Thông tin từ khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận bé Phạm Minh K. (7 tuổi, ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) bị ngạt khói trong một đám cháy dẫn đến bỏng hô hấp.
Theo gia đình, trong lúc bé một mình ở trong nhà, người mẹ đi chợ về thì thấy nhà đang cháy, ngay sau đó bé được đưa ra khỏi đám cháy và được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Lúc đến bệnh viện, nhìn bên ngoài bệnh nhi vẫn tỉnh táo, môi hồng nhợt, toàn thân có nhiều bụi tro, bác sĩ thăm khám ghi nhận bé ho khan, khàn giọng, có vết bỏng ở mặt ngoài bàn tay trái. Hội chẩn các chuyên khoa và chẩn đoán bệnh nhi viêm phổi hít, ngạt khí CO, bỏng hô hấp, bỏng độ II, III bàn tay trái diện tích bỏng 6%.
Ê kíp cấp cứu xử trí cấp cứu thở oxy để loại khí CO ra khỏi cơ thể nhằm ổn định hô hấp, truyền dịch, giảm đau, sử dụng kháng viêm chống phù nề đường hô hấp…
Tuy nhiên, chỉ sau 30 phút điều trị, tình trạng bé bứt rứt, xuất hiện triệu chứng thở rít, thở co kéo tăng dần, các bác sĩ nhận định có khả năng bệnh nhi bỏng nặng ở đường hô hấp kèm viêm phổi hít phải nội soi rửa phế quản điều trị.
Ngay lập tức ê kíp tiến hành đặt nội khí quản để kiểm soát hô hấp cho bé, đồng thời hội chẩn liên viện và chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị.
Bác sĩ Ông Huy Thanh, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho hay ngay sau khi chuyển lên tuyến trên, bệnh nhi được nội soi rửa phế quản và hiện tại bé đang tiếp tục thở máy, điều trị giảm đau và nuôi ăn đường tĩnh mạch.
Các bác sĩ nhận định do tình trạng bỏng nặng ở đường hô hấp, mặc dù đã được nội soi rửa phế quản, điều trị tích cực nhưng tiên lượng bệnh vẫn còn nặng, tuy nhiên sau quá trình điều trị tích cực tại Bệnh viện nhi đồng 1 TP.HCM, bệnh nhân ổn định và vừa được xuất viện.
Theo các bác sĩ khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, bỏng là một trong những tai nạn thương tích rất thường gặp ở trẻ em. Trong đó nhiều nhất là bỏng nước sôi, lửa, bỏng do tiếp xúc hóa chất, bỏng điện… Đặc biệt bỏng hô hấp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề ở đường hô hấp của trẻ nhỏ.
Người lớn cần đặc biệt lưu ý không khóa cửa để trẻ nhỏ ở nhà một mình, không cho trẻ nhỏ nghịch hay đến gần củi lửa, ổ cắm điện, bếp…
Đồng thời cần hướng dẫn và dạy trẻ kỹ năng thoát khỏi đám cháy: khi phát hiện có khói cháy thì phải hạ thấp người, kiếm khăn ướt che mũi miệng và di chuyển đến cửa để thoát khỏi đám cháy.
Đặc biệt, có những trường hợp trẻ nhỏ bị ngạt khí, bỏng hô hấp sẽ khó phát hiện hơn vì trẻ không có biểu hiện bỏng nặng ở bên ngoài cơ thể, nhưng bị ngạt khí và bỏng hô hấp rất nặng như trường hợp bệnh nhi này. Cần hết sức lưu ý để phát hiện và đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa cấp cứu kịp thời, các bác sĩ cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận