30/07/2020 13:40 GMT+7

Con đường riêng của Úc

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Một mặt thể hiện tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và tái khẳng định cam kết với khu vực, mặt khác Úc vẫn để ngỏ một số 'điểm khác biệt' với Mỹ.

Con đường riêng của Úc - Ảnh 1.

Tàu hải quân Hoàng gia Úc HMAS Parramatta (trái) đi cùng tàu hải quân Mỹ trên Biển Đông vào tháng 4-2020 - Ảnh: Reuters

Những điểm khác biệt nêu trên được phản ánh qua thông điệp "chúng tôi sẽ đưa ra những quyết định của riêng mình", theo lời Ngoại trưởng Úc Marise Payne nói sau cuộc họp tham vấn quốc phòng và ngoại giao Úc - Mỹ (AUSMIN) ngày 28-7. 

Bà Payne cùng Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds đã hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại Washington.

Chúng tôi không nhất trí với nhau về mọi thứ, và đó là một phần trong một mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne

Cùng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc

Úc đã gia nhập "cuộc chiến công hàm" với việc gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Điều này khiến sự kiện AUSMIN năm nay đặc biệt thu hút dư luận, do khả năng hai đồng minh Úc - Mỹ đưa ra một lập trường thống nhất đối với Trung Quốc.

Sau cuộc họp ngày 28-7, vấn đề Trung Quốc và luật pháp quốc tế ở Biển Đông đúng thật đã xuất hiện trên bàn nghị sự. 

Theo tuyên bố chung AUSMIN, bốn vị bộ trưởng Úc - Mỹ đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về "các hành động cưỡng ép và gây bất ổn gần đây trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". 

Đặc biệt, Úc và Mỹ nhất trí rằng theo quyết định của Tòa trọng tài xử vụ kiện của Philippines năm 2016, các yêu sách biển của Bắc Kinh không có hiệu lực theo luật pháp quốc tế.

"Cụ thể, họ khẳng định CHND Trung Hoa không thể áp đặt yêu sách ở Biển Đông dựa trên "đường chín đoạn", "quyền lịch sử" hay trên toàn bộ các nhóm đảo ở Biển Đông, vốn không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)", tuyên bố chung viết.

Các bộ trưởng Mỹ và Úc đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền của các bên khác trong việc khai thác hợp pháp nguồn tài nguyên ngoài khơi, bao gồm những hoạt động liên quan tới dự án dầu khí lâu đời và nghề cá ở Biển Đông. 

Mỹ - Úc hoan nghênh tuyên bố chung gần đây của lãnh đạo ASEAN, trong đó cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phải phù hợp với UNCLOS và bất kỳ bộ quy tắc nào cũng không được phương hại đến quyền, lợi ích của các quốc gia theo luật quốc tế hoặc làm suy yếu kiến trúc khu vực hiện có, tăng cường cam kết của các bên về việc không tham gia hành động làm phức tạp tình hình, đáng chú ý là việc quân sự hóa các thực thể đang còn tranh chấp ở Biển Đông.

Úc chừa đường lùi

Trong cuộc họp, Canberra và Washington cũng tái khẳng định các cam kết của hai bên trong khu vực, đồng thời thắt chặt quan hệ quốc phòng song phương bao gồm tăng cường các hoạt động tập trận chung ở Biển Đông. 

Báo Sydney Morning Herald của Úc nhận định việc cam kết triển khai thêm nhiều cuộc tập trận chung này nhằm phản ứng trước tiến trình quân sự hóa ngày càng tăng của Trung Quốc ở các tuyến đường biển tranh chấp cũng như xuyên qua khu vực Ấn Độ Dương.

Mặc dù vậy, giới phân tích chú ý tới việc Úc giữ nguyên lập trường không thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) trong phạm vi 12 hải lý của các thực thể tranh chấp. 

Báo Anh Guardian dẫn lời các chuyên gia cho biết Mỹ từ lâu đã thúc giục Úc tiến hành FONOPs nhưng Canberra đến nay không tiến hành các bước này, một động thái được nhận xét nhằm tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Úc.

Khi đề cập tới khác biệt trong cách tiếp cận của Úc đối với Trung Quốc, Ngoại trưởng Payne lưu ý rằng Úc và Mỹ không thống nhất mọi thứ với nhau và điều này cũng là điều bình thường trong một mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau giữa Canberra và Washington. 

Bà Payne lưu ý thêm "Để tôi nhắc lại, chúng tôi tự đưa ra quyết định cho mình" và nhấn mạnh mối quan hệ giữa Úc với Trung Quốc rất quan trọng nên "chúng tôi không có ý định làm tổn thương mối quan hệ ấy. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không có ý định làm những điều đi ngược lại lợi ích quốc gia".

Đánh giá về cách tiếp cận của Úc, TS Sascha - Dominik Dov Bachmann (giáo sư tại Trường luật Canberra, ĐH Canberra, Úc) cho rằng tuyên bố chung AUSMIN vừa qua nêu bật vai trò ngày càng tăng của Úc như một đối tác an ninh chiến lược của Mỹ về vấn đề an ninh, ổn định và hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Những tuyên bố vừa qua cũng được xem là một cách phản kháng trước sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, Úc vẫn để ngỏ khả năng hợp tác lẫn phòng bị trong trường hợp Mỹ có sự thay đổi về mặt chính sách.

"Việc Úc do dự trong cam kết toàn phần với FONOPs ở Biển Đông vào lúc này cần được xem như cách Canberra uyển chuyển đối với một số biểu hiện chưa chắc chắn từ phía Mỹ, trong việc ủng hộ các hoạt động tương tự về dài hạn, xét tới việc Mỹ cũng theo đuổi lợi ích riêng mình đối với các vấn đề thương mại với Trung Quốc, hơn nữa Mỹ lại có một cuộc bầu cử vào cuối năm" - TS Bachmann nói với Tuổi Trẻ ngày 29-7.

Ca ngợi vai trò Việt Nam

Trong tuyên bố chung phát sáng 29-7, Mỹ và Úc khẳng định các cam kết trong hợp tác tầm khu vực. Đặc biệt, Washington và Canberra tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho ASEAN. Đặc biệt, hai nước này ca ngợi nỗ lực của Việt Nam trong vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN.

"Họ tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho ASEAN, cho kiến trúc khu vực mà ASEAN dẫn đầu, Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và ca ngợi Việt Nam, trên tư cách chủ tịch ASEAN, về sự lãnh đạo của Việt Nam tại ASEAN trong việc chống lại đại dịch COVID-19", tuyên bố chung viết.

Úc chặn chiến tranh Úc chặn chiến tranh 'vùng xám' của Trung Quốc

TTO - Không bất ngờ khi cả Mỹ và Úc đều đưa ra chỉ trích giống nhau đối với các hoạt động phi pháp kéo dài của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp sau cuộc tham vấn ngoại giao - quốc phòng giữa Mỹ và Úc (AUSMIN).

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên