22/08/2011 09:30 GMT+7

Con dâu "kém hiểu biết" mới cắn đồng tiền vỡ đôi?

 T.HẢI
 T.HẢI

TTO - Các cô con dâu có "quá đáng" khi than thở việc hỗ trợ tài chính gia đình chồng? Có phải cư xử ấy xuất phát từ việc không thấu hiểu chữ "hiếu" và công lao sinh thành dưỡng dục "biển hồ lai láng" của cha mẹ chồng? Con trai mình chưa kịp nhờ, vợ nó đã nhờ hết, làm sao không "khó chịu" cho được?...

Đó cũng là một phần nội dung những chia sẻ Tuổi Trẻ Online vừa nhận được từ mẹ chồng, mẹ chồng tương lai và một số bạn đọc khác. Mời bạn đọc theo dõi và bày tỏ ý kiến.

DM1wFyQ6.jpgPhóng to
Những xung đột liên quan đến tiền bạc có thể khiến quan hệ mẹ chồng - con dâu bị "đóng băng" - Ảnh minh họa: từ Internet

Vài đồng bạc sao dám so "biển hồ lai láng"?

Người quê tôi có nếp nghĩ, nuôi con cho tốt để sau này về già còn nhờ. Thêm nữa, đứa con nào đi trước có chút công danh, sự nghiệp thì phải biết dìu dắt, che chở, đỡ đần các em, các cháu đi sau. Tôi thấy suy nghĩ ấy rất thực tế và chẳng có gì sai trái. Đừng phủ nhận điều ấy bằng suy nghĩ nuôi con thì đừng mong nhờ nó làm gì. Làm sao lại không mong được nhờ con, nhất là khi tuổi già sức yếu, không còn có thể kiếm tiền?

Cũng chính vì vậy mà tôi có chút băn khoăn khi con trai tôi vừa đi làm một năm đã quyết định cưới vợ và ra ở riêng. Cưới vợ rồi thì rất có khả năng việc chăm lo tài chính cho bố mẹ, các em trở nên khó khăn hơn. Và đúng như dự đoán, dù thu nhập của cháu không thấp nhưng chẳng chia sẻ được bao nhiêu cho gia đình lớn vốn còn nhiều khó khăn vì hầu hết số tiền ấy đều do vợ cháu "tay hòm chìa khóa".

Tôi chỉ bảo con trai gửi tiền về chứ chưa bao giờ nói điều ấy với con dâu vì dù sao vẫn cảm thấy không tự nhiên nếu làm thế. Buồn và khó chịu nhất là thái độ của con trai mỗi khi gửi tiền cho gia đình lớn càng lúc càng thay đổi, vẻ mặt con mỗi lúc một miễn cưỡng, nặng nề hơn.

Con dâu tôi cũng có học thức kha khá, vậy nhưng tại sao cháu lại không chịu hiểu được điều cơ bản là những gì chồng cháu có hiện nay là công lao của cha mẹ chồng, để rồi lại chi li, cắn đồng tiền vỡ đôi, chỉ biết tính cho riêng mình?

Ngày sau con dâu sẽ nói như thế về mình...

Đọc bài viết Xin bố mẹ chồng hãy để con yên! của cháu Bình Nguyên, tôi vừa thấy thương cháu vừa có buồn xốn xang trong lòng. Thương vì như cháu nói cháu muốn làm người con dâu hiếu thảo với cha mẹ chồng, những suy nghĩ ấy không phải bây giờ các cháu cùng trang lứa như cháu đều nghĩ được. Còn buồn vì bỗng nghĩ đến câu: "Cha me nuôi con bằng trời bằng bể/ Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày".

Đa phần do hoàn cảnh quá khó khăn, nên nhiều gia đình khi nuôi con ăn học tốn kém, mong con mình trả ơn trả hiếu một thời gian để nuôi em ăn học, giỗ chạp ông bà, sắm sửa nhà cửa...

Tuy nhiên, cũng có nhiều bậc cha mẹ đôi khi không phải vì quá khó khăn mà vẫn luôn làm phiền con cái vì nghĩ rằng mình nuôi nó, mình chưa nhờ vả được bao nhiêu thì nay nó cưới vợ về là nó quên cả gia đình. Đôi khi họ cũng không thông cảm được rằng gia đình nhỏ của con mình cũng có rất nhiều việc phải lo toan. Nếu cháu rơi vào gia đình mà cha me dù khổ sở đến mấy vẫn không bao giờ muốn làm phiền con, nhất là con dâu, thì chắc là cháu đã không phàn nàn đến vậy.

Tuy nhiên, có lẽ cháu cũng khó khăn về kinh tế. Cha mẹ chồng cháu mà biết cháu quá căng thẳng chuyện tiền bạc thế này có lẽ họ cũng có lòng tự trọ̣ng mà không làm phiền cháu nữa đâu.

Cơm chưa đủ ăn qua ngày làm sao báo hiếu?

Tôi cũng là con dâu, đặc biệt là đã có con nên đã thấm hiểu câu nói: "Có nuôi con mới hiểu tấm lòng cha mẹ". Đối với cha mẹ con cái là tất cả không gì sánh bằng. Thế nhưng có những trường hợp ngoại lệ. Cha mẹ chồng, cha mẹ đẻ quan niệm sinh con ra, nuôi lớn được từng này thì con phải có nghĩa vụ báo hiếu mà không cần hiểu con có đủ tiền mua gạo ăn qua ngày không.

Lương nhà nước của vợ chồng tôi chẳng đủ trả tiền thuê nhà trọ và nuôi con. Thế mà nay nhà chồng gọi bảo phải gửi tiền làm này, mai gọi gửi tiền làm cái kia, phải lo cho đứa em gái, phải nuôi thằng em trai. Có tiền thì không nói, không có tiền lấy gì mà nuôi? Còn con mình thì sao? Họ không nghĩ cho mình mà chỉ biết chỉ nghĩ cho họ thôi.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là làm ngơ với cha mẹ, với các em chồng. Tôi nghĩ tốt hơn hết là phải bảo chồng hãy nói thật về tình hình tài chính của gia đình mình với bố mẹ chồng để tránh bị hiểu lầm là bất hiếu.

Thật ra, mới có một năm thì đã là bao so với những gì cha mẹ đã nuôi chồng con? Nghĩ mà tủi cho những bậc làm cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn cháu à. Cô nói điều này không phải vì cô cũng cùng hoàn cảnh với bố mẹ cháu. Cô chưa có con dâu, nếu có thì cô cũng có tiền cho con chứ không xin con đâu. Đọc bài viết của cháu, cô bỗng thương họ quá! Tất nhiên là cũng có một số người lười lao động, chỉ trông chờ vào con, nhưng cô nghĩ họ đã nuôi được chồng con ăn học thì họ không phải là người lười lao động đâu!

Cô khuyên hai vợ chồng nên mời ba mẹ chồng đến nhà chơi, tâm sự thẳng và xét hoàn cảnh kinh tế của cháu, vợ chồng cháu có thể hỗ trợ cho ba mẹ cái gì hoặc là không hỗ trợ nữa. Hãy nói lễ phép, dứt điểm, đừng hét vào mặt cha mẹ cháu à. Không nên chất chứa trong lòng mà khi bộc phát sẽ mắc khuyết điểm lớn: làm đứa con bất hiếu. Rồi cháu sẽ có con, những gì cháu nói ngày hôm nay về cha mẹ mình ngày sau khi cháu có tuổi rồi, các con cháu sẽ đối xử như thế nào với cháu đây?

Ghét người lười biếng chứ không ghét người ăn bám

Việt Nam mình có câu: "Chim có tổ, người có tông", "Uống nước phải nhớ nguồn". Mỗi người chúng ta không kể trai hay gái chồng hay vợ, khi đã đủ lông đủ cánh thì hãy nghĩ lại mình từ đâu mà có.

Tôi rất ghét những người lười biếng nhưng không ghét những người ăn bám. Không ai sung sướng gì ngồi không mà ăn của bạn để nhận được từ bạn ánh mắt khi dễ, vẻ mặt nặng nề.

Nhà chồng tôi có đến 5 em. Ngày tôi về làm dâu, ông bà chỉ cho miếng đất nhỏ. Hai vợ chồng tự kiếm tre nứa về làm, tài sản vỏn vẹn có cái giường ngủ và cái rương gỗ, bữa cơm thì đạm bạc. Nhưng tiền lương của tôi và của chồng tôi đều được mang cho ông bà nội để các em chồng ăn học, có lúc tôi còn phải về ngoại vay tiền cho chồng sửa xe.

Lúc đầu, tôi cũng rất buồn, không phải vì buồn vì việc tiền mình cơ cực làm ra để cho người khác tiêu, mà buồn thấy chồng tôi cứ sống khắc khổ để lo cho các em.

Đã 15 năm trôi qua, giờ đây tôi mới hiểu được việc chồng làm ngày xưa là đúng, vợ chồng tôi không những là cho tiền các em tiền mà còn cho các em tình cảm và lẽ sống ở đời. Giờ mỗi lần về ông bà nội tôi thật sung sướng khi các em xem tôi là chị cả trong nhà, bố mẹ vẫn ngọt ngào niềm nở.

Bạn có đang căng thẳng trong mối quan hệ với gia đình chồng? Bạn có lời khuyên nào cho bạn Bình Nguyên? Mọi ý kiến vui lòng gửi theo công cụ dưới bài hoặc về email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn. Vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt.

 T.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: mẹ chồng con dâu