Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Lê Hùng Dũng chia sẻ quan điểm sự kiện đội Đồng Tháp bỏ giải V-League: “Đầu tiên tôi muốn nhắc lại bốn tiêu chí đặt ra cho ban chấp hành VFF khóa 7 là: 1- Không chạy theo thành tích, 2- Xây nhà từ móng, 3- Trẻ hóa lực lượng, 4- Chấp nhận bị phê phán. Các tiêu chí đặt ra ấy đã được toàn thể ban chấp hành thông qua.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo CLB Đồng Tháp gần đây, tôi có nhấn mạnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nên không dễ dàng cho việc đi tìm nhà tài trợ. Địa phương không được phép sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư cho bóng đá. Do vậy CLB phải sống bằng chính thực lực của mình qua việc đi tìm nguồn thu từ tiền bán vé, bản quyền truyền hình, quảng cáo, cộng với sự hỗ trợ từ nhiều doanh nghiệp. Điều tối quan trọng là đừng quá trông cậy vào nhà đầu tư mà phải chạy vạy cật lực để tìm nguồn thu. Bởi nếu kinh doanh thuận lợi thì không nói gì, ngược lại thì việc họ chậm hoặc không tiếp tục tài trợ là chuyện bình thường. Ở đây đòi hỏi lãnh đạo CLB phải quyết đoán mạnh mẽ trước việc sống còn của chính mình.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo CLB Đồng Tháp vừa rồi, tôi chia sẻ khó khăn với họ nhưng cũng nói thẳng họ cần phải chấp nhận thực tế nếu không huy động được tài chính dự V-League thì nên quay lại làm bóng đá phong trào, đầu tư cho bóng đá trẻ chứ đừng cố chấp chạy theo mô hình chuyên nghiệp”.
* Thưa ông, trong tương lai nếu một vài CLB chuyên nghiệp khác gặp khó về kinh phí, xin rút lui hay giải tán thì V-League sẽ ra sao?
- Tôi đã thống nhất với ban chấp hành VFF cũng như VPF (Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN) rằng còn bao nhiêu CLB thì chúng ta chơi bấy nhiêu, không nhất thiết phải có 12 hay 14 CLB. Bạn có biết rằng do khủng hoảng kinh tế nên K-League (Giải bóng đá nhà nghề Hàn Quốc) có lúc chỉ còn sáu đội nhưng giải vẫn diễn ra bình thường với thể thức thi đấu đặc biệt là đá tới ba vòng. Vậy mà chất lượng vẫn cao, khán giả vẫn kín sân. Tôi nghĩ và tin rằng đó cũng là cách làm đáng cho chúng ta học theo.
* Trước mỗi mùa bóng, VFF và VPF thường đi tìm hiểu năng lực tài chính của từng CLB. Vậy tại sao nhiều CLB lại thiếu tiền lương, tiền thưởng, phí chuyển nhượng của cầu thủ? Trong tương lai liệu câu chuyện buồn này có lặp lại?
- Không thể bắt CLB chuyên nghiệp trưng ra đủ 35 tỉ đồng hay 20 tỉ đồng rồi mới cấp phép cho họ dự giải. Kiểm tra ở đây là đề nghị CLB trình bày cặn kẽ các nguồn thu từ đâu, bao nhiêu và như thế nào. Cần phải hiểu năng lực tài chính là những nguồn có thể thu được chứ không phải số tiền mà họ đang có trong két sắt. Và càng không thể loại họ khỏi cuộc chơi khi khả năng tài chính không hội đủ vào giữa hay cuối mùa bóng.
* Ông có nghĩ VFF cùng VPF sẽ thống nhất thu gọn số đội ở V-League còn dưới 10 đội để nâng cao chất lượng chuyên môn, đồng thời giúp CLB thuận tiện hơn trong việc kêu gọi tài trợ?
- Không thể làm cách cực đoan như vậy được. Ai có sức thì phải để họ tham gia cuộc chơi. Và cũng không thể vin vào việc họ không hội đủ một vài điều kiện để loại họ ra khỏi vòng chiến.
* Nói như ông thì V-League sẽ không bị xóa sổ hay tạm dừng để củng cố?
- Dứt khoát là không. Và không ai có thể cản được dòng chảy của bóng đá. V-League không thể dừng lại để củng cố như từng có đề nghị. Tôi nhắc lại rằng với V-League, dẫu còn mấy đội thì vẫn tổ chức như bình thường. Vấn đề là làm sao cho hấp dẫn, thu hút người xem, nâng cao tính chuyên môn.
[quote]
Trong tương lai, không chỉ Đồng Tháp mà còn nhiều CLB khác sẽ gặp khó khăn tài chính. Nhưng tôi ủng hộ quan điểm còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu
Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức
[/quote]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận