21/05/2015 09:18 GMT+7

Có tiền sẽ mua được nhà máy điện hạt nhân, song...

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - “Có tiền sẽ mua được nhà máy, song không dễ gì mua được đội ngũ có thể đạt đến “khối lượng tới hạn” trước khi vững bước tiến lên quỹ đạo điện hạt nhân”.

GS.TS Phạm Duy Hiển, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành về hạt nhân của Việt Nam, đã nhận định như thế trong cuốn sách An toàn điện hạt nhân vừa ra mắt vào giữa tháng 5.

Quan điểm của tác giả là không nên trả lời điện hạt nhân an toàn hay không an toàn mà hãy để khái niệm này ở dạng mở. Thế nên, đi từ những chương cơ bản nhất về vật lý hạt nhân, cuốn sách dày 460 trang này được GS Hiển bắt đầu mạch logic từ chương bốn khi bàn đến cấu trúc lò phản ứng năng lượng và cơ chế vật lý dẫn đến tai nạn điện hạt nhân cũng như hậu quả thoát chất phóng xạ ra môi trường, để từ đó phân tích an toàn điện hạt nhân.

Đặc biệt, khi đi sâu vào nghiên cứu ba tai nạn Three Mile Island, Chernobyl và Fukushima cũng như nói về hậu Fukushima, GS Hiển đã mở ra những bài học quý tựa như một mũi tên chỉ đường cho các nước đi sau hiện đang muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhưng thường ảo tưởng để rồi lúng túng, không biết xây dựng đội ngũ chuyên gia điện hạt nhân từ số không bằng cách nào. 

Theo GS Hiển, tựu trung lại vẫn là văn hóa an toàn của cả hệ thống và tính chuyên nghiệp của đội ngũ.

“Công nghệ và thiết bị rất quan trọng, song yếu tố con người bao gồm đội ngũ vận hành, quản lý, hệ thống pháp lý và văn hóa an toàn luôn đóng vai trò quyết định. An toàn điện hạt nhân không hề được cài đặt sẵn trong công nghệ mà chỉ nên xem là thành tích của đội ngũ - một tổng kết đầy chí lý của nhóm chuyên gia điện hạt nhân trên The Economist cho thấy việc ỷ lại vào công nghệ mà thiếu đội ngũ chuyên nghiệp chính là gieo mầm cho điện hạt nhân mất an toàn” - GS.TS Phạm Duy Hiển nhấn mạnh.

“Cuốn sách được GS Hiển viết đầy tâm huyết, dày công từ sự đúc kết biết bao kinh nghiệm trong cả quá trình lâu dài ông gắn bó với hạt nhân. Vì thế, đây là cuốn tài liệu vô cùng quý giá với nguồn thông tin có độ chính xác cao, kiến thức tốt, hiểu biết rộng rãi dành cho nhiều đối tượng như sinh viên, nhà quản lý, truyền thông và cả nhà nghiên cứu về lĩnh vực này” - TS Trần Duy Thành, viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nhận xét.

Còn với riêng GS Hiển: “Viết sách là đối thoại với người đọc. Đọc sách là đối thoại với tác giả. Từ những cuộc đối thoại này tri thức khoa học sẽ đến với công chúng”. Và “Tôi viết sách để mời các bạn hớp ngụm đầu tiên từ cốc nước khoa học tự nhiên, bạn trở thành người vô thần, nhưng hãy uống nữa cho đến cạn đáy, Chúa đang đợi bạn ở đó - như cách nói của Werner Heisenberg”.

Cuốn sách An toàn điện hạt nhân được xuất bản với số lượng khiêm tốn: 400 cuốn, trước thực tế hiện nay các sách trình bày cơ sở khoa học về an toàn điện hạt nhân đang rất thiếu, dù rằng nước ta đang có lộ trình để phát triển điện hạt nhân.

Theo giới chuyên môn, cuốn sách khoa học này có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong giảng dạy chuyên ngành hạt nhân ở trường đại học.

Sách do NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật ấn hành - Ảnh: Đức Triết
Sách do NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật ấn hành - Ảnh: Đức Triết
ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên