04/07/2008 09:25 GMT+7

Coi chừng rượu "quốc lủi"!

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TT - Thời gian gần đây, một số người ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đã tử vong vì ngộ độc rượu. Hầu hết những người thiệt mạng đều dùng rượu được làm từ các lò tự phát (dân nhậu thường gọi là rượu "quốc lủi"). Rượu "quốc lủi" đã được các lò pha chế như thế nào? Sẽ ớn lạnh khi câu hỏi này được trả lời!

aVnZmc2B.jpgPhóng to
Một lò nấu rượu ở xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, Long An - Ảnh: Trung Cường
TT - Thời gian gần đây, một số người ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đã tử vong vì ngộ độc rượu. Hầu hết những người thiệt mạng đều dùng rượu được làm từ các lò tự phát (dân nhậu thường gọi là rượu "quốc lủi"). Rượu "quốc lủi" đã được các lò pha chế như thế nào? Sẽ ớn lạnh khi câu hỏi này được trả lời!
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Một ngày đầu tháng sáu, theo chân Ba T., một thương lái rượu đã giải nghệ, chúng tôi về nhiều lò nấu rượu ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Năm H., chủ lò chuyên cung ứng rượu cho các thương lái, nói: "Các lò ở đây chủ yếu bán cho thương lái Sài Gòn xuống mua sỉ với giá 10.000đ/lít rượu thường. Còn việc pha cồn thế nào thì...mặc họ”.

Do yêu cầu của thương lái, hoặc do hám lợi, không ít chủ lò rượu đã biến cồn thành rượu.

Đường đi của rượu "quốc lủi"

Chúng tôi cùng Ba T. đến một lò rượu ở xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, Long An. Là người quen, Ba T. bước thẳng vào bếp. Trước lúc kê nồi rượu lên lò lửa, chủ lò cầm một chai đục nhờ Ba T. đổ vào nồi. Ba T. lý giải: "Đổ cồn vào để tăng nồng độ rượu và thu được nhiều rượu hơn". Theo cách này, một nồi (7,5kg nếp) có thể thu được 12-13 lít, cao hơn cách nấu thông thường - chỉ thu được 6,5 lít. Một can rượu 20 lít, sau khi "pha chế" còn được bỏ một viên đường hóa học để có thể khẳng định "100% rượu nấu bằng nếp than nên... ngọt".

Theo tìm hiểu, có hai hình thức đưa rượu lên TP.HCM. Tại các lò rượu lớn, chủ lò trực tiếp mang rượu lên giao cho quán nhậu, điểm phân phối với khối lượng lớn. Còn các lò nhỏ chủ yếu làm hàng đặt, rồi sau đó các thương lái xuống thu gom. Có nhiều điểm phân phối rượu trên địa bàn TP nhưng tập trung nhất là ở góc đường Nguyễn Trãi - Đỗ Ngọc Thạnh (P.14, Q.5). Ở đây có đủ loại rượu từ bình dân đến cao cấp, các loại rượu đế, rượu thuốc từ Nam chí Bắc... đều hiện diện.

Đi chợ mua "nguyên liệu"

Đảo quanh một vòng chợ Kim Biên (Q.5). Chúng tôi hỏi thăm thì được biết có hai loại cồn: cồn thơm và cồn công nghiệp. "Cồn bao nhiêu độ? Phải pha bao nhiêu lít anh?". "98 độ. Muốn pha bao nhiêu thì pha", anh thanh niên bán cồn với tay lấy cái tửu tinh kế trên kệ, nói tiếp: "Mua thêm cái này mà đo".

Người bán còn hướng dẫn chúng tôi chọn mua màu caramen để pha rượu, vì đây là màu "chuẩn" (màu chuối hột, nhàu...) và rẻ nhất (17.000đ/kg). Còn hương liệu thì nhiều loại hương nếp (180.000đ/kg), hương rum (150.000đ/kg), hương whisky (350.000đ/kg)... H., chủ một cửa hàng, đưa cho tôi một tấm card và dặn muốn mua bao nhiêu cũng có, giao hàng tận nơi.

Rời chợ Kim Biên, chúng tôi đến đường Hoàng Xuân Nhị (P.Phú Trung, Q.Tân Phú, gần chợ Trần Văn Quang). Vào một căn nhà, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục thùng phuy xếp hàng dài. Ông chủ dẫn tôi lại một thùng phuy cáu bẩn, giở nắp thùng thì mùi thơm cay nồng xộc lên mũi. Bà chủ tiếp thị: "Muốn bao nhiêu cũng có. Có thể giao ngàn lít cồn mía mỗi ngày". Chúng tôi hỏi nguồn hàng, bà chủ bảo: "Trước kia nhà vừa nấu đường, vừa làm cồn bán. Từ khi bị cấm không làm nữa, chỉ lấy từ nhà bà con ở tỉnh". Hỏi tỉ lệ pha rượu, bà chủ đáp gọn: "Một phần ba" (một cồn, ba nước lã). Theo tìm hiểu, nguồn cồn được lấy chủ yếu từ hai nhà máy đường và nhiều cơ sở nhỏ ở hai huyện Bến Lức, Đức Hòa (Long An).

Chế rượu

Sau khi có đủ "đồ nghề", Ba T. trổ tài "hô biến" nước lã thành rượu trước mắt chúng tôi. Hứng bình 1,25 lít nước máy, hòa 250 ml cồn (tỉ lệ 1/6) vừa mua ở chợ Kim Biên. Đậy nắp, xóc lên xóc xuống chai nước, bình nước sủi bọt. Ba T. rót cho tôi nếm thử. Mùi rượu nồng nặc.

"Chưa hết đâu", Ba T. vừa nói vừa rót một ít màu caramen chế vào chai, nước chuyển màu đỏ quạch. "Đấy mới là rượu!". Đưa tửu tinh kế vào rượu, nồng độ là 20 độ. Chế thêm chút cồn, nồng độ rượu nhích lên 25 độ. Nhưng Ba T. khẳng định: "Chỉ có mấy thằng ác nhân ác đức mới pha nước lã + cồn + hương liệu + màu". Theo Ba T., hầu như thương lái, chủ lò rượu đều pha thêm rượu thiệt vào rượu dỏm. Ba T. giải thích: nồng độ rượu là căn cứ để thương lái định giá rượu. Rượu pha cồn thường có màu trắng đục. Muốn rượu trong, chỉ có cách nhúng đũa vào chai thuốc rầy rồi nhúng lại vào rượu.

Nhằm kiểm tra chất lượng, ngoài hai mẫu rượu mua ở Bến Lức (Long An) và ở đường Nguyễn Trãi (Q.5), chúng tôi mua thêm một mẫu rượu tại một quán nhậu bình dân trên đường Lý Nam Đế (Q.10). Cả ba mẫu rượu được đưa đi xét nghiệm tại Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TP.HCM.

Theo kết quả xét nghiệm, mẫu rượu mua tại đường Nguyễn Trãi có hàm lượng furfurol 0,18mg/lít. Mẫu rượu mua ở một quán vỉa hè trên đường Lý Nam Đế có hàm lượng furfurol 0,36mg/lít. Mẫu rượu mua ở cửa hàng rượu ở ấp 4, xã Mỹ Yên (H.Bến Lức, Long An) có hàm lượng furfurol cao nhất: 1,50mg/lít. Tiêu chuẩn VN qui định rõ furfurol không được có trong rượu. Theo GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TP.HCM, với nồng độ furfurol cao, nhất là khi có trong rượu sẽ gây nhức đầu, hoa mắt, nôn mửa, đau ngực, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Tịch thu hơn 277 lít rượu không rõ nguồn gốc

Nghe đọc nội dung toàn bài:
Wvfu2FkC.jpgPhóng to
Rượu ngâm không rõ nguồn gốc bị quản lý thị trường 1B tịch thu - Ảnh: Ngọc Hậu
TP.HCM - Hơn 277 lít rượu các loại không rõ nguồn gốc đã bị tịch thu, trong đó có 188 lít rượu trắng, 82,5 lít rượu ngâm màu nâu nhạt (chưa rõ ngâm thuốc gì), 6,7 lít rượu ngâm tắc kè, rắn... Ông Trần Văn Huệ, đội trưởng đội quản lý thị trường 1B (Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM), cho biết như vậy sáng 3-7.

Trước đó, ngày 2-7, đội quản lý thị trường 1B đã kiểm tra năm hộ kinh doanh rượu trên đường Bà Lê Chân (P.Tân Định), Nguyễn Thị Minh Khai và Đinh Tiên Hoàng (P.ĐaKao, Q.1). Chỉ riêng hộ kinh doanh ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, đội đã tịch thu 80 lít rượu trắng, 25 lít rượu màu, 6,7 lít rượu ngâm tắc kè, rắn... Tất cả các loại rượu này đều không nhãn mác, không xác định nguồn gốc xuất xứ, không đăng ký chất lượng hàng hóa...

Sở Y tế TP đã đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc do rượu. Theo đó, sẽ kiểm tra, kiểm soát, tịch thu các loại rượu pha, rượu ngâm không nhãn, không rõ nguồn gốc. Sở Y tế cũng đề nghị các đơn vị tăng cường thanh tra, xử phạt ngay những cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, những cơ sở vi phạm các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngọc Hậu

Rượu "dỏm" chứa nhiều chất độc nguy hại

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Một công bố mới đây cho thấy 90% rượu tự nấu có chứa các chất độc hại vượt quá hàm lượng cho phép như aldehyt, methanol, đặc biệt là furfurol. Tác hại của các chất này đối với sức khỏe con người thế nào? BS Trần Văn Ký - phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm phía Nam của Hội Khoa học - kỹ thuật an toàn thực phẩm VN - cho biết:

- Chất lượng rượu có đăng ký, không đăng ký hiện nay đều có nhiều vấn đề. Tiêu chuẩn VN đưa ra dựa trên tiêu chuẩn quốc tế là an toàn cho người tiêu dùng. Nhưng trên thực tế, ngay cả các cơ sở có đăng ký kinh doanh (trừ rượu thương hiệu, rượu nhập) nếu nấu rượu theo công nghệ thông thường, aldehyt cũng đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Muốn đạt tiêu chuẩn, người sản xuất phải dùng công nghệ cao (hoặc phải để lâu) dẫn đến giá thành cao, khó bán. Aldehyt vượt mức cho phép sẽ gây ngộ độc mãn tính thần kinh, run tay chân, đau đầu, giảm trí nhớ...

Furfurol cũng sinh ra trong quá trình sản xuất rượu với công nghệ thấp (công nghệ cao thì triệt tiêu được). Furfurol là chất cực độc gây ung thư nên không được phép có trong thực phẩm. Furfurol còn tác động làm tổn thương hệ thần kinh, gây giảm hoặc mất trí nhớ, tê liệt thần kinh, đau nhức thần kinh...

* Thưa bác sĩ, thay vì dùng gạo, nếp để nấu rượu, nhiều nơi người ta nấu bằng sắn. Để làm trong rượu, người ta cho một vài giọt thuốc trừ sâu...

- Dùng sắn để nấu rượu đã có từ lâu nhưng tạp chất và aldehyt bao giờ cũng cao hơn dùng gạo nên rượu này uống càng nguy. Thuốc trừ sâu là chất cực độc gây chết người và ung thư, cho vào để làm trong rượu là rất nguy hiểm. Đa số người nấu rượu ở nông thôn cho rằng một vài giọt thuốc trừ sâu vô 10 lít thì không ai chết, họ không nghĩ tới chuyện ngộ độc mãn tính lâu dài.

* Rượu trắng, rượu ngâm rắn, bìm bịp... bán rong khắp nơi thì có "vấn đề” gì không?

- Rượu ngâm các con vật phần lớn chỉ là cái xác, bỏ hương liệu, bỏ màu vô thành rượu thuốc, chẳng bổ gì cả. Vì vậy, xin khuyến cáo với người tiêu dùng: rượu chẳng tốt cho ai cả. Nếu dùng rượu phải mua loại có nhãn mác ghi xuất xứ đầy đủ và đã được công bố chất lượng (có số tiếp nhận công bố sản phẩm trên nhãn). Nếu chẳng may xảy ra ngộ độc còn biết xuất xứ để... đòi bồi thường. Không nên mua và uống những loại rượu không rõ nguồn gốc hoặc rượu trắng.

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên