Tặng cô giáo yêu dấu của em!
Tấm thảm càng đẹp và rực rỡ hơn mỗi độ hè về. Trong ánh nắng chứa chan, những bông sen hồng như những điểm nhấn sinh động trên tấm thảm xanh mát tuyệt vời. Sen bạt ngàn, sen hiện hữu ở mọi nơi tạo cho vùng đất quê tôi một vẻ đẹp thanh bình, thuần khiết.
![]() |
Ảnh minh họa của trang thiệp điện tửTTO |
Nhưng quê hương tôi ngày đó còn nghèo lắm! Cái nghèo dường như thấm vào máu thịt con người quê tôi và cả những đứa trẻ con như tôi. Cái nghèo sinh ra cái ý nghĩ “đi học chẳng làm được gì” và cái ý nghĩ ấy của người lớn cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến chúng tôi. Tôi và anh trai ngày một buổi tới trường, buổi ở nhà đi chăn trâu và hái sen. Tôi không để ý nhiều đến việc học, nói đúng hơn tôi chơi nhiều hơn học.
Thế nhưng tất cả đã thay đổi khi tôi bước vào lớp năm. Đó cũng chính là quãng thời gian tôi được học với cô Giang. Không hiểu sao từ ánh nhìn đầu tiên tôi đã có ấn tượng khá mạnh với cô. Có lẽ vì xưa nay tôi chưa từng được nhìn thấy ai xinh đẹp như cô chăng? Nhưng ấn tượng ban đầu rồi cũng nhanh chóng trôi đi, trẻ con mà! Lúc ấy với tôi dường như giáo viên nào cũng như nhau, mỗi năm một giáo viên mới thế mà tôi có tiến bộ lên được chút nào đâu. Ham chơi, lười học vẫn cứ đâu vào đấy…
Công việc thường nhật mỗi buổi sáng của tôi trước khi đi học là lội ra đồng hái sen đem về để mẹ ra chợ bán. Đây là công việc mà tôi vô cùng yêu thích. Bởi tôi yêu hương thơm của sen buổi sớm, một thứ hương thơm dịu dàng, ngọt ngào hết mực mà cũng đằm thắm, quyến rũ vô cùng. Tuy nhiên, công việc khiến tôi không thể tắm rửa kịp thời trước lúc đến lớp, bởi về đến nhà thay quần áo xong là phải đi học ngay để kịp giờ. Bình thường tôi vẫn đi học với bộ dạng như thế. Hôm ấy là ngày thứ hai đầu tuần – ngày đầu tiên cô Giang vào dạy lớp tôi.
Chỗ ngồi của tôi sát cạnh bàn giáo viên, đó là điều rất đỗi bình thường. Nhưng hôm ấy, tôi vừa ngồi vào bàn được một lúc thì thình lình tiếng cô giáo mới thất thanh trên bàn giáo viên: “ Lớp mình có mùi gì tanh tanh vậy nhỉ? Khó ngửi quá!. Cả lớp im re một lúc rồi chợt cười ồ lên, nhốn nháo. Tôi ngồi bàn đầu, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tiếng cười càng ngày càng rộ lên, nhiều đứa còn tỏ ra đắc chí. Con Linh hét lên:
- Con T lớp mình đấy cô ạ! Ngày nào chả hôi hám. Nói rồi nó lại cười như nắc nẻ.
Thằng Hoàng lại chen vào:
- Đúng là đồ chuột thối! Bẩn thỉu!”. Cả lớp được một trận cười ngặt nghẽo.
Mặt tôi nóng bừng rồi chuyển sang tím tái lúc nào không hay. Tôi khóc, nước mắt nghẹn ngào. Chưa bao giờ! Phải! Chưa bao giờ trong đời tôi phải xấu hổ và nhục nhã đến vậy. Tôi đã làm gì sai cơ chứ? Nước mắt tôi giàn giụa, những tiếng nấc nghẹn đắng.
Tôi nhìn lên cô giáo mới bằng đôi mắt đỏ ngầu, tức giận. Và rồi chẳng nói chẳng rằng, vớ lấy cặp, tôi chạy ra khỏi lớp. Tôi chạy như bay, vừa chạy vừa khóc nức nở: “ Chỉ vì câu nói của cô mà tôi đã trở thành trò cười cho lũ bạn. “ Chẳng lẽ đi hái sen giúp mẹ là sai? ”. “ Vì sao cô lại đối xử với mình như vậy?”. Tuổi thơ bồng bột, tôi không suy nghĩ được nhiều, bởi vậy tôi nhủ thầm: “Mình sẽ không bao giờ đi học nữa, mình sẽ không bao giờ nhìn mặt cô nữa”.
Mấy ngày trôi qua, giấu bố mẹ nói là đi học nhưng thực chất tôi bỏ học ra đồng sen ngồi. Hương sen thơm bình thường khiến tôi sung sướng thì giờ nó lại khiến tôi chạnh lòng. Trong đầu tôi tự nhiên xuất hiện những câu hỏi không sao lí giải được: “Sao sen trong bùn vẫn cứ thơm, còn mình mới đụng tới bùn đã dơ dáy?”. Tôi hỏi sen nhưng sen không trả lời, những câu hỏi chìm vào khoảng không tĩnh lặng…
Chiều nào tôi cũng cùng anh trai xuống bãi cỏ sau thôn lấy phân trâu. Đó là công việc không hề đơn giản, nhưng với đứa trẻ đã ba năm kinh nghiệm làm công việc này như tôi chuyện ấy chẳng có gì khó khăn. Một chiều như thường lệ, tôi ra đồng lấy phân. Đang háo hức vì hôm qua có nhiều phân quá, chợt xa xa tôi thấy thấp thoáng bóng ai quen quen cũng đang lom khom cúi nhặt phân.
Trời ơi! Tôi không thể tin vào mắt mình nữa, đó là cô Giang. Cứ nghĩ mình đang nằm mơ, tôi dụi mắt đến đỏ hoe nhưng sự thực là cô Giang đang nhặt phân giống tôi. Tôi như người mất hồn. Bao nhiêu ý nghĩ cứ xoay đi xoay lại trong đầu làm tôi choáng váng. “ Cô Giang sao lại làm công việc này? Chẳng phải cô sợ mùi tanh lắm hay sao?”. Bao nhiêu câu hỏi “ Vì sao” cứ quấn lấy làm tôi không thể nhận ra cô đã đến bên mình tự lúc nào.
- T à! Em ngoan quá! Mới từng này tuổi đã biết giúp mẹ biết bao nhiêu là việc.
Đứng như trời trồng, tôi mếu máo: “ Cô…cô… Cô ghét em mà! Hu…hu…hu.
Cô Giang cúi xuống cạnh tôi, cũng khóc, vừa khóc vừa lau nước mắt cho tôi.
- Cô xin lỗi! Cô thật sự xin lỗi! Vì cô đang mang em bé trong bụng, mà em biết đấy, em bé hay quấy nhiễu lắm thế nên lúc đầu cô không ngửi được mùi tanh. Nhưng giờ thì ổn rồi, em đừng lo”.
Cô lại mỉm cười, nụ cười thật hiền hậu, ấm áp. Rồi cô lấy vạt áo mình nhẹ nhàng lau nước mắt cho tôi.
- Ngày mai T đi học nhé! Mấy lần cô đến nhà nhưng đều không gặp, may mà hôm nay gặp được em.
Cô vừa nói vừa xách giỏ phân và dắt tôi về nhà. Tôi như người mộng du đến nỗi về đến nhà bao giờ không hay. Lòng tôi quay cuồng không biết chuyện gì đang diễn ra. Những hình ảnh về cô Giang chiều hôm ấy cứ ẩn hiện trong đầu làm tôi không yên. Cuối cùng tôi cũng đánh bạo hỏi mẹ.
Sự thật làm tôi sững sờ, choáng váng. Thì ra cô đang có mang. Tuy không biết rõ khi có em bé sẽ như thế nào, nhưng tôi biết khi mẹ mang thai em trai tôi, mẹ cũng hay mệt mỏi và cáu gắt lắm. “Chắc là cô Giang cũng khổ sở không kém” – tôi nghĩ thầm. Cô Giang cũng có hoàn cảnh rất đáng thương. Là con gái thành phố với tương lai rực rỡ, nhưng cô Giang lại yêu say đắm chông cô - vốn là một kỹ sư nông nghiệp nghèo quê tôi. Điều ấy đã bị gia đình cô ngăn cấm. Nhưng vượt lên mọi định kiến,với tình yêu thuỷ chung, mãnh liệt cô đã quyết định từ bỏ cuộc sống sung sướng để cùng chồng lên đây lập nghiệp.
Vì là con gái thành phố, lại đang mang thai nên chuyện khó thích nghi với môi trường mới, đặc biệt là vùng đất nghèo quê tôi là điều bình thường. Thế mà tôi lại trách cô, lại có những hành động không tôn trọng, lại căm tức cô nữa chứ. Cô đã vì tôi, vì những học sinh của mình mà đi lấy phân; phần vì để quen dần với cuộc sống vùng quê, phần để quen dần mùi tanh của học sinh vùng quê. Cô thật cao cả và vĩ đại làm sao! Không những không trách mắng, cô còn bao dung, mở rộng lòng mình tha thứ cho tôi. Tôi hối hận vô cùng.
Thì ra tôi đã trở thành một học sinh hư, không những không giúp được cô lại còn hiểu nhầm cô, làm cô phải phiền lòng. Những câu nói của cô làm tôi day dứt vô cùng. Tôi quyết tâm phải đi học để xin lỗi cô và chuộc lại lỗi lầm, mang đến cho cô nhiều nụ cười hơn. Còn bằng cách nào thì tôi chưa biết.
Ngày tháng cũng dần trôi qua, tôi dần hiểu ra một điều: Nụ cười của cô sẽ nhiều hơn, rạng rỡ hơn nếu học trò ngoan ngoãn, chăm chỉ, học giỏi. Chính điều đó đã làm động lực thúc đẩy tôi chăm chỉ học tập thật tốt. Một đứa trẻ bướng bỉnh, lười học ham chơi ngày nào đã thay đổi. Càng cố gắng học tôi càng thích học và càng tiến bộ hơn.
Cô đã dạy cho tôi biết : “ Vì sao sen thơm trong bùn”. Trong bùn dơ, sen vẫn kiêu hãnh khoe sắc toả hương, bởi sen không khuất phục hoàn cảnh mà ngược lại còn vượt lên thử thách, khắc nghiệt để mang hương thơm toả ngát cho đời. Cô đã dạy cho chúng tôi một bài học quý giá: “ Con người cũng như sen, nếu biết vượt lên hoàn cảnh sẽ gặt hái được thành công. Khó khăn, vất vả không quan trọng, quan trọng chính là ý chí và nghị lực của bản thân”.
Tôi giờ đã không còn là cô bé lớp năm thuở nào. Tôi đã trưởng thành và chín chắn hơn rất nhiều. Nhưng mỗi lần nhớ về cô Giang, trái tim tôi lại thổn thức, tôi dường như nhỏ lại như những ngày còn thơ. Hình ảnh, khuôn mặt, giọng nói và cả nụ cười của cô Giang sẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng tôi. Tôi sẽ khắc sâu những bài học giản dị của cô, bởi chính những bài học ấy là hành trang quý báu giúp tôi bước vào đời.
Sau bao nhiêu nỗ lực phấn đấu, giờ tôi đã trở thành sinh viên một trường đại học danh tiếng. Nhưng tôi biết, những thành công của tôi hôm nay có một phần không nhỏ công lao của cô. Tôi sẽ cố gắng làm một bông sen, dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất vẫn toả ngát hương thơm để có thể tự tin nói rằng: “ Cảm ơn cô vì tất cả!”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận