(Nhân đọc tin: “Đuổi trộm, tài xế ôtô gây tai nạn”, TTO ngày 25-2)
Kết cục, một người bị thương nguy kịch, một ôtô du lịch, một xe tải, một xe máy và một xích lô hư hại. Đây là vụ tai nạn gây nên từ một nguyên nhân khá mới mẻ, tôi giật mình nghĩ tới hành động khá cá tính của người tài xế đó.
Phóng to |
Hiện trường vụ “đuổi trộm, tài xế ôtô gây tai nạn” - Ảnh: HOÀNG LỘC |
Cùng là đồng nghiệp với nhau, tôi hiểu tâm trạng anh Trọng (tài xế đuổi trộm) hôm ấy. Đó là sự phản ứng thường có của những người bị mất trộm, đặc biệt với những tài xế bị trộm phụ kiện xe một cách tức tưởi. Đã thế, anh Trọng còn bị bọn chúng hành hung rồi tẩu thoát. Vì quá bực bội mà anh Trọng quên rằng mình đang điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ, chỉ sơ sẩy là tai họa sẽ xảy ra. Hơn thế nữa, anh Trọng lại đuổi trộm trên phố phường, xe cộ đông đúc nên việc gây tai nạn là tất yếu.
Hãy tưởng tượng hai xe máy cơ động của bọn trộm xả hết tốc độ, luồn lách cố thoát, đuổi theo sau là chiếc Innova khá dềnh dàng. Ấy thế mà anh Trọng ép được một xe để công an và dân phòng tóm được hai tên trộm. Không dừng lại ở đó, muốn bắt tiếp hai tên còn lại, anh Trọng xông lên rồi không làm chủ tốc độ để xe mình va vào đuôi chiếc xe tải nhẹ đang lưu thông trên đường.
Chính cú va vào chiếc xe tải này làm anh Trọng mất lái lao tiếp vào chiếc xe máy của người chạy xe ôm dựng ở vỉa hè. May là bác tài xe ôm không ngồi trên xe như những hôm khác... Tội nghiệp cho người lái xích lô, đã cơ cực lại mắc phải tai ách do hai tên trộm tẩu thoát gây ra. Cũng... may, thiệt hại chỉ dừng lại ở đó.
Vụ tai nạn đưa tôi trở lại những ngày đang còn ngồi ghế nhà trường học lái. Trong một buổi ngoại khóa, thầy dạy môn đạo đức người lái xe nêu câu hỏi cho học viên: “Nếu phải gây tai nạn thì các em dựa vào yếu tố nào để chọn lựa?”. Học viên nhao nhao: “Tại sao lại phải gây tai nạn, gây tai nạn thì còn chọn lựa gì nữa?”. Hóa ra làm nghề lái xe không những cẩn thận tránh gây tai nạn mà còn phải biết “cân đo đong đếm” khi buộc phải gây tai nạn để giảm thiểu tổn thất. Câu trả lời của thầy là tiêu chí được đưa lên hàng đầu cho sự đong đếm đó là con người cần phải được bảo vệ trước tiên, sau đó mới đến vật chất.
Khi chúng tôi thắc mắc trường hợp nào là bắt buộc gây tai nạn thì thầy đưa ra ví dụ giả định: Xe đang chở đầy khách, bất thần có một người lao ra đường, nếu lách xe tránh người này thì xe sẽ bị lật gây thương vong cho hàng chục hành khách, nên sự chọn lựa lúc này của tài xế là đành hi sinh người dưới mặt đường! Trường hợp đang điều khiển xe chở hàng thì bắt buộc tài xế phải chọn cách bảo vệ người đang lao ra đường.
Quay về chuyện dùng ôtô đuổi trộm nói trên, nếu anh Trọng biết cân nhắc thiệt hơn và thuộc bài học phải bảo vệ con người trước tiên có lẽ đã không xảy ra tai nạn đau lòng cho người chạy xích lô. Đây là bài học cho tôi và các bạn đang cầm lái điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận