Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát - Ảnh: Việt Dũng |
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đặt vấn đề Thanh Hóa là tỉnh có nhiều đập, hồ chứa, và nhiều hồ đang xuống cấp, hư hỏng gây lo lắng cho bà con khi mưa lũ, thế nhưng thời gian qua chúng ta chỉ chăm chăm lo khai thác mà chưa có biện pháp cải tạo, đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn về vấn đề này.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết nước ta có hơn 6.800 hồ, đến giờ còn khoảng 1.200 hồ có vấn đề cần nâng cấp. Năm nay có 317 hồ hư hỏng. Vừa qua Chính phủ đã chi hỗ trợ địa phương sửa chữa 90 hồ. Trong đợt bão lũ vừa qua, chúng tôi đã hỗ trợ địa phương sửa chữa một số hồ và cảnh báo bà con những hồ đang hỏng, cần đề phòng. Chúng tôi cũng kiến nghị Quốc hội cần quan tâm và dành kinh phí để sửa chữa các hồ, đập, đảm bảo an toàn cho người dân vùng lũ.
Hơn 100 nghìn ha đất trồng cao su vượt quy hoạch
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đặt vấn đề thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành liên quan có nhiều nỗ lực cố gắng triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết hiệu quả những vấn đề cử tri quan tâm, nhất là vấn đề kỷ cương, kỷ luật hành chính thể hiện qua công tác điều hành, quản lý và phát triển ngành không tuân thủ quy hoạch được duyệt.
"Tôi đã gửi nội dung chất vấn đến bộ trưởng, tuy nhiên nội dung trả lời chưa giải đáp được mong đợi của cử tri. Tôi muốn hỏi vì sao đến nay việc ngăn chặn, xử lý chậm tình trạng phá rừng trồng cây cao su vượt quy hoạch được duyệt, vượt trên 100 nghìn ha so với mục tiêu quy hoạch năm 2020 là 800 nghìn ha. Đề nghị Bộ trưởng cho biết ngoài trách nhiệm địa phương thì trách nhiệm của bộ trưởng vế vấn đề nay đến đâu, thời gian, giải pháp cụ thể để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm trên?" - ông Trương Văn Vở nhấn mạnh.
Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận thực tế có chuyện đúng như ông Trương Văn Vở nêu. Ông Phát nói, về quy hoạch phát triển cao su ở Việt Nam, đến 2015, dự kiến có 800 nghìn ha nhưng đến nay chúng ta đã có 910 nghìn ha, vượt hơn 100 nghìn ha so với quy hoạch. Tuy nhiên con số hơn 100 nghìn này không hoàn toàn nằm trên đất rừng hay do kết quả từ việc phá rừng mà rất nhiều diện tích cao su trồng trên đất lâm nghiệp không có rừng và các loại đất nông nghiệp khác. Sẽ không có chuyện khai thác rừng tự nhiên để trồng cao su nữa. Tuy nhiên có tình trạng một số nơi, bà con tự khai phá rừng, vấn đề này chính quyền địa phương các cấp cần siết chặt quản lý để đảm bảo thực thi pháp luật.
Về vẩn đề đại biệu Trương Văn Vở nêu, trách nhiệm để 100 nghìn ha rừng cao su vượt quy hoạch thuộc về ai? Xin trả lời đương nhiên đó là trách nhiệm quản lý toàn ngành, trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chúng tôi chịu trách nhiệm. Tuy nhiên lãnh đạo địa phương cũng phải có trách nhiệm liên đới.
"Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không thể lặn lội đến từng cánh đồng đế xác định khu vực đó có nằm trong quy hoạch không. Việc người dân chuyển đổi từ trồng cay nông nghiệp sang cây cao su phải xin phép chính quyền sở tại và chính quyền sở tại phải nắm vững điều đó" - ông Phát nói.
Đường tồn kho lớn, vẫn cấp phép nhập 30.000 tấn đường thô?
Đại biểu Đặng Thị kim Chi (Phú Yên) chất vấn: Hiện nay lượng đường tồn kho trong nước là rất lớn, người dân trồng mía rất khó khăn. Không hiểu sao lại có chủ trương cho phép Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu 30.000 tấn đường thô về để tinh luyện rồi xuất khẩu, bịt đường xuất khẩu tiểu ngạch của các doanh nghiệp khác? Đề nghị Bộ trưởng giải thích về việc này.
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Cao Đức Phát thông tin về quy hoạch diện tích trồng mía của cả nước và xác nhận lượng đường tồn kho hiện còn rất lớn, đường dư thừa hơn 500.000 tấn. Việc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu đường là bắt buộc theo cam kết quốc tế. Tuy nhiên, trong nguyên tắc thì nếu nhập khẩu để ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ đường trong nước thì không nên.
Nghe câu trả lời trên của Bộ trưởng, đại biểu Đặng Kim Chi chưa thỏa mãn: "nội dung mà cử tri muốn biết thì Bộ trưởng chưa trả lời cụ thể". Theo đại biểu Kim Chi, Bộ trưởng nói chỉ nhập đường theo cam kết quốc tế, các khoản khác không nên. Đại biểu Chi đồng ý vì chúng ta gia nhập WTO thì phải chấp hành cam kết. "Nhưng tôi muốn biết rõ 30.000 tấn đường thô mà Hoàng Anh Gia Lai đề nghị nhập là khoản khác hay nằm trong cam kết quốc tế? Việc nhập khẩu này Bộ Công thương có xin ý kiến và Bộ NN&PTNT có cho phép hay không?", đại biểu Chi đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ hơn.
Theo đại biểu Kim Chi, việc cho nhập đường thô sau đó tinh luyện rồi đem bán thì nhà máy sẽ rất có lời. Trong khi các nhà máy khác thu mua mía của nông dân để sản xuất đường sẽ không lời bằng. Đại biểu Kim Chi cũng đề nghị Bộ trưởng nói rõ giải pháp sắp tới ra sao trong việc giải quyết lượng đường tồn kho (hơn 500.000 tấn hiện nay).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: "muốn biết việc nhập khẩu 30.000 tấn của Hoàng Anh Gia Lai Bộ NN&PTNT có cho phép không, cần xem kỹ đế xuất của công ty và các điều kiện tạm nhập tái xuất, sơ chế trong nước như thế nào? Chúng tôi thấy đường trong nước đã dư thừa. Mục tiêu đặt ra là phải giữ giá mía, hỗ trợ nông dân. Về tình huống này cụ thể, tôi chưa rõ nên xin chưa trả lời".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận