![]() |
Thượng tá Phạm Văn Bình - Ảnh M.Q. |
![]() |
Tràng lợn thối chuẩn bị vận chuyển ra sân bay Nội Bài đưa vào Nam bị C49 bắt giữ Ảnh: M.Q. |
Đó là nhận định của thượng tá Phạm Văn Bình, phó trưởng Phòng phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm về y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm Cục Cảnh sát môi trường. Ông Bình cho biết:
- Qua một thời gian rất ngắn thực hiện tháng cao điểm phòng chống tội phạm, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) và công an các địa phương đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, số lượng lên đến hàng chục tấn. Trong đó có những vụ vận chuyển gà, chim cút, trứng chim cút... bốc mùi hôi thối, không có kiểm dịch thực phẩm. Ngay cả sản phẩm bánh kẹo có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng không đảm bảo chất lượng, C49 cũng bắt giữ số lượng lớn được đưa từ Móng Cái (Quảng Ninh) về Hà Nội... Đó là chưa kể những vụ việc do lực lượng công an các địa phương phát hiện.
* Thưa ông, những sản phẩm thực phẩm không đủ tiêu chuẩn thường được bán đến địa chỉ nào?
- Qua các vụ việc đã bắt giữ cho thấy hàng hóa thực phẩm này đều được đưa đến các nhà hàng, các chợ. Cụ thể, chúng tôi đã bắt giữ một vụ vận chuyển, buôn bán gần 1 tấn tràng lợn thối, các vỏ bao đều ghi chữ Trung Quốc. Các đối tượng bị bắt giữ khai nhận sản phẩm được thu mua ở các tỉnh đang có dịch về lợn. Họ thu gom lại và đóng thùng đưa ra sân bay Nội Bài mang vào bán tại các tỉnh phía Nam, chủ yếu đưa thẳng đến các nhà hàng.
* C49 có kiểm tra tại các siêu thị không? Thời gian gần đây có thông tin về một số siêu thị bày bán sản phẩm thực phẩm có mùi, có thể không đảm bảo chất lượng?
- Ở các siêu thị chúng tôi chưa xác định được có hay không chuyện đưa sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc kém chất lượng vào bày bán. Hiện chúng tôi tập trung vào các thực phẩm có giá trị cao, ví dụ thịt bò nhập khẩu. Nói thật là cảnh sát môi trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra các loại hàng cao cấp, vì các tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đầy đủ nên đánh giá các mặt hàng nào đạt tiêu chuẩn còn khó khăn. Khi đánh giá sản phẩm, chúng tôi đều phải phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm định chứ không trực tiếp làm được. Ví dụ vụ bắt giữ buôn bán mực khô không đủ tiêu chuẩn, khi các cơ quan chức năng giám định chỉ kết luận không đảm bảo chất lượng mực khô theo tiêu chuẩn Việt Nam chứ không xác định có phải mực giả, mực cao su hay không.
* Theo ông, người tiêu dùng cần làm gì để phát hiện các sản phẩm kém chất lượng?
- Đối với người dân, để thật sự xác định rõ thực phẩm an toàn không phải dễ dàng. Trước hết, ở các chợ, người dân cần mua các sản phẩm phẩm bày bán được đóng dấu kiểm dịch thú y. Tất cả sản phẩm không được đóng dấu, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất, hạn sử dụng, cấu tạo thành phần, hướng dẫn sử dụng... thì phải lưu tâm, kiểm tra trước khi mua hàng. Thực tế cảnh sát môi trường chỉ phát hiện được các vụ lớn, vận chuyển, còn khi sản phẩm đã ra chợ thì rất khó kiểm soát. Cơ quan công an cũng không xác định được gà đã làm thịt rồi thì con nào là gà Trung Quốc, con nào là gà Việt Nam. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan thú y, ban quản lý các chợ và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo có sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Công tác này phải thực hiện thường xuyên và chú trọng hơn vào dịp tết, khi lượng thực phẩm tập kết càng nhiều hơn.
C49 nhận định việc thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được đưa vào thị trường tương đối nhiều, nhất là thời gian cận tết. Các đường dây đưa thực phẩm vào Việt Nam chủ yếu đi theo hai tuyến: từ Móng Cái về Hà Nội, từ Lạng Sơn về Hà Nội. C49 cũng nắm được thông tin có việc vận chuyển thực phẩm dạng này qua đường sắt, đường thủy, đơn vị đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận