24/04/2018 14:46 GMT+7

Con ngồi gần bạn hay 'cầm nhầm', làm sao?

NGUYỄN VĂN CÔNG (Đồng Nai)
NGUYỄN VĂN CÔNG (Đồng Nai)

TTO - 'Cô bảo các con đi học phải biết tự giữ đồ dùng học tập của mình, nếu để mất đồ mà mách cô là cô mắng', bé gái lớp 1 kể.

Con ngồi gần bạn hay cầm nhầm, làm sao? - Ảnh 1.

Ảnh: Oxford Learning

Chị Hà (Biên Hòa, Đồng Nai) có đứa con gái đang học lớp 1. Đã gần hết học kỳ II mà bên cạnh nỗi lo học chữ, làm toán của con, chị có thêm nỗi khổ khác: "Từ đầu năm học đến giờ mất không biết bao nhiêu là bút, thước...Nhiều lần tôi định báo với cô giáo chủ nhiệm, nhờ cô giải quyết giúp nhưng con không cho".

Hỏi cháu bé vì sao, mãi cháu mới kể: "Lúc trước cô bảo các con đi học phải biết tự giữ đồ dùng học tập của mình, nếu để mất đồ mà mách cô là cô mắng".

Trẻ "cầm nhầm" - chuyện không hề nhỏ

Chuyện trẻ con đi học bị mất bút, cục tẩy, hay cây thước…gần như là "chuyện thường ngày ở huyện". Không ít bậc phụ huynh cũng như giáo viên đều nghĩ đơn giản rằng "Con nít mà, tại chúng chưa biết gì".

Tuy nhiên, dưới góc nhìn giáo dục, hành vi lấy cắp đồ của bạn dù là cái nhỏ nhất cũng cần phải uốn nắn kịp thời, nếu không sẽ trở thành một tính cách xấu của trẻ khó mà khắc phục được.

Là một người làm trong lĩnh vực giáo dục, tôi cứ băn khoăn về phương pháp xử lý của cô giáo con chị Hà. Có thể cô răn đe như thế là vì muốn tập cho các bé tự ý thức giữ gìn đồ dùng học tập của mình. Nhưng cô lại quên đặc điểm tâm lý lứa tuổi của trẻ.

Mới học lớp 1, các cháu chưa tập trung và suy nghĩ còn rất cảm tính, ngây thơ. Với đứa trẻ bị "cầm nhầm", chắc chắn bé sẽ ấm ức, không cam lòng nhưng vì sợ bị cô la nên sẽ không lên tiếng.

Nhưng bé sẽ hình thành ý nghĩ an phận "mất ráng chịu" và về năn nỉ mẹ mua lại cái mới. Sau đó, bé không dám cho bạn bè mượn đồ dùng vì sợ bị mất, lâu dần nảy sinh tâm lý ích kỷ, hẹp hòi, suy nghĩ tiêu cực về mọi người xung quanh.

Còn đối với những bé hay "cầm nhầm", vài lần không thấy nạn nhân lên tiếng, không được cô can thiệp, bé sẽ cho rằng lấy đồ người khác là bình thường và có thể thường xuyên tái phạm.

Cha mẹ làm gì để giúp con hay bị "cầm nhầm"?

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", cha mẹ dù có băn khoăn chuyện con trẻ mất đồ ở lớp thì cũng nên dạy con những thao tác nhỏ để tự bảo quản, giữ gìn tư trang, đồ dùng của mình.

Các bậc cha mẹ khi có con ở tình huống này cần nói rõ: "Có thể chính bản thân con chưa cẩn thận trong việc giữ gìn đồ dùng của bản thân nên bạn khác mới lợi dụng để lấy mất" hoặc "Vì con quá nhút nhát, yếu đuối nên các bạn mới lấy đồ của con để chọc ghẹo, trêu đùa".

Do đó, trước hết con phải rèn tính kỹ lưỡng, cẩn thận khi thu xếp các đồ dùng học tập. Học môn nào lấy ra đồ dùng của môn đó. Sau khi học xong, là cất giữ gọn gàng. Trước khi ra về là kiểm tra, xem xét lại các đồ dùng đã đầy đủ như trước khi đến lớp chưa. Thiếu thứ gì thì tìm lại ở hộc bàn. Khi xác định được bạn "cầm nhầm" thì khéo léo tìm cách để lấy lại.

Thứ hai, trẻ cần luyện tập để hình thành cho mình kỹ năng tự vệ. Thực tế cho thấy không phải đứa trẻ nào cũng hay bị mất đồ khi đi học. Nếu cha mẹ, thầy cô quan tâm sẽ nhận ra rằng có một nhóm trẻ yếu thế hơn, hay bị ức hiếp hơn và thường bị mất đồ hơn. Do đó, nếu trẻ thể hiện sự mạnh mẽ, bản lĩnh thì đứa trẻ khác không có cơ hội để uy hiếp nữa.

Thứ ba, trẻ nên có kỹ năng hợp tác và chủ động thiết lập các mối quan hệ. Trẻ biết hòa nhập, chia sẻ với bạn bè sẽ giúp chúng xây dựng được những tình bạn. Qua đó, các nhóm trẻ sẽ thấu hiểu và đùm bọc, bảo vệ nhau.

Thứ tư, trẻ cần có kỹ năng biết trình bày vấn đề mình gặp phải trước tập thể. Nhiều trẻ những lớp đầu bậc tiểu học chưa có kỹ năng trình bày vấn đề, nên cứ nhất cử nhất động đều "méc" cô, dẫn đến lớp học mất trật tự.

Nếu trẻ biết diễn đạt những vấn đề mình muốn nói, trẻ sẽ nhờ cô giữ lớp học im lặng, sau đó trình bày những điều mình băn khoăn, ấm ức trong lòng. Việc ăn nói có đầu, có cuối sẽ giúp cô hiểu rõ hơn vấn đề.

Đồng thời, cha mẹ cũng phải thường xuyên nhắc nhở con tuyệt đối không được lấy đồ của người khác, kể cả khi nhặt dược đồ của bạn phải mang đến nộp lại cho thầy cô giáo.

Bí kíp dạy con bớt ích kỉ Bí kíp dạy con bớt ích kỉ

TTO - Ngoài việc giáo dục có định hướng, nêu gương…, bố mẹ trẻ tuổi cần trao cho trẻ sự tự tin qua việc tự do phát huy năng lực bản thân.

NGUYỄN VĂN CÔNG (Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên