05/11/2004 22:48 GMT+7

Con đường chưa trọn của Yasser Arafat

DUY VĂN tổng hợp (Theo Newsru, BBC)
DUY VĂN tổng hợp (Theo Newsru, BBC)

TT - Yasser Arafat tên thật là Mohammed Yasser Abdul-Ra'ouf Qudwa Al-Husseini, sinh ngày 4-8-1929 tại Jeruslaem, là con trai một gia đình thương nhân giàu có, mẹ ông có họ hàng với giáo chủ Jerusalem Amin Al Hussein - thủ lĩnh những người Ả Rập gốc Palestine.

zgNia43W.jpgPhóng to
Y.Arafat và đồng đội đang làm việc trong một hang đá năm 1969
TT - Yasser Arafat tên thật là Mohammed Yasser Abdul-Ra'ouf Qudwa Al-Husseini, sinh ngày 4-8-1929 tại Jeruslaem, là con trai một gia đình thương nhân giàu có, mẹ ông có họ hàng với giáo chủ Jerusalem Amin Al Hussein - thủ lĩnh những người Ả Rập gốc Palestine.

Từ thủ lĩnh thanh niên tới nhà đấu tranh lưu vong

Sau cuộc chiến tranh năm 1948, Arafat đã định cư ở Ai Cập. Tại đây ông gia nhập tổ chức "Anh em Hồi giáo" và Liên đoàn Sinh viên, có thời gian (1952-1956) làm chủ tịch liên đoàn này. Năm 1951 ông tốt nghiệp khoa kỹ sư nông nghiệp Đại học Vua Fuad ở Cairo và cùng lúc được huấn luyện quân sự cho hoạt động du kích chống Israel. Cũng trong năm này ông tham gia vào thành phần quân đội Ai Cập trong vụ xung đột kênh đào Suez.Năm 1958, ông chuyển sang Kuwait và thảo luận với các đồng chí ý tưởng sáng lập nhóm Al Fatah, Phong trào giải phóng nhân dân Palestine. Sau đó ông trở về "Palestine" và chính thức thành lập Fatah ngày 1-1-1965. Năm 1969, ông được bầu làm chủ tịch Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và giữ chức vụ này tới hiện nay, trở thành một trong những chính khách ảnh hưởng nhất trong phong trào đấu tranh giải phóng Palestine. Sau chiến tranh ở Jordan năm 1969, ông chuyển tổng hành dinh của PLO sang Beirut, nơi ông lưu lại tới năm 1982, và sau đó lại chuyển căn cứ PLO sang Tunisia.Năm 1970 ông trở thành chỉ huy trưởng các lực lượng quân đội của phong trào kháng chiến Palestine, và năm 1973 lãnh đạo bộ chính trị của PLO.Dưới sự lãnh đạo của ông, PLO đã thực hiện gần 2.000 cuộc tấn công chống lại Israel. Cho tới đầu năm 1970, PLO trên thực chất đã đóng đô trên lãnh thổ Jordan. Quốc vương Hussein tuy không thích điều đó, nhưng PLO lại được sự ủng hộ rộng rãi của các nước Ả Rập láng giềng và thế lực rất mạnh.

Trong "tháng chín đen" năm 1970, Hussein muốn đẩy PLO ra khỏi Jordan và đã đàn áp những chiến sĩ của Arafat bằng xe tăng. 5.000 chiến sĩ PLO đã bỏ mình trong các trận giao tranh ác liệt. Để tưởng nhớ sự kiện này, một tổ chức mới được thành lập mang tên "Tháng chín đen", nằm trong thành phần của Al Fatah.

Lãnh tụ Intifada

Những năm 1970 được cho là thời kỳ lãnh tụ Arafat chuyển từ quan điểm cứng rắn, không khoan nhượng sang thái độ ôn hòa hơn trong cuộc đối đầu với Israel và các vấn đề Trung Đông.Việc sử dụng chiến thuật khủng bố trong cuộc chiến giành độc lập cho Palestine đã được PLO chính thức xét lại năm 1973. Từ lúc đó PLO và Fatah khước từ tiến hành chiến tranh khủng bố, và điều này trở thành nguyên nhân gây chia rẽ phong trào kháng chiến Palestine. Nhưng cũng chính sự từ bỏ chiến thuật cực đoan đã đưa Arafat lên phát biểu trên diễn đàn của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1974. Tới cuối thập niên 1980, sau một số thất bại trong cuộc đấu tranh độc lập, ông Arafat dưới sức ép của Mỹ đã phải chấp nhận đàm phán với Israel. Ngày 15-11-1988, Hội đồng quốc gia Palestine thông qua nghị quyết chấp nhận chia cắt Palestine và bác bỏ khủng bố "trong tất cả các hình thái của nó".

Tuy nhiên, những cuộc tấn công của người Israel vào Palestine và những cuộc trả đũa đã khơi mào cuộc "chiến tranh ném đá" (Intifada) vào tháng 12-1987, kéo dài trong bốn năm.

Đàm phán hòa bình

Năm 1982, khi sự chia rẽ trong PLO ngày càng tăng, Arafat đã phải chuyển tổng hành dinh PLO sang Iraq. Năm 1987 bắt đầu cuộc chiến tranh Intifada của người Palestine, kéo dài sáu năm. Ngày 15-11-1988, Palestine tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine, và tháng 2-1989 Yasser Arafat được Hội đồng nhân dân Palestine bầu làm tổng thống Nhà nước Palestine chưa tồn tại.Năm 1988, ông nhìn nhận quyền Israel được tồn tại, điều trước kia bị các chính khách Palestine phủ nhận. Bước đi này tạo điều kiện để đạt được các thỏa thuận hòa bình Israel - Palestine.Trong thời gian chiến tranh vùng Vịnh năm 1990-1991, Arafat ủng hộ cuộc tấn công của Saddam Hussein, điều khiến một số quốc gia dầu hỏa Ả Rập không hài lòng. Trong thời gian đó, dưới sự trung gian của Mỹ, Arafat đã thương lượng với Israel và kết quả là việc ký kết Tuyên bố chung về các nguyên tắc tự trị của Palestine trên một số khu vực của dải Gaza và Hebron.Tháng 7-1994, sau 27 năm lưu vong, lễ đón Y. Arafat trở về với tư cách người đứng đầu chính quyền phần lãnh thổ tự trị Palestine đã long trọng diễn ra trên lãnh thổ Palestine.Cũng trong năm này, Arafat cùng với các nhà lãnh đạo Israel Y. Rabin và Shimon Perez được trao giải Nobel hòa bình.

Tháng 1-1996, Arafat được bầu làm người đứng đầu Hội đồng dân tộc Palestine với hơn 88% phiếu. Nằm trong quyền cai quản của ông có Gaza, Hebron, tất cả các thành phố Bờ Tây. Trong khi đó, các tổ chức Hồi giáo cực đoan như Hamas và Hezbollah cho ông là người phản bội và không chấp nhận các kết quả hội đàm của Arafat với Israel và Mỹ.Sau những cuộc tấn công của Israel và trả đũa của người Palestine năm 2002, quân đội Israel đã phá hủy các lô cốt phòng thủ của Arafat ở Ramallah và tuyên bố ông là kẻ thù. Từ đó, Israel đã phong tỏa và giam lỏng ông Arafat trong vòng vây quân lính và xe tăng quanh khu dinh thự của ông ở Ramallah.

Mặc cho những ngày đen tối ở Ramallah trong hơn hai năm qua, ông tiếp tục là biểu tượng của cuộc đấu tranh của người Palestine. Dù khó khăn nhưng ông không bao giờ chấp nhận rời bỏ Ramallah cũng như mục tiêu tìm chỗ đứng cho dân tộc Palestine.

Hôm qua, tại Paris (Pháp), đại diện của chính quyền Palestine tại Pháp, bà Leila Chahid, tuyên bố Tổng thống Palestine Yasser Arafat, 75 tuổi, đang trong tình trạng hôn mê sâu (cấp 4), "ở giữa sự sống và cái chết" tại Bệnh viện quân đội Percy de Clamart, gần Paris (Pháp).Bà Leila phủ nhận tin của một quan chức y tế tại Bệnh viện Percy cho biết ông Arafat đã "chết lâm sàng", đã bại não và đang được duy trì tình trạng sống thực vật bằng các máy hô hấp nhân tạo. Đã có nhiều nguồn tin trái ngược nhau về tình hình sức khỏe của ông Arafat. Ngày 4-11, tại Brussels (Bỉ), lúc 18g (giờ địa phương), Thủ tướng Luxembourg Jean - Claude Juncker sau khi thăm ông Arafat đã nói với các phóng viên rằng ông Arafat đã chết cách đó 15 phút, nhưng sau đó văn phòng của Thủ tướng Juncker cải chính là "có sự hiểu nhầm".

Trước đó, các nguồn tin Israel khẳng định Arafat đã chết, và lập tức bị phía Palestine bác bỏ. Ngày 5-11, Tổng thống Pháp Jacques Chirac sau khi thăm ông Arafat đã từ chối mọi bình luận vì lý do "bí mật y khoa". Trong khi những người ủng hộ ông Arafat tụ tập quanh Bệnh viện Percy, giương cao ảnh của ông thì tại dải Gaza, người Palestine đến các đền thờ cầu nguyện cho ông, và khoảng 500 thành viên Phong trào Fatah đã diễu hành chúc thọ ông Arafat.Cả bộ máy an ninh Palestine lẫn quân đội Israel đóng ở khu Bờ Tây và dải Gaza đều được đặt trong tình trạng báo động, để sẵn sàng đối phó với khả năng ông Arafat không qua khỏi.

Thủ tướng Israel Ariel Sharon tuyên bố sẽ không cho phép mai táng ông Arafat tại Jerusalem (theo nguyện vọng trước đây của ông) và Abou Dis (vùng ngoại ô Jerusalem). Một quan chức Palestine nói trong trường hợp này, ông Arafat sẽ được mai táng tại dải Gaza, trong nghĩa trang Khan Younes nơi thân phụ ông đã yên nghỉ.

DUY VĂN tổng hợp (Theo Newsru, BBC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên