21/01/2018 11:24 GMT+7

Còn nhiều cầu yếu như Long Kiểng

NGỌC ẨN  - LÊ PHAN - XUÂN ĐÀO
NGỌC ẨN - LÊ PHAN - XUÂN ĐÀO

TTO - Cầu Long Kiểng ở Nhà Bè, TP.HCM, bị sập vì xe quá tải, nhưng trên tuyến đường Lê Văn Lương vẫn còn 4 cây cầu yếu, cũ tương tự.

Còn nhiều cầu yếu như Long Kiểng - Ảnh 1.

Hiện trường vụ sập cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: NAM TRẦN

Chiều 20-1, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM có buổi họp báo thông tin về việc cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè, TP.HCM) bị sập do xe quá tải lưu thông, qua đó, cơ quan này cũng cho biết ở thành phố còn một số cầu yếu như cầu Long Kiểng.

Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM - cho biết nguyên nhân sơ bộ của vụ sập cầu là cầu có tải trọng 3,5 tấn, trong khi xe tải do Nguyễn Thanh Lâm lái có tải trọng 12,5 tấn, chở đá 17,5 tấn. Tổng tải trọng xe chở khoảng 30 tấn, vượt gần 10 lần tải trọng cầu.

Trước mắt, Sở Giao thông - Vận tải giao Khu quản lý giao thông đô thị số 4 phối hợp với Công ty cổ phần UCT2 (Trường ĐH Giao thông vận tải) khảo sát hiện trường, khẩn trương đánh giá và đề xuất phương án khắc phục. 

Sở còn kiến nghị UBND TP cho phép vừa thiết kế vừa thi công cầu Long Kiểng để kịp phục vụ thông xe trước Tết Nguyên đán.

Cầu yếu san sát

Nói thêm về sự cố sập cầu, ông Nguyễn Thanh Thoản - chủ tịch UBND xã Nhơn Đức - cho biết lúc mới xảy ra sự cố, tài xế nói do không biết đường nên mới cho xe ben chạy qua cầu Long Kiểng. Hiện tại UBND xã và các đơn vị khác đang túc trực ở các đường dẫn vào cầu Long Kiểng để cảnh báo và hướng dẫn người dân đi theo lộ trình mới.

Theo ông Thoản, xe ben gây ra sự cố sập cầu Long Kiểng chạy theo lộ trình từ đường Nguyễn Hữu Thọ - Phạm Hữu Lầu rồi rẽ vào Lê Văn Lương để đến công trình nâng cấp đường Lê Văn Lương gần đó. Khi qua hơn nửa cầu thì gây ra sự cố trên.

Theo ghi nhận, trên địa bàn huyện Nhà Bè còn nhiều cây cầu sắt cũ, xuống cấp. Như cầu Phước Lộc 1 nối hai xã Phước Lộc và Phước Kiển là cầu sắt cũ, nhỏ hẹp. 

Diện tích bề ngang cây cầu khoảng 2m, vừa đủ hai xe máy đi ngược nhau. Cây cầu này khá yếu, ở hai đầu cầu có gắn biển báo cấm ôtô lưu thông, cơ quan chức năng dùng hai nửa thùng phuy đổ bêtông gắn cố định đầu cầu để không cho các xe lớn chạy qua.

Cách đó không xa là một cây cầu mới đang xây dựng dang dở. Theo người dân, đơn vị thi công mới xây được hai trụ chân cầu thì không thấy thi công nữa. Hằng ngày người dân phải chen chúc nhau qua cây cầu cũ, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Tương tự, tại tuyến đường Lê Văn Lương thuộc xã Nhơn Đức đi Cần Giuộc (Long An), trên tuyến đường này ngoài cầu Long Kiểng bị sập tối 19-1, còn có nhiều cầu sắt cũ khác như cầu Rạch Đĩa, Rạch Tôm, Rạch Dơi...

Tại cầu Rạch Dơi nhiều chân cầu bằng trụ sắt gỉ sét, một số chân cầu bằng sắt thủng lỗ chỗ. Dù cầu này đã xuống cấp nhưng xe liên tục lưu thông qua cầu, thậm chí có cả những xe tải chở hàng nặng. Phía dưới thì ghe tàu, sà lan chất đầy cát không ngớt chui qua cầu.

Cầu Rạch Tôm trên đường Lê Văn Lương cũng xuống cấp nghiêm trọng, mỗi lần xe chở hàng, xe đông lạnh chạy lên cầu là một lần cầu rung lắc mạnh, phát ra những tiếng kêu lớn.

Chưa thể xóa hết cầu yếu

Trao đổi về việc xây dựng cầu mới, thay thế cầu cũ xuống cấp, ông Bùi Xuân Cường cho biết trong số 4 cầu yếu trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), UBND TP đã phê duyệt dự án đầu tư cầu Long Kiểng và Rạch Đĩa vào năm 2001, còn cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi TP có chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). 

Tuy nhiên do Bộ Giao thông - Vận tải có quy định tiêu chuẩn về xây dựng cầu đòi hỏi phải có đường dân sinh hai bên cầu, đồng thời yêu cầu thực tế là cần xây dựng đường chui dưới dạ cầu nên dự án phải thay đổi thiết kế, dẫn đến thời gian thực hiện dự án chậm.

Việc thực hiện đầu tư cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi cũng bị chậm trễ vì không xác định quỹ đất giao cho nhà đầu tư. 

Sở Giao thông - Vận tải nhận thấy nếu tiếp tục đầu tư theo hình thức BT thì thời gian thực hiện dự án sẽ còn tiếp tục kéo dài. 

Sở kiến nghị UBND TP đưa hai chiếc cầu này vào danh mục đầu tư công, dự kiến triển khai thi công trong năm 2019.

Sở có biện pháp nào để bảo vệ các cầu yếu còn lại để không xảy ra sự cố như cầu Long Kiểng? 

Trả lời câu hỏi này, ông Cường nói: "Chúng tôi sẽ có những biện pháp như tăng cường thanh tra và đề nghị UBND huyện Nhà Bè tăng cường cảnh sát giao thông kiểm tra xử phạt xe quá tải ở khu vưc cầu yếu. Toàn bộ các cầu yếu sẽ lắp đặt những thanh sắt chắn bên trên để khống chế xe tải nặng lưu thông qua cầu. Đối với hành vi của lái xe cố tình cho xe qua cầu yếu bất chấp biển báo giao thông dẫn đến tai nạn sập cầu, Sở Giao thông - Vận tải cho rằng biện pháp cần khởi tố lái xe để răn đe".

sap cau

Hiện trường cầu Long Hòa B bị sập - Ảnh: H.THƯƠNG

Sà lan chở cát tông sập cầu Long Hòa B

Ngày 20-1,thượng tá Nguyễn Thành Liêm - phó trưởng Phòng cảnh sát đường thủy (PC68) Công an tỉnh Tiền Giang - cho biết vẫn đang phong tỏa hiện trường và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức phân luồng khắc phục sự cố vụ sà lan chở cát tông sập cầu Long Hòa B trên kênh Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Dự kiến khoảng 2 ngày nữa công tác khắc phục hậu quả sẽ được hoàn thành.

"Sà lan chở cát để phục vụ cho công trình cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, có khả năng do thiếu quan sát nên để xảy ra vụ tai nạn" - thượng tá Liêm nói.

Theo kết quả điều tra, khoảng 3h sáng cùng ngày, tài công Phan Duy Nam (36 tuổi, ngụ huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) điều khiển sà lan có trọng tải 145 tấn chở khoảng 100m3 cát lưu thông trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Khi đến đoạn thuộc địa bàn xã Long Định (huyện Châu Thành, Tiền Giang) tài công Nam cho sà lan rẽ vào kênh 1 thì bất ngờ tông vào chân cầu Long Hòa B.

Cú tông mạnh làm 2 trụ chân cầu lệch sang một bên, 2 nhịp giữa dài khoảng 20m, ngang 3,5m rơi xuống đè lên sà lan khiến sà lan chìm xuống kênh.

Lúc này trên sà lan có tài công Nam cùng 3 thuyền viên khác, mọi người kịp thoát thân an toàn.

Cầu Long Hòa B là cầu bêtông cốt thép, chiều dài khoảng 39m, rộng 3,5m, nối liền ấp Tây 1 và kênh 2A của xã Long Định, đang chờ xây dựng cầu mới.

Sự cố sà lan tông sập cầu Long Hòa B khiến nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân nhiều xã ở hai huyện Tân Phước và Châu Thành (Tiền Giang) gặp nhiều khó khăn.

HOÀI THƯƠNG

NGỌC ẨN - LÊ PHAN - XUÂN ĐÀO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên