29/12/2015 06:36 GMT+7

Còn băn khoăn về độ tuổi của giảng viên

THANH HÀ (thanhha@tuoitre.com.vn)
THANH HÀ (thanhha@tuoitre.com.vn)

TT - Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội được chấp thuận cho tuyển sinh ngành dược từ năm 2016, và sẽ được tuyển sinh ngành y đa khoa sau khi bổ sung nốt các điều kiện theo yêu cầu của đoàn kiểm tra liên bộ.

 

Một cán bộ của nhà trường giới thiệu về phòng thực hành hóa phân tích và kiểm nghiệm thuốc tại Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một cán bộ của nhà trường giới thiệu về phòng thực hành hóa phân tích và kiểm nghiệm thuốc tại Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Chiều 28-12, Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp báo về kết quả kiểm tra việc Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội thực hiện các yêu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết để đào tạo ngành y đa khoa và dược học theo yêu cầu của đoàn thẩm định liên ngành GD-ĐT - y tế vào tháng 10 vừa qua.

Nhiều giảng viên lớn tuổi

Với sự tham gia của một số cán bộ quản lý các trường ĐH y trong cả nước, đoàn đã kiểm tra đội ngũ giảng viên, cơ cấu tổ chức, trang thiết bị, cơ sở vật chất của trường để đào tạo ngành y đa khoa trong ba năm đầu và ngành dược trong năm năm, cùng điều kiện thực hành của hai ngành này.

Cho đến thời điểm đoàn kiểm tra liên bộ đến đánh giá, với ngành y đa khoa, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội có 56 giảng viên (23 TS, PGS, GS, 11 thạc sĩ, 10 chuyên khoa 1 và 12 chuyên khoa 2). Nhưng so với yêu cầu tối thiểu, trường còn thiếu một TS về sản khoa, trong 37 bộ môn thì 6 môn học chưa có giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành, chỉ có giảng viên thỉnh giảng.

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đồng ý để trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành dược học từ năm 2016, nếu thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã ký và bổ sung tối thiểu một thạc sĩ môn phân tích kiểm nghiệm. Đối với ngành y đa khoa, hai bộ cho biết sẽ xem xét cho phép trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, sau khi bổ sung đội ngũ và thực hiện các hợp đồng mua bán trang thiết bị đã ký.

Tuy các phóng viên chất vấn nhiều lần về đội ngũ giảng viên ngành y đa khoa của trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến độ tuổi, số người còn trực tiếp làm việc liên quan đến bệnh viện và người bệnh, nhưng đều không nhận được câu trả lời đầy đủ.

Ông Nguyễn Đức Hinh - hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, thành viên đoàn kiểm tra - có chia sẻ: “Tôi rất suy nghĩ về vấn đề độ tuổi”. Theo ông Hinh, ở các trường y công lập có quy định về độ tuổi, nhưng trường ngoài công lập thì không có quy định quản lý. “Đó là một điều bất cập. Các bệnh viện không thể mời thầy thuốc đã 75 - 80 tuổi vào đứng mổ xẻ cho bệnh nhân. Nhưng nếu không tham gia mổ xẻ, không trực tiếp khám chữa bệnh thì dạy sinh viên như thế nào?” - ông Hinh thẳng thắn bày tỏ.

Điểm sàn riêng cho các ngành y dược?

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc Bộ GD-ĐT có dự định xây dựng mức điểm sàn riêng cho các ngành đào tạo y dược để giữ chất lượng đầu vào các ngành đào tạo này, tránh tình trạng các trường ngoài công lập có thể tuyển sinh đào tạo y dược với mức điểm quá chênh lệch so với trường công lập, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - cho biết: “Bộ mong muốn nhận được ý kiến đóng góp về việc có nên có điểm sàn riêng cho khối ngành y dược từ các cơ sở đào tạo, các cơ quan liên quan cũng như dư luận xã hội”.

“Nếu được xã hội, đặc biệt là các thí sinh, các trường ủng hộ, bộ sẽ có điểm sàn riêng cho tuyển sinh y dược” - bà Phụng khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hinh với tư cách là chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược cho biết hội đồng mới họp và thống nhất 100% ý kiến đề xuất với hai bộ GD-ĐT, Y tế: Kỳ thi tuyển sinh 2016, các trường ĐH y dược nếu tiếp tục sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, thì đề nghị có điểm ngưỡng cho tuyển sinh đào tạo y khoa 6 năm và dược 5 năm.

Theo ông Hinh, Hội đồng hiệu trưởng các trường y dược trong cả nước thật sự mong Bộ GD-ĐT sẽ có điểm sàn riêng cho tuyển sinh của khối ngành này.

* GS.TS.BS Đặng Vạn Phước (trưởng Khoa y, ĐHQG TP.HCM):

Tiêu chuẩn đào tạo ngành y rất cao

Từ trước đến nay trên thế giới, việc kiểm định những điều kiện để cho phép đào tạo nhóm ngành khoa học sức khỏe, nhất là ngành bác sĩ đa khoa, luôn được thực hiện rất kỹ càng. Những điều kiện đó là đội ngũ giảng dạy, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, cơ sở thực hành...

Riêng trong đào tạo bác sĩ đòi hỏi cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành cao hơn rất nhiều so với các ngành học khác.

Khi tuyển sinh ngành y ở các nước, chất lượng đầu vào đều rất cao, sinh viên rất giỏi và chỉ tiêu đào tạo rất ít. Tôi chưa thấy nước nào chủ trương giảm chất lượng tuyển sinh đầu vào ngành y hoặc mở rộng quy mô đào tạo ngành này.

Việc đào tạo ngành y trong các ĐH đa ngành ở nhiều nước cũng có, tuy nhiên các điều kiện để mở ngành này đều rất cao, đặc biệt là tiêu chí về người thầy và chương trình đào tạo. Vì vậy, khi xem xét cho phép trường nào mở đào tạo ngành y phải hết sức cẩn trọng và đánh giá một cách toàn diện các điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo.

* GS.TS.BS Trần Hữu Dàng (nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược - ĐH Huế):

Phải có cơ quan đánh giá độc lập

Để đào tạo ra một bác sĩ, dược sĩ đòi hỏi nhiều quy định nghiêm ngặt mà nhà trường phải đáp ứng. Thứ nhất, đội ngũ giảng viên cơ hữu phải trong độ tuổi lao động. Thứ hai, cơ sở thực hành phục vụ đào tạo của nhà trường phải được đầu tư bài bản, đầy đủ vì không thể đào tạo ra một bác sĩ, dược sĩ chỉ dựa vào lý thuyết. Thứ ba, trong kiểm định điều kiện để cấp phép các trường đào tạo nhóm ngành khoa học sức khỏe, phải do cơ quan đánh giá độc lập mang tính phản biện.

TRẦN HUỲNH ghi

Phải được Chính phủ cho phép?

Ông Nguyễn Đức Hinh đề nghị việc thành lập trường ĐH y, mở ngành đào tạo y khoa cần được sự cho phép của Chính phủ như một số nước, trong đó có Nhật Bản, đang áp dụng.

Tại cuộc họp báo, đại diện hai bộ GD-ĐT, Y tế cho biết đầu năm 2016, hai bộ sẽ phối hợp thực hiện kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng của tất cả các trường ĐH y dược trong cả nước. Ngành nào không đạt các yêu cầu theo quy định sẽ buộc ngừng tuyển sinh.

Đồng thời, từ việc cho phép các trường ngoài công lập đào tạo ngành y dược, đã cho thấy quy định hiện hành về việc mở ngành đào tạo là thông tư 08 đang có những điều chưa phù hợp với những đặc thù của việc mở ngành đào tạo trong lĩnh vực y tế. Vì vậy hai bộ cũng đang thảo luận để chỉnh sửa, ban hành quy định mới vào đầu năm 2016.

THANH HÀ (thanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên