05/05/2018 18:31 GMT+7

Con đọc lời tri ân xúc động nhưng chưa bao giờ rửa chén, quét nhà

ÁNH NGUYỆT (Thanh Xuân, Hà Nội)
ÁNH NGUYỆT (Thanh Xuân, Hà Nội)

TTO - Tuần trước, chị gái tôi gọi điện tâm sự: "Dì là giáo viên, dì nghĩ có buồn không khi cái Linh nhà chị sắp sửa vào đại học, cũng vừa tổ chức lễ trưởng thành ở trường mà vẫn như đứa trẻ ấy…".

Con đọc lời tri ân xúc động nhưng chưa bao giờ rửa chén, quét nhà - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: WikiHow

Rồi chị tôi nói rằng kết thúc thời học sinh cấp ba rồi mà Linh (cháu gái tôi) vẫn như con nít, cái gì cũng không biết, sợ sệt và không có niềm tin vào bản thân. Chị còn kể, trong lễ tri ân ở trường, con đại diện cho các bạn học sinh lên để nói lời cảm ơn đến thầy cô, ba mẹ…

Chị thở dài: "Nhưng sáo rỗng quá, dì ạ". Con nói yêu thương ba mẹ nhưng chưa bao giờ nấu giúp mẹ một bữa cơm. Con thờ ơ mỗi khi mẹ đi làm về muộn. 

Con nhớ đến sinh nhật bạn và chủ động tổ chức vui vẻ cho bạn bè cùng lớp. Thế nhưng con lại chẳng bao giờ nhớ đến sinh nhật ba mẹ. Con chưa bao giờ nói lời chúc mẹ mỗi dịp 8-3 hay 20-10… 

Còn rất nhiều chuyện chị tôi đưa ra để làm bằng chứng rằng con vô tâm, không biết yêu thương cha mẹ như lời con xúc động nói trong buổi lễ.

Nghe chị nói, ngẫm lại, tôi nhận thấy tự khi nào lễ trưởng thành diễn ra lấy lệ chứ không thực chất ở nhiều trường THPT. Thực tế không ít em học xong lớp 12 nhưng tỏ ra khù khờ, yếu ớt khi vào đời, vẫn phải để mẹ cha quyết định tương lai.

Tôi may mắn được chứng kiến những lễ trưởng thành, tri ân xúc động. Tuy nhiên, ở không ít trường diễn ra lễ trưởng thành khá hình thức, màu mè. Không ít em vẫn chưa lớn, chưa chịu trách nhiệm về mọi quyết định, hướng đi của mình.

Lễ trưởng thành vốn là cơ hội để các con nói lời tri ân cha mẹ, thầy cô. Nhưng các con chỉ đang nói suông, yêu thương "suông". 

Thực chất, sự biết ơn ý nghĩa nhất không phải ở lời nói mà ở hành động. Nhiều em nói thương ba mẹ nhưng chưa bao giờ xắn tay giúp mẹ nấu cơm, đổ rác, rửa bát hay lau nhà. Đến nỗi phòng riêng của mình mà còn để mẹ phải dọn dẹp thì có được gọi là trưởng thành không? Vậy thì các em tri ân ai và tri ân cái gì?

, các em đã thật sự trưởng thành chưa khi mà đến lựa chọn ngành nghề nào, con đường đi của mình cũng chưa thể quyết định, cũng phải có sự can thiệp của bàn tay mẹ cha? Các em đã trưởng thành chưa khi 18 tuổi không dám một mình lên thành phố đi thi?

Đó là còn chưa kể đến nhiều em không nấu nổi bữa cơm dù đã vào đại học. Không biết cầm cái chổi quét nhà, không thể tự quyết định tương lai, sao gọi là trưởng thành?

Thực trạng con không biết chia sẻ, một phần lỗi do cha mẹ không tạo điều kiện cho con. Rõ ràng, tâm lý phần lớn phụ huynh cho rằng con chỉ cần học, còn việc nhà không cần mó tay. Bởi thế, nếu có một khảo sát nhỏ đối với lứa tuổi học sinh cấp 2 và 3, chắc chắn tỉ lệ trẻ biết làm việc nhà không cao. 

Dường như cha mẹ không lấy làm lo lắng khi con yếu kỹ năng và không biết nấu cơm, không biết rửa chén. Nhưng nếu con bị điểm thấp, cha mẹ luôn trong trạng thái lo lắng, thất vọng.

Tôi nói với chị suy nghĩ ấy, chị như ngộ ra điều gì rồi tự hỏi: "Lẽ nào con chưa trưởng thành là tại người lớn chúng ta ư?".

Học giỏi, nhưng cháu tôi vô cảm khi ông mình vào viện Học giỏi, nhưng cháu tôi vô cảm khi ông mình vào viện

TTO - Tôi cứ băn khoăn tự hỏi tại sao các cháu tôi không có khái niệm tình cảm giữa các thành viên trong gia đình? Thậm chí vô cảm, bực tức khi ông mình vào viện?

ÁNH NGUYỆT (Thanh Xuân, Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên