30/11/2011 03:10 GMT+7

Còn nể nang trong chống tham nhũng

N.TRIỀU - H.GIANG - M.QUANG
N.TRIỀU - H.GIANG - M.QUANG

TT - Ngày 29-11, các đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tiến hành tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII.

Tiếp xúc bà con cử tri quận 3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá sơ bộ công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua cho thấy hiệu quả chưa được như mong muốn và trung ương đang tiến hành tổng kết để rút kinh nghiệm. Chủ tịch nước nhìn nhận một trong những nhược điểm trong công tác PCTN hiện nay là còn nể nang nhau. Do đó, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan dân cử địa phương, người dân hãy cùng giám sát, thẳng thắn góp ý để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng của toàn bộ máy nhà nước.

Tại quận 5, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho hay TP đã thấy được những hạn chế của hệ thống hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, để giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ và hiện TP đang cùng ngành giao thông vận tải tích cực nghiên cứu để tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Trong đó, theo ông Hải, giải pháp di dời các công trình bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất ra khu vực ngoại thành cũng được TP ưu tiên thực hiện, song vẫn còn chậm do các đơn vị còn tâm lý muốn “ôm” đất để khai thác thương mại.

* Sau năm năm tiến hành đối thoại PCTN và thực hiện Luật PCTN, công tác PCTN đã đạt kết quả và chuyển biến rõ nét. Đó là ý kiến của VN và các đối tác phát triển đánh giá tại Đối thoại PCTN lần thứ 10 giữa các nhà tài trợ và Chính phủ VN ngày 29-11 tại Hà Nội.

"Phòng chống tham nhũng phải là chương trình nghị sự của Chính phủ VN nhưng theo tôi, chúng ta có một số việc có thể làm để thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng trong những năm tới. Hiện nay VN đang bàn về Luật tiếp cận thông tin và tôi hi vọng luật này sẽ được trình thông qua trong nhiệm kỳ Chính phủ hiện nay. Hơn nữa, Chính phủ cũng đang xem xét việc mở rộng sự tham gia vào đối thoại cho tất cả công dân và chúng tôi rất khuyến khích điều này"

Trả lời thắc mắc của đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ: đâu là những lĩnh vực cụ thể mà tham nhũng đã được kiềm chế, ông Cấn Đức Quyết (Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN) cho biết: “Các lĩnh vực quản lý - sử dụng tài sản công, sử dụng nguồn vốn ODA, chi tiêu thường xuyên từ nguồn vốn ngân sách, thuế và hải quan, các chương trình mục tiêu quốc gia có chuyển biến tương đối rõ rệt”. Tuy nhiên, ông Quyết cũng thừa nhận VN mới đang xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá công tác PCTN nên việc theo dõi, đánh giá mới có tính tương đối”.

Thay mặt cộng đồng tài trợ, đại sứ Anh Antony Stokes khẳng định công tác PCTN của VN đã đạt tiến bộ đáng kể. Mặc dù vậy, các quy định luật pháp mang tính toàn diện nhưng lại chưa được thực thi đầy đủ trên thực tế.

Theo đánh giá của ông Renwich Irvine - chuyên gia của Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID), tham nhũng ở VN có tính hệ thống trong khi xã hội phần nào chấp nhận tham nhũng như một “chuẩn mực”. Để PCTN trong giai đoạn tới hiệu quả hơn, DFID đề xuất VN cần thay đổi cách tiếp cận bằng cách tập trung vào những vấn đề/lĩnh vực thật sự quan trọng và có thể tạo thay đổi, chú trọng vào thực thi pháp luật, thu hút sự tham gia của xã hội vào PCTN chứ không chỉ tập trung vào các cơ quan nhà nước và cần xác định các giải pháp mang tính đột phá trong các lĩnh vực có tác động lớn.

Trả lời các nhà tài trợ, ông Lê Văn Lân - phó Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN - cho rằng về cơ bản, ý kiến của các nhà tài trợ đều tương tự với đánh giá bước đầu của phía VN ở nhận định: “Về chính sách, pháp luật, quy định PCTN thì VN đã có nỗ lực tập trung cao và tương đối đầy đủ hành lang pháp lý. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện các chính sách đó”.

N.TRIỀU - H.GIANG - M.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên