Việc cơm chiên đông lạnh - món ăn với cái tên nghịch hợp (chiên nhưng lạnh) - ngày càng được ưa chuộng cho thấy cách chế biến và thưởng thức một món ăn có thể vừa đi rất xa so với những ý tưởng ban đầu vừa giữ được hồn cốt của nguyên bản ra sao.

Ngày 9-5, báo Mainichi đưa tin Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận sản phẩm cơm chiên đông lạnh Honkaku-Itame Cha-Han là thương hiệu lớn nhất trong dòng sản phẩm cơm chiên đông lạnh, bán được hơn 15 tỉ yen (96,3 triệu USD) trong năm 2023.

Không chỉ Nhật thắng lớn với mặt hàng này.

Tháng 10 năm ngoái, doanh thu tích lũy của các sản phẩm cơm đông lạnh CJ Bibigo do gã khổng lồ thực phẩm Hàn Quốc CJ CheilJedang sản xuất tại Mỹ đã vượt mốc 100 tỉ won (74 triệu USD), tờ Korea Herald cho biết.

Doanh số bán các sản phẩm cơm đông lạnh của Pulmuwon, đối thủ đồng hương của CJ, năm 2023 cũng tăng 120% so với 2022, theo báo The Korea Daily.

Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 1.
Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 2.

Có thể nói, hầu như nước nào có lương thực chính là gạo thì trong ẩm thực đều sẽ có món cơm chiên. Cứ nhìn những vựa gạo lớn của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, và tất nhiên cả Việt Nam.

Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 3.

Tuy nhiên, theo ifood.tv , nhiều nhà sử học đồng ý rằng cơm chiên có từ thời nhà Tùy (581-618) của Trung Quốc, cụ thể là ở thành phố Dương Châu.

Người mê cơm chiên Dương Châu hẳn không lấy làm bất ngờ. Chỉ lưu ý rằng các nhà sử học chưa tìm ra cơ sở để chắc chắn 100% về khẳng định này.

Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 4.

The Daily China cho biết kỹ thuật chế biến cơm chiên chỉ trở nên phổ biến vào cuối triều đại nhà Minh (1368-1644).

Theo trang recipes.net , làn sóng di cư mang ẩm thực truyền thống của Trung Quốc, bao gồm cả cơm chiên, đến mọi ngóc ngách trên thế giới.

Món này nhanh chóng trở nên phổ biến ở các nước châu Á khác như Thái Lan, Indonesia và Philippines, trước khi lan sang phương Tây, và theo chân những người Trung Quốc nhập cư vào Mỹ, Canada trong thế kỷ 19.

Đặc biệt sau cơn sốt vàng ở Mỹ vào những năm 1850, công nhân Trung Quốc thường được tuyển vào các lĩnh vực có thu nhập thấp như nông nghiệp, nhà máy, khai thác mỏ và xây dựng đường sắt.

Để đỡ nhớ quê hương, họ thường nấu những món ăn truyền thống, trong đó cơm chiên là phương án tiết kiệm thường được lựa chọn.

Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 5.
Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 6.

Đành rằng cơm chiên dễ nấu và không tốn hàng tiếng đồng hồ như nhiều món khác, nhưng đối với thời đại ngày nay, ít phút loay hoay trong bếp vẫn là một cực hình với những cái bụng đói bất chợt không muốn làm gì, đừng nói là vào bếp, đi ăn tiệm, hay đặt đồ ăn về nhà.

Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 7.

Năm 2018, một túi cơm chiên đông lạnh như thế có lẽ vẫn là ý tưởng khá mới mẻ.

Khi đang học ở Tokyo, Krista Rogers, một cây bút người Mỹ của trang mạng Sora News 24, đã thử món này với tất cả lòng nghi ngại, để rồi ngỡ ngàng vì nó... quá ngon.

Với Rogers, cơm chiên ăn liền chỉ là lựa chọn cho những khi quá bận, không có thời gian nấu ăn hoặc không muốn ra ngoài.

Hương vị cũng chỉ thứ yếu so với yếu tố tiện lợi, có gì đó bỏ miệng là được. Không mong đợi nhiều, nhưng ăn rồi Rogers phải thốt lên rằng sản phẩm này "ngon trời thần" và tự thấy xấu hổ vì đã đánh giá thấp nó.

"Nếu phải so sánh độ ngon của nó với thứ gì đó, thì nó có vị giống như cơm chiên nóng hổi, vừa thổi vừa ăn mà bạn gọi ở nhà hàng" - cô viết.

Chưa kể, so về giá cả, một đĩa cơm chiên nghi ngút khói ở nhà hàng thời đó có giá khoảng 600 yên (5,35 USD), trong khi túi cơm chiên Nichirei được bày bán ở siêu thị với giá chỉ 299 yên.

Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 8.

Với Rogers, sau lần thử đầu tiên, túi cơm chiên đông lạnh trở thành món ăn yêu thích của cô. Mỗi lần thưởng thức, Rogers vẫn phải tự hỏi bản thân: "Đây thật sự là thực phẩm đông lạnh sao?".

Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 9.

Túi cơm chiên đông lạnh hiệu WILDish của công ty thực phẩm Maruha Nichiro (Nhật Bản). Ảnh: @idomizu

Bên cạnh những yếu tố đã kể, theo The Korea Daily, dạng đông lạnh là một hình thức tiện lợi để các công ty thực phẩm có thể biến tấu hương vị của cơm chiên sao cho đáp ứng từng phân khúc khách hàng mà họ hướng đến.

Các nhà sản xuất tha hồ bổ sung các hương vị đa dạng, giúp làm tăng đáng kể mức độ phổ biến của món ăn này.

Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 10.

Nhưng vui thôi đừng vui quá. Năm ngoái, một video lan truyền rộng rãi trên mạng bày cách chế biến cơm chiên với bánh Oreo.

Các bước chỉ đơn giản là cho dầu vào chảo nóng, bỏ bánh Oreo vào vừa xào vừa giã nhuyễn, sau đó cho cơm, rau củ và nước tương vào chiên như thông thường.

Sau khi đăng tải, video này bị chỉ trích dữ dội và bị xem như một sản phẩm nữa cố "tạo trend" ăn uống độc hại.

Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 11.

Theo Washington Post, làn sóng 1 triệu người Trung Quốc di cư đến Nam Mỹ trong giai đoạn 1847-1874 đã đưa món cơm chiên du nhập vào Peru.

Patricia Palma, chuyên gia về lịch sử Peru và cộng đồng người Hoa ở Peru tại Đại học Tarapacá ở Chile, cho biết khoảng 100.000 người trong làn sóng trên đã cập bến Peru.

Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 12.

Chaufa với hạt quinoa. Ảnh: beyondmeresustenance.com

Họ làm việc trong điều kiện bán nô lệ để đổi lấy lương thực, gạo, rau và thịt khô. Không có lựa chọn nào khác ngoài những nguyên liệu này, họ đã tạo nên cơm chiên Trung Quốc phiên bản Peru, có tên là chaufa.

Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 13.

Khâu chuẩn bị dễ dàng kèm theo tính linh hoạt là một phần lý do khiến chaufa ghi dấu ấn trong truyền thống ẩm thực của Peru.

Không phủ nhận nguồn gốc của món ăn, nhưng người Peru xem chaufa là món quốc hồn quốc túy, đặc sắc Peru, đủ sức để đại diện cho ẩm thực bản quán.

Cùng với ceviche, một dạng "cocktail" hải sản tươi sống, "chaufa là một trong những món ăn tiêu biểu nhất của Peru", theo Mauricio Chirinos, bếp trưởng người Peru đang làm việc cho nhà hàng Pisco y Nazca ở thủ đô Washington, D.C. (Mỹ).

Chirinos chỉ ra điểm khác biệt của chaufa: cơm chiên ở Mỹ thường dùng đậu hòa lan và cà rốt xắt nhỏ, nhưng "chúng tôi không bao giờ dùng những nguyên liệu đó".

Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 14.

Khi mở nhà hàng Peruvian Express, cũng ở Washington D.C., hai anh em Julio và Fernando Postigo (người Bolivia) muốn đưa vào thực đơn "một món gì đó đậm chất Peru, một món tiêu biểu trong tinh hoa ẩm thực Peru nhưng lại không quá phức tạp, mất thì giờ chuẩn bị".

Lựa chọn cuối cùng của họ, không cần phải nói, là chaufa. Và nó luôn là món bán chạy nhất của nhà hàng, như họ hào hứng khoe với Washington Post.

Cơm chiên đi khắp muôn phương, không ngừng biến tấu - Ảnh 15.
PHAN BẢO
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên