Đinh Văn Siêng bên “bảo tàng” Ca Dong nhỏ của mình - Ảnh: TRẦN MAI
Nhiều năm sưu tầm, chàng trai trẻ người Ca Dong đã có cho mình một bảo tàng nhỏ. Không gian ấm cúng là nơi tới lui của nhiều người muốn khám phá phong tục của tộc người sống ẩn mình trên dãy Trường Sơn.
Giữ lại bản sắc
Năm 2010 khi anh Siêng xuất ngũ về quê, cũng là lúc anh nhận ra nhiều nhạc cụ, vật dụng sinh hoạt vốn gắn liền với người Ca Dong đang dần bị thay thế bởi cuộc hội nhập quá nhanh từ miền xuôi. Rổ rá, gùi từ mây, tre nay đã hết thời khi dụng cụ bằng nhựa dần chiếm vị trí.
Càng đau xót hơn khi những cồng chiêng bằng đồng vốn là linh hồn của chủ nhân vùng đất này đang bị bán đi, chỉ còn vài người già lưu luyến xưa cũ giữ lại. Họ cũng chính là những người cuối cùng còn hiểu cách chế tác, hay sử dụng cồng chiêng, nhạc cụ phục vụ lễ hội.
Anh Siêng nhớ lại, trước khi đi bộ đội, trong làng cồng chiêng còn rất nhiều. Thậm chí có những gia đình giữ hàng chục chiếc chiêng tuổi đời cả trăm năm. Mỗi lần sinh hoạt tập thể, các làng lại tổ chức đấu chiêng. Cuộc thi thố diễn ra trong không khí đầy sắc màu Ca Dong.
Đó là chưa kể đến những lễ hội truyền thống chính thức của người Ca Dong như mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu, lễ mừng năm mới, cúng Yàng... Những tiếng đàn krâu, chiêng hòa trong làn điệu dân ca Ra Nghé, Kaliêu, không gian truyền thống của chủ nhân miền tây Quảng Ngãi thu hút bao du khách.
"Vậy mà chỉ hai năm sau, nhiều gia đình không còn chiêng, đàn. Lễ hội diễn ra mà thiếu đi âm sắc bao đời thật sự rất buồn. Người miền xuôi ghé đến chiêm ngưỡng lễ hội cũng hụt hẫng", anh Siêng tâm sự.
Hiện vật truyền thống bị "chảy máu" quá nhanh. Anh Siêng tìm hiểu mới hay nhiều người vào tận bản làng săn lùng mua chiêng. Cuộc sống vốn khó khăn, người dân thấy được giá nên bán lấy tiền.
Anh Siêng bảo: "Cởi bỏ văn hóa, bản sắc là sẽ đói muôn đời. Mọi người tìm đến vùng đất này là vì những nét văn hóa độc đáo. Nếu không giữ, chẳng ai đến nữa. Lúc đó, có muốn bán một cọng rau cũng chẳng có ai mua, ngoài người làng với nhau".
Thế là anh cất công đi sưu tầm. Nhiều bạn bè nghe tâm sự của anh Siêng đã trở thành kênh thông tin, nghe trong làng ai có ý định bán chiêng, nhạc cụ là gọi điện thoại để anh đến mua lại.
Lần đầu tiên anh mua 12 chiếc chiêng của một già làng với giá 15 triệu đồng. Số tiền ấy anh tích cóp từ khi còn trong quân ngũ. Lúc đó, vợ và mẹ anh Siêng cũng "bực bội", bởi ai cũng bán chiêng, trong khi anh Siêng mua về, chẳng biết để làm gì.
Nhưng cha anh rất mừng. Lúc này ông mới lấy 6 chiếc chiêng trong nhà ra giao cho anh Siêng với lời dặn: "Hãy làm hết sức mình giữ lại những "báu vật" này. Rồi con sẽ có một di sản lớn".
Hai thế hệ gặp nhau trong cùng một mong ước. "Tôi nghĩ đến giờ, cha tôi về với Yàng (trời) có thể mãn nguyện vì những gì tôi làm", anh Siêng tâm sự.
Bảo tàng nhỏ và mong ước lớn
Mùa này, huyện Sơn Tây trở thành điểm săn mây, nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn người chơi ảnh nghiệp dư nối nhau tìm về. Điểm đến ưa thích là ruộng bậc thang Mang Hin, đứng từ đỉnh Cà Rá "bắn máy" về cánh đồng lẩn dưới sương mờ đang vào mùa làm đồng, gieo mạ để tạo ra những bức ảnh đẹp.
Đối diện cánh đồng bậc thang đẹp nhất Quảng Ngãi là nhà anh Siêng, nơi có "bộ sưu tập" hàng trăm hiện vật của người Ca Dong từ lâu đã thành điểm dừng chân của du khách.
Mọi người đến để tìm hiểu văn hóa của người Ca Dong. Tay máy Đỗ Minh Hùng (TP Đà Nẵng) sau khi tham quan "bảo tàng" của anh Siêng trầm trồ: "Tôi nghe bạn bè nói nhiều về bộ sưu tập của Siêng, nay tận mắt chứng kiến quả thật khâm phục. Tôi nghĩ đây là vốn quý cần gìn giữ, và thật cảm ơn Siêng đã giữ lại và tạo một không gian quá thú vị".
"Bảo tàng" nhỏ của anh Siêng cũng rất kỳ công. Anh mất hai năm dùi đục từng thớ gỗ, rồi dỡ bỏ mái nhà cũ để tạo thành tầng 2 của ngôi nhà. Nơi ấy anh sắp xếp, bài trí không gian văn hóa Ca Dong mà anh mất một thập kỷ mới sưu tầm được.
Mỗi lần có người ghé đến "bảo tàng" của mình để tìm hiểu văn hóa đồng bào mình, anh Siêng rất vui. "Tôi muốn có một nhà sàn riêng biệt, vừa trưng bày vừa bán cà phê để mọi người ghé đến tham quan và nghỉ ngơi. Đó cũng là nơi bà con mang nông sản ra bán cho du khách", anh Siêng nói.
Từ mong muốn giữ gìn bản sắc của đồng bào mình, đơn độc sưu tầm, thậm chí còn chịu lời dị nghị: "Thằng Siêng mua về bán kiếm lời", bây giờ anh Siêng trở thành nhà sưu tầm nổi tiếng trong cộng đồng Ca Dong.
Nhiều cụ già có chiếc gùi, bộ nỏ, đàn đẹp cũng mang tặng anh Siêng thay vì bán. Anh cũng khơi dậy trong thế hệ mình mong muốn giữ gìn bản sắc. Nhiều người trẻ học đan gùi, đánh cồng chiêng, chơi đàn...
"10 năm trước, tôi từng sợ khi thế hệ của ba tôi mất đi sẽ không còn người biết đánh chiêng, chơi đàn, hát làn điệu của người Ca Dong, nhưng giờ thì không còn lo lắng nữa.
Mấy năm trở lại đây, nhiều người trẻ trong huyện đến nhà tôi mượn chiêng để tham gia các lễ hội của đồng bào dân tộc thiếu số ở Quảng Ngãi và miền Trung - những lễ hội trước đây chỉ có những người già tâm huyết tham dự. Vậy là quá hạnh phúc rồi", anh Siêng nói.
"Siêng là một người nhiệt huyết và mong muốn giữ gìn truyền thống người Ca Dong đang ngày mai một dần. Có thể thấy từ nỗ lực cá nhân, đến nay Siêng đã tạo nên sức sống và tính kế thừa ở Sơn Tây.
Ông ĐINH QUANG VEN (chủ tịch UBND huyện Sơn Tây)
Ủng hộ Siêng hết mình
Anh Siêng đang là chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Sơn Long, chàng trai trẻ tận dụng những buổi họp truyền vào thế hệ trẻ ý thức giữ gìn vốn quý của đồng bào mình. Mới đây, khi anh Siêng đưa ra ý tưởng mở quán cà phê, tạo điểm dừng chân và không gian Ca Dong, UBND xã đã hết lòng ủng hộ.
Hiện tại, nền móng của không gian ấy đang dần hình thành với sự tham gia của nhiều người trẻ khác. Những sản vật như ớt siêm rừng, sâm cau, chè dây, giảo cổ lam... nức tiếng thơm ngon cũng đã được những người trẻ đứng ra thu gom.
Khi không gian ấy hoàn thành sẽ trở thành nơi trưng bày, bán nông sản bản địa. Ông Đinh Quang Ven, chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết: "Huyện sẽ luôn đồng hành cùng Siêng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận