Mô tả của báo Korea Times về vị trí của mì và cơm trong các bữa ăn của người Hàn Quốc hiện nay - Ảnh: KOREA TIMES
Nhắc đến ẩm thực Hàn Quốc, không thể không nhắc đến các món mì nổi tiếng như mì tương đen, mì lạnh, mì trộn kim chi… Nhiều sản phẩm mì gói của Hàn Quốc giờ đây cũng "đổ bộ" vào siêu thị lớn của nhiều nước.
Người Hàn Quốc thích ăn mì đến mức theo chuyên gia, mì đang dần thay thế cơm trên các bàn ăn tại Hàn Quốc trong 4 thập niên qua, theo báo Korea Times ngày 19-4.
Thật vậy, mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người của Hàn Quốc trong năm 2016 là 61,9kg/người/năm, ít hơn 50% so với mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người của năm 1980.
Trong khi đó, tiêu thụ mì tại Hàn Quốc đã tăng vọt. Mức tiêu thụ mì ăn liền bình quân đầu người của xứ sở kim chi xếp vào cao nhất thế giới. Hàn Quốc nhập khẩu 98% số bột mì, nguyên liệu chính để làm ra mì, trong khi gạo được sản xuất quá thừa trong nước.
Mì trước đây chỉ là một bữa ăn tạm bợ để giải quyết cơn đói của người Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Tuy nhiên, ngày nay các món mì đang khiến cơm - món ăn chính của người Hàn Quốc trong nhiều thế kỷ - bị "ra rìa".
Mì kiều mạch được bày bán phổ biến ở Hàn Quốc là thành phần chính của món mì lạnh - Ảnh: Drbenkim.com
Ông Joo Young Ha - giáo sư ngành nghiên cứu văn hóa dân gian tại Viện Nghiên cứu trung ương Hàn Quốc Học (AKS) - đánh giá sự thay đổi trong thói quen ăn uống của người Hàn Quốc không đáng báo động.
Vị chuyên gia lý giải rằng thật ra việc tiêu thụ mì đã phổ biến tại Hàn Quốc trong nhiều thập niên qua, do tác động của nhiều yếu tố.
Theo ông, thành phần tiêu thụ mì chủ yếu hiện nay ở Hàn Quốc là những người được sinh ra trong thập niên 1970. "Những ngày vàng son của mì ở Hàn Quốc là thập niên 1970. Những ai được sinh trong giai đoạn này giờ đã 40 tuổi và họ hiện là thành phần tiêu thụ mì chủ yếu" ông Joo nói.
Bắp, bột mì, sửa bột và phân bón là những loại hàng viện trợ chính của Mỹ thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên đã kích thích sự bùng nổ của mì. Thêm nữa, không như gạo vốn hiếm và đắt trong những năm 1970, bột mì khá phổ biến và thậm chí những người thuộc tầng lớp lao động cũng có thể ăn mì.
Trong khi đó, vào giai đoạn 1392-1910 của triều đại Joseon, mì được làm từ bột mì được xem là một loại thức ăn xa xỉ vì "Lúa mì được thu hoạch một lần/năm trước mùa hè và việc sản xuất rất giới hạn do những khu đất trồng lúa mì khá nhỏ" - giáo sư Joo giải thích.
Các thực khách ăn mì tại một tiệm mì ở thủ đô Seoul - Ảnh: AFP
"Ăn kiêng" khiến người Hàn chán cơm
Chế độ ăn uống "low-carb" (tức ăn kiêng hạn chế tối đa chất bột đường) vào những năm 1960 và 1970 cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hướng từ tiêu thụ cơm sang tiêu thụ mì trong các bữa ăn ở Hàn Quốc.
Chiến dịch kêu gọi trộn các loại hạt khác cùng gạo của chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu vào tháng 11-1962 khi việc sản xuất gạo trên cả nước giảm sút và giá cả tăng vọt.
Theo chương trình này, các nhà bán lẻ được yêu cầu phải trộn 20% loại hạt khác vào trong mỗi bao gạo. Các nhà hàng cũng phải tuân theo quy định trộn 20% này khi phục vụ cơm cho khách hàng. Và bữa trưa của học sinh tại trường học cũng như vậy.
"Chúng tôi, những người Hàn Quốc, bắt đầu bỏ gạo phơi khô vào ‘seolleongtang’ (tức canh xương bò) trong những năm 1970 như một phần của chiến dịch ăn kiêng và món ăn này vẫn được ưa chuộng tới ngày nay" - ông Joo kể lại.
Trong khi đó, Thế vận hội Seoul năm 1988 được cho cũng là một dấu mốc quan trọng khác trong việc thay đổi thói quen ăn uống của người Hàn Quốc.
Đi ăn ở ngoài đã trở thành một phần của cuộc sống của người Hàn trong những năm sau Olympic khi một vài cửa hàng thức ăn nhanh được mở ở đất nước này trong kỳ thế vận hội.
"Người Hàn được tiếp xúc nhiều các món ngoại, trong đó có mì Ý, và chúng trở thành các món ăn thay thế, gạt cơm ra khỏi bàn ăn" - ông Joo nhận định.
Một loại mì cay được bày bán trong siêu thị của Hàn Quốc - Ảnh: AFP
Trong số các món mì được yêu thích hàng đầu của Hàn Quốc có "jajangmyeon" (mì tương đen), có nguồn gốc từ Trung Quốc, với thành phần chính là tương đen lên men và sợi mì.
Loại mì này xuất hiện sau năm 1883 khi thành phố cảng Incheon mở cửa với thế giới theo sau Hiệp ước Jemulpo được ký kết giữa Nhật Bản và Triều Tiên năm 1992.
Nhiều người Trung Quốc đã đến đây sinh sống, chiếm tới 11% dân số Incheon và thói quen ăn uống của họ đã ảnh hưởng tới người dân địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận