tra (C03) Bộ Công an bước đầu xác định ông Phạm Duy Tuyến đã nhận gần 30 tỉ đồng tiền phần trăm ngoài hợp đồng sau khi ký kết với Công ty Việt Á để mua kit xét nghiệm.

Căn cứ tài liệu thu thập được, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố Phạm Duy Tuyến - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương và Nguyễn Mạnh Cường - nguyên kế toán trưởng trung tâm này, có liên quan vụ sai phạm trong đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Thời gian qua, việc xét nghiệm tần suất quá dày, chi phí xét nghiệm cao, doanh nghiệp và người dân khốn đốn vì phí xét nghiệm và các quy định xung quanh việc xét nghiệm, đến nay khi cơ quan công an bắt đầu bóc gỡ việc "thổi giá" xét nghiệm cho thấy còn có những tảng băng chìm xung quanh chi phí xét nghiệm cần được làm rõ.

'Thổi giá' kit test COVID-19: tổng giám đốc Công ty Việt Á, giám đốc CDC Hải Dương bị bắt

TTO - Các trinh sát phải mất nhiều tháng lăn lộn tại nhiều tỉnh thành thu thập thông tin, tài liệu, theo dõi đường đi của kit xét nghiệm mới có thể bóc tách được hành vi móc ngoặc "thổi giá" của các bị can.

L.ANH - T.THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên