Cô Lệ mang cơm từ thiện về khoa cho bệnh nhân (ảnh chụp tại bếp ăn từ thiện Thiện Hòa trong khuôn viên BVĐK tỉnh Bình Dương) |
Mỗi lần về đến khoa, vừa đặt ba cái xô thức ăn xuống là cô gọi to: “Cơm bà con ơi... cơm bà con ơi...”. Tức thì thân nhân, bệnh nhân từ các phòng mang cà mèn, tô, chén đến lấy thức ăn.
Chờ khi mọi người lấy xong cô lại đến mang ba cái xô đi. Nếu còn thức ăn thì cô mang ngược lên bếp ăn trả lại, không thì mang ba cái xô đi rửa cất.
Cô tên Phan Thị Tuyết Lệ, 53 tuổi, góa bụa đã 15 năm, làm lao công ở bệnh viện này đã hơn hai năm. Quê ở tận An Giang, cô có một người con đi làm xa nên cô sống trọ một mình. Cô làm việc ở bệnh viện này nhưng hằng tháng phải đi khám và chữa bệnh ở một bệnh viện chuyên khoa khác vì chứng đau đầu kinh niên.
Tiền lương làm lao công mỗi tháng chỉ hơn hai triệu đồng nên tiền nhà trọ, tiền chữa bệnh có tháng còn không đủ... Có lẽ vậy nên ngày nào tôi cũng thấy cô dùng cơm từ thiện ở bệnh viện.
Một lần ngồi trò chuyện tôi hỏi: “Sao cô không để mọi người tự đi xếp hàng lấy thức ăn mà phải làm vậy chi cho cực?”.
Cô bảo: “Bệnh nhân ở khoa này phần lớn là những người có hoàn cảnh. Nhiều người nằm một mình chẳng thấy có thân nhân nuôi. Bệnh nhân ra vô liên tục nên đâu phải ai mới đến cũng biết. Ngày nào cô cũng dùng cơm của bếp ăn nên sẵn tiện lấy giúp, tuy cực nhưng chia sẻ với mọi người chút vậy mà ăn cơm nghe ngon miệng!”.
Một buổi trưa, thấy cô ngồi tẩn mẩn xếp từng vỏ hộp thuốc bé tí nơi hồ cá trước khoa, tôi đùa bảo cô đang làm kế hoạch nhỏ. Mỗi ngày một chút vậy, một tháng gom lại chắc cũng được kha khá. Cô cười hiền từ bảo: “Cái phần này cô tranh thủ làm thêm để có tiền đóng góp cho bếp ăn từ thiện, không thì cuối tháng cô cũng trích tiền lương ra đóng góp”.
Tôi ngỡ ngàng nhưng vẫn hỏi: “Đã là cơm từ thiện thì không đóng góp cũng đâu có sao. Kinh phí cho bếp ăn đã có những người khá giả tài trợ rồi. Sao cô không dành phần đó để đi chữa bệnh?”. Lại nghe mấy lời nhẹ tênh của cô: “Biết vậy, nhưng của từ thiện đâu phải từ trên trời rơi xuống đâu em. Đó là tiền của người này, là công sức của nhiều người khác góp lại để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Người ta đã bỏ tiền, bỏ công nấu sẵn cho mình ăn. Mình còn sức lao động, còn làm ra tiền, ít nhiều gì cũng phải đóng góp, không thì coi sao đặng!”.
Tôi cảm giác xấu hổ vì bấy lâu cứ nghĩ cô ăn cơm từ thiện... cho đỡ tốn tiền!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận