Phân chia cổ vật trục vớt ở Cù Lao Chàm
Phóng to |
Buổi phân chia cổ vật được trục vớt từ tàu đắm trên biển Cù Lao Chàm - Ảnh: L.T. |
Trưng bày và đấu giá Về việc liệu có bán đấu giá những cổ vật có giá trị, ông Hồ Xuân Tịnh nói: “Sở chưa nghĩ đến chuyện bán đấu giá. Vì năm 1999-2000, chúng tôi đã có đợt bán đấu giá về những cổ vật thuộc dòng gốm Chu Đậu rồi, thế nhưng số lượng bán được rất ít”. Ông Phạm Văn Bính, phó giám đốc Bảo tàng Quảng Nam, cho biết thêm: “Trước tiên, chúng tôi dự kiến xử lý lại những cổ vật đã nhận được bằng việc tháo ra, ngâm nước để nhả nước mặn. Sau đó sẽ đánh số thứ tự, lập hồ sơ và đưa ra trưng bày, phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan của công chúng”. Trong khi đó, bà Võ Thị Hạnh Dung - giám đốc Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương - cho biết: “Vì chi phí mà công ty bỏ ra để phục vụ việc trục vớt, khai quật khá lớn - hơn 20 tỉ đồng, nên chúng tôi dự kiến bán đấu giá những cổ vật có giá trị để lấy lại vốn”. |
Ngày 30-5, Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Hồ Xuân Tịnh - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, chủ tịch Hội đồng phân chia cổ vật - để làm rõ hơn vấn đề này.
Theo ông Tịnh, trước đây thủ tục pháp lý về việc phân chia cổ vật trục vớt được chưa có quy định nào cụ thể. Đến ngày 20-2-2013, Văn phòng Chính phủ mới có văn bản về việc phân chia cổ vật trục vớt tại tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam. Văn bản nêu rõ: Xét đề nghị của Bộ VH-TT&DL (ngày 21-1-2013), ý kiến của Bộ Tài chính (ngày 10-3-2010) và UBND tỉnh Quảng Nam (ngày 24-12-2012) về việc phân chia số cổ vật trục vớt tại tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý với phương án phân chia số cổ vật trục vớt như đề nghị của Bộ VH-TT&DL, giao cho UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với bộ và các cơ quan liên quan thực hiện việc phân chia cổ vật theo đúng quy định hiện hành.
Ngoài ra, ngày 23-5-2013, UBND tỉnh Quảng Nam mới có quyết định về việc thành lập Hội đồng phân chia cổ vật trục vớt tại tàu đắm ở Cù Lao Chàm. Đó là lý do đến bây giờ phía Sở VH-TT&DL Quảng Nam và Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương mới tổ chức bốc thăm phân chia cổ vật.
Ông Tịnh cho biết thêm: Việc phân chia 15.934 hiện vật theo tỉ lệ Sở VH-TT&DL Quảng Nam ba phần, Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương bảy phần là hoàn toàn hợp lý. Bên phía Công ty Đoàn Ánh Dương chịu toàn bộ chi phí trục vớt, khai quật; UBND tỉnh chỉ cử người tham gia giám sát và nghiên cứu, nên UBND tỉnh đã thương thảo bên phía công ty, được sự đồng ý của Bộ VH-TT&DL, Bộ Tài chính nên chia theo tỉ lệ này.
“Trước khi diễn ra buổi bốc thăm, năm 2008 sở đã có mời Hội đồng giám định cổ vật quốc gia phân chia các phần cổ vật, mỗi phần có chủng loại tương đương nhau về giá trị văn hóa cũng như giá trị kinh tế. Một thùng cổ vật trong một phần được đánh số, ghi ký hiệu và niêm phong rất kỹ. Vấn đề an ninh được bảo vệ trong suốt quá trình giám định nên không có chuyện gian lận. Tất cả đều phân chia trên sự công bằng” - ông nói.
Phóng to |
Chiếc bát bằng gốm Chu Đậu có niên đại từ thế kỷ 15 - Ảnh: L.T. |
Theo Sở VH-TT&DL Quảng Nam, con tàu này dài 29,40m, được ngư dân vùng biển Hội An phát hiện từ năm 1990, đắm ở độ sâu hơn 70m, cách đảo Cù Lao Chàm khoảng 20km về phía đông. 240.000 hiện vật của tàu này từng được Công ty Saga (Malaysia) và Visal (Việt Nam) trục vớt từ tháng 5-1997 đến tháng 6-1999. Sau đó từ năm 2004-2007, Công ty Đoàn Ánh Dương đã ký hợp đồng với UBND tỉnh Quảng Nam trục vớt những hiện vật còn sót lại trên tàu.
Hiện số cổ vật thuộc quyền sở hữu của Công ty Đoàn Ánh Dương đã được công ty đưa về Bảo tàng Quảng Ngãi để trưng bày. Còn những lô cổ vật thuộc quyền sở hữu của UBND tỉnh sẽ được trưng bày ở Bảo tàng Quảng Nam. Bảo tàng sẽ xây các phòng chuyên đề, trong đó có một phòng về gốm sứ Chu Đậu. Theo Sở VH-TT&DL Quảng Nam, hiện vẫn chưa định giá số cổ vật trục vớt được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận