12/01/2013 10:32 GMT+7

Con đường độc đạo của Lê Cát Trọng Lý

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TTO - Một góc nhỏ của Lê Cát Trọng Lý giữa đêm đông Hà Nội.

Giữa rất nhiều ồn ào của những show khủng, vé khủng, Lê Cát Trọng Lý giữ cho mình một góc rất nhỏ của mùa đông Hà Nội để gửi đến khán giả những lời tự sự của cô gái 25 tuổi.

RHwC9kOY.jpgPhóng to
Lê Cát Trọng Lý trở lại với mùa đông Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Sân khấu nhỏ, khán phòng nhỏ nhưng vé bán hết sớm. Lúc nào cô gái này cũng có một lượng khán giả đủ đông để cô không trở nên cô độc trên sân khấu, cũng vừa đủ để không phá tan không gian âm nhạc mong manh của cô.

Lê Cát Trọng Lý mở đầu đêm nhạc tối 11-1 tại Trung tâm Văn hóa Pháp với những ca từ quen thuộc của mình. Độc đạo - một trong những bài hát mở đầu cũng dẫn người nghe vào không gian của riêng Lý. Ở đó, cô thủ thỉ, tâm tình bằng tiếng guitar, bằng giọng hát trong trẻo và đôi khi bằng cả thứ nhạc cụ mà chính cô không biết gọi tên là gì. Ở đó, thi thoảng cô cất giọng dễ thương hỏi: Mọi người có lạnh không ạ? Mọi người có lúc nào lẩn thẩn không, em thì nhiều lắm. Cứ trôi trôi như vậy thôi mà khán giả kiên nhẫn và nín thở với âm nhạc của Lý suốt hai giờ đồng hồ trong cái rét.

Phần 1 của chương trình được tạm gọi là Em ở đây, phần hai thì có tên Em ở đâu đó. Cũng không hẳn là nói đùa, câu chữ của Lý tưởng giản đơn nhưng càng ngày càng ngấm vị thiền. Có lẽ đó là kết quả của quá trình tu tập. Số câu chú xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong ca khúc, đôi khi đã thấy phảng phất bóng dáng của người hát kể chuyện ở Tây Tạng. Cứ hấp dẫn, huyền bí và đôi khi quá khó hiểu đối với một người bình thường.

mnmVndDA.jpgPhóng to
Âm nhạc của Lý được thêm vào rất nhiều sự phiêu lãng bởi Ngô Hồng Quang và Nguyễn Đức Minh - Ảnh: Nguyễn Khánh
y1CKDykQ.jpgPhóng to
Lê Cát Trọng Lý và các nghệ sĩ trong đêm nhạc - Ảnh: Nguyễn Khánh
KZhi6ZwJ.jpgPhóng to
Lê Cát Trọng Lý biểu diễn cùng một nhạc cụ được nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh mang về từ Madagascar - Ảnh: Nguyễn Khánh

Nhạc của Lê Cát Trọng Lý càng ngày càng khó nghe. Những Mùa yêu, Chênh vênh hay cả Hương lạc vẫn giữ được sự trong trẻo của một cô gái trẻ. Tâm hồn tuy có chút dè dặt nhưng vẫn có những khát khao hồn nhiên, cố tỏ ra già dặn thì vẫn dễ thương trẻ con. Còn những Thu lu, Người lang thang, Con đường lạ hay Nhiều người ôm giấc mơ giờ khó nghe hơn nhiều bởi sự triết lý đã đi vào một giai đoạn khác. Có lẽ vì thế nên cũng hiếm có khán giả nào dám thở mạnh, chắc sợ cắt mất mạch triết lý của cô gái nhỏ trên sân khấu.

Có vẻ như Lê Cát Trọng Lý không hẳn đơn độc trên con đường du ca của mình khi bên cạnh cô xuất hiện hai nghệ sĩ cũng lạ và độc không kém: Ngô Hồng Quang chơi chiêng dây và Nguyễn Đức Minh chơi đàn môi. Hai nghệ sĩ này bày ra hẳn một bàn nhạc cụ với đàn tính, đàn môi, khèn và rất nhiều thứ khán giả lần đầu tiên nhìn thấy. Và có lẽ, khi tiếng đàn môi, đàn tính cất lên thì âm nhạc của Lý mới rộng mở và thoáng đãng hơn. Không giống ai nhưng mỗi người sẽ có một không gian để dõi về.

Những khèn, đàn môi, đàn tính nhắc nhớ quá nhiều đến những vùng núi đá sừng sững, những dốc, những đèo và những mùa hoa đang vẫy gọi ở vùng Đông Bắc xa xôi. Nhưng hơn hết, những nhạc cụ này bổ trợ và làm đẹp hơn rất nhiều ca từ có tính chất tự sự, triết lý của Lê Cát Trọng Lý.

Thêm vào rất nhiều sự phiêu lãng, Ngô Hồng Quang, Nguyễn Đức Minh bớt đi sự mỏi mệt, nỉ non vốn dễ khiến khán giả mỏi mệt để tạo nên một đêm nhạc trọn vẹn. Âm thanh của chương trình có đôi chút trục trặc, Lý cũng không chuẩn bị tinh thần để hát Chênh vênh nhưng đã là khán giả trung thành, mọi người cũng rất dễ bỏ qua để cổ vũ cô.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên