13/04/2007 06:02 GMT+7

Coi lại việc giáo dục cái tâm cho người thầy

Nguyen Thu (thucan20@...)
Nguyen Thu (thucan20@...)

TT- LTS: Hơn 100 cuộc gọi và email tiếp tục gửi đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ để bày tỏ thái độ bức xúc trước hậu quả mà những người được xem là “thầy”, là “cán bộ công an xã” gây ra cho bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm. Trong đó có nhiều ý kiến đề nghị xem lại việc giáo dục cái tâm cho người thầy, xem lại công tác truyền thông giáo dục…

34YNIfGo.jpgPhóng toSự phát triển về thể chất, tinh thần và nhân cách của học sinh phụ thuộc rất nhiều vào sự dạy dỗ của thầy cô khi các em còn bé. Trong ảnh: các em học sinh Trường tiểu học An Lạc 3 (Q.Bình Tân, TP.HCM) vui chơi trong giờ ra chơi tại sân trường (ảnh chụp ngày 9-3-2007) - Ảnh: Minh Đức

Giám đốc Sở Giáo dục xin lỗi gia đình nữ sinh bị hỏi cung

Trách nhiệm và lương tâm Vụ lấy lời khai học sinh 10 tuổi ở Đồng Tháp: Sẽ kỷ luật hiệu trưởngHọc sinh hoảng loạn vì “nghi án” 47.800 đồngKhông thể hành xử thô bạo và phản giáo dục với trẻ thơ!

Từ chuyện đau lòng của bé Trâm, tôi nghĩ ngành giáo dục phải coi lại việc giáo dục cái tâm cho những người được xã hội tôn vinh là thầy. Có thể nói chưa bao giờ đạo đức của người thầy “có vấn đề” như hiện nay.

Đó là việc hiệu trưởng o ép cấp dưới, nhận tiền để chạy trường như ở Trường Lê Quý Đôn (TP.HCM), là việc thầy giáo muốn dùng tình để đổi điểm ở trường phát thanh... và giờ đây là sự việc của bé Trâm.

Những người gây ra hậu quả cho bé Trâm bị xử phạt là đáng tội họ, nhưng còn trách nhiệm về hậu quả mà họ đã gây ra cho cô bé 10 tuổi này thì sao? Còn đâu là niềm vui đến trường, còn đâu là hình ảnh người thầy trong lòng bé? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc hoen ố tuổi thơ của bé và ai sẽ có trách nhiệm nếu bé không còn dám đến trường dẫn đến tương lai biến mất?

Tình thương và trách nhiệm

Chuyện mất mát tiền trong lớp không phải là cá biệt. Tôi cũng có một kỷ niệm đáng nhớ về chuyện này, xin kể ra đây cho mọi người thấy sự thiếu kỹ năng sư phạm và tâm lý giáo dục của các thầy cô em Ngọc Trâm:

Năm tôi học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ), trong lớp tôi cũng bị mất tiền quĩ. Bạn thủ quĩ khóc như mưa. Cô giáo hướng dẫn (bây giờ là giáo viên chủ nhiệm) bảo tất cả học sinh trong lớp mỗi em lấy một tờ giấy, viết thật những gì mình biết về số tiền. Bạn nào có lỡ lấy cũng cứ nhận, chuyện này sẽ không ai biết vì tờ giấy không đề tên.

Bạn nào lỡ dại... cứ để gói tiền trong hộc bàn của cô. Giờ ra chơi, cô giáo kêu chúng tôi xuống sân trường nếu không có “nhiệm vụ gì” trên lớp.Và thật bất ngờ, vào học trở lại chúng tôi được cô cho biết tiền quĩ lớp đã tìm thấy được trong hộc bàn của cô. Cả lớp đều vui vẻ, học tiếp, chẳng ai thắc mắc ai đã lấy số tiền đó, nhưng với cách làm của cô giáo chắc chắn bạn nào lỡ dại... phải rất ân hận và tự nhìn lại mình.

Các thầy cô em Trâm không thể không biết “phân nửa” câu khẩu hiệu do bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát động cho niên khóa 2006-2007 là “Tình thương, trách nhiệm”?

Quyền trẻ em, quyền con người

Chuyện của bé Trâm ở Đồng Tháp không chỉ gây phẫn nộ mà còn gây ngạc nhiên về trình độ của dân ta. Nghe câu chuyện ta có thể nghĩ rằng nó xảy ra ở một khu rừng nào đó vào thế kỷ 18-19. Do yếu kém mà một chuyện giáo dục nhỏ xíu bị biến thành câu chuyện hình sự, trong đó người lớn lấy sức mạnh của quyền lực tra tấn trẻ em. Chuyện có thể tránh được nếu thầy Xem và ông công an không phải là anh em. Lại một biểu hiện lạc hậu khác của tệ “gia đình trị”.

Huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đâu phải là nơi xa xôi, hẻo lánh gì. Nếu ở đây trình độ quản lý và giáo dục con người tới đó thì nguy cho con em chúng ta lắm. Cho các cháu đi học, đi sinh hoạt không khác nào giao trứng cho ác!

Câu chuyện đau lòng về bé Trâm xảy ra liên quan tới hệ thống giáo dục, an ninh, Đoàn thanh niên, và cả Ủy ban Dân số - giáo dục & trẻ em đã chưa làm tốt công tác truyền thông giáo dục của mình. Qua đây nên rà soát lại trình độ hiểu biết và nhân bản của cán bộ các ngành liên quan đến trẻ em nói riêng và con người nói chung.

Vết thương tâm lý không dễ gì lành được!

Tôi đã có lần từng rơi vào tình cảnh gần như bé Trâm khi chỉ mới hơn 10 tuổi nên tôi hiểu vết thương tâm lý không dễ gì lành được, dù đã hơn 20 năm trôi qua. Ngày đó tôi đi sinh hoạt lớp văn học trên thư viện ở Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội. Tại phòng cho mượn sách của thư viện, tôi bị nghi lấy cắp cái ví của chị Th. (nhân viên phòng cho mượn sách).

Tôi bị một anh làm ở thư viện đưa vào một phòng bé tí và truy hỏi khiến tôi sợ run bần bật. Tôi nhớ mình đã vô cùng hốt hoảng và khóc rất nhiều. Tôi cố gắng nhớ lại các chi tiết và trình bày thật thà hết nhưng suốt mấy giờ liền anh ta cứ khăng khăng là chỉ có tôi cầm cái ví lên xem và sau đó bị mất, rồi khám không thấy tức là đã giấu đi đâu, phải thành khẩn khai nhận và chỉ chỗ giấu cái ví... Cuối cùng khi không có kết quả nào khác thì tôi cũng được cho ra về.

Bây giờ khi viết những dòng này, tâm trí tôi vẫn hiện ra mồn một câu chuyện lúc đó cùng với nỗi hoảng sợ khi mình không lấy cắp mà không biết làm sao để chứng minh được hơn nữa với người tra hỏi mình. Từ câu chuyện của mình, tôi xin chia sẻ với hoàn cảnh của bé Ngọc Trâm và gia đình bé hiện nay.

Bé Trâm được hỗ trợ điều trị thêm về tâm lý

Sáng 12-4, chúng tôi cùng chị Nguyễn Thị Nga - mẹ bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm - đã đưa bé đến đơn vị tâm lý, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 để được các chuyên gia tâm lý hỗ trợ điều trị thêm.

BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang - người trực tiếp điều trị tâm lý cho bé Trâm - cho biết về tâm lý, tình trạng của bé Trâm là tình trạng cấp cứu tâm lý. Cấp cứu tâm lý phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Theo bác sĩ Quỳnh Trang, hiện bé Trâm có thái độ từ chối tiếp xúc với người xung quanh (mới có cảm giác an toàn); có hành vị tự hủy hoại (cắn bản thân, đánh người khác... để giải tỏa ấm ức trong lòng), có tình trạng câm nín đột ngột (không nói năng) do stress nặng; rối loạn ăn uống và tiểu tiện (nhẹ).

Việc hồi phục của bé Trâm còn phụ thuộc tình trạng bệnh; thời điểm đưa bé đến nhà tâm lý; và sự hợp tác của cha mẹ với nhân viên y tế. Hiện cha mẹ bé Trâm hợp tác rất tốt.

Điều quan trọng nhất đối với bé lúc này là cần có một môi trường an toàn. Môi trường an toàn là môi trường có sự đồng cảm, gần gũi, thương yêu, tôn trọng, có đồ chơi, có liên hệ với “thế giới” xưa nay của bé và bé phải luôn được người thân giải thích, thông báo, chuẩn bị tâm lý trước khi làm một việc gì liên quan đến bé...

Cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc - phó giám đốc BV Đại học Y dược TP.HCM - cho biết BV đã mời bác sĩ Đào Trần Thái - chủ nhiệm bộ môn tâm thần, Đại học Y dược TP.HCM và bác sĩ Lê Minh - bộ môn thần kinh của trường, sẽ cùng khám và hội chẩn cho bé Trâm tại BV Đại học Y dược vào 9g sáng nay 13-4.

Chị Nga cho biết hai ngày nay bé Trâm đã chịu ăn cơm, hủ tiếu... được gần một chén. Tuy nhiên vẫn phải dỗ và đút bé mới chịu ăn. Ban ngày bé Trâm vẫn thường xuyên hét váng lên, vẫn lấy tay đánh mẹ mỗi khi mẹ lại gần.

Còn ban đêm thỉnh thoảng bé lại choàng tỉnh la hét, kêu khóc. Khi vào phòng gặp bác sĩ tâm lý chị thấy cháu có biểu hiện được an toàn hơn, hành vi bực bội ít hơn... Tuy nhiên, hai ngày nay cháu lại có biểu hiện kỳ cục khác là kéo quần rồi vỗ mông đen đét (ngày hai ba lần).

Nguyen Thu (thucan20@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên