08/09/2012 06:03 GMT+7

"Có quá ít sử liệu" cho "quyền được hư cấu"

THU HÀ lược thuật
THU HÀ lược thuật

TT - “Lịch sử không phải một con rùa để hết người này lật ngửa đến người kia lật ngửa chỉ để thể hiện cá tính hay bản lĩnh tác giả...”..Phát biểu của nhà văn Lưu Sơn Minh - người duy nhất dưới 40 tuổi đăng đàn cùng các bậc cha chú - tại hội thảo “Sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử” do Hội Nhà văn VN tổ chức trong ngày 7-9 có vẻ gay gắt nhưng được anh dẫn chứng bằng những ví dụ hết sức sinh động: “Tôi không thể quên được cái cách mà người ta đã biến Nguyễn Bặc, Đinh Điền trở thành kẻ bán nước chỉ vì để tôn vinh bà Dương Vân Nga.

Tôi càng không thể chịu nổi khi hình ảnh vị thái sư tài giỏi Lê Văn Thịnh cũng trở thành kẻ bán nước, hay bà thái hậu Thượng Dương hiền lành trở thành kẻ lăng loàn chỉ để làm cho hình ảnh bà Ỷ Lan thêm đẹp. Tôi cắm cúi đọc, tìm tài liệu và cố gắng viết ngược lại những điều đó. Thật đau lòng làm sao khi những con người đã từng bị vu oan trong quá khứ do nằm ở giữa cuộc chiến của âm mưu và toan tính nay lại thêm một lần bị hậu thế bôi đen...

Bao nhiêu người biết những kẻ gian ác trên sân khấu hóa ra lại chỉ là do hư cấu của các tác giả? Nguyễn Bặc, Đinh Điền hay Lê Văn Thịnh vẫn chưa có được một con đường mang tên để ghi lại công trạng với dân với nước... Sự khiên cưỡng và những ấn tượng bị ám thị đã in hằn dấu vết trong lòng người”.

Ngược lại với Lưu Sơn Minh, nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh cho rằng: “Tào Tháo của La Quán Trung và Tào Tháo trong lịch sử thật khác nhau một trời một vực. Nhưng cuối cùng người đọc và lịch sử văn học vẫn chấp nhận vì nhân vật được hư cấu một cách quá xuất sắc. Đối với văn học, quan trọng nhất vẫn là nhà văn viết như thế nào”. Cũng theo Sương Nguyệt Minh: “Có bao nhiêu nhà văn VN viết về chiến tranh là có bấy nhiêu cuộc chiến tranh trong từng tác phẩm của họ. Không thể bắt họ phải tuyệt đối lệ thuộc vào hiện thực lịch sử được. Vì như vậy thì chẳng còn là văn học”.

Những vấn đề tranh cãi của hai nhà văn trên đây không phải là câu chuyện mới của văn học VN, vì nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều - phó chủ tịch hội - trong báo cáo đề dẫn: “Cách tiếp cận một tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử của bạn đọc, của nhà văn, của các nhà lý luận phê bình và của cả những cơ quan quản lý có những vấn đề cần được trao đổi và làm sáng tỏ. Có những tác phẩm đã được nhìn nhận một cách khô cứng đôi khi đầy tính áp đặt đã làm cho những tác phẩm đó trở nên biến dạng khác với tinh thần và ý thức sáng tạo của tác giả”.

Tuy nhiên, một điểm khúc mắc lớn nhất đồng thời cũng là “lỗi kỹ thuật” mà các nhà văn viết về lịch sử hay mắc phải nhất là thiếu sự sinh động về chi tiết do không có trong tay những tư liệu xác thực của lịch sử về sinh hoạt đời thường: y phục của thường dân, triều phục của vua quan, dụng cụ sinh hoạt hằng ngày, nhà cửa, xe cộ... Lịch sử đã không chú ý ghi chép, mà chúng ta cũng hầu như chẳng giữ lại được gì.

Trong bối cảnh đó, lời mời chào cởi mở của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân là một gợi ý hay cho các nhà văn và cả thư viện hội nhà văn, ông Xuân nói: “Tôi có một kho tư liệu về Huế từ thời nhà Tây Sơn đến nay, bất cứ đồng nghiệp nào cần đều có thể đến Huế gặp tôi. Nếu không tiện đi lại, cứ lên trang web cá nhân của tôi, cần gì cứ yêu cầu, tôi xin cung cấp đầy đủ”. Cũng từ câu chuyện tư liệu này, nhà văn thẳng thắn: “Cần có những động thái nghiêm túc trong việc tìm kiếm, lưu trữ và phổ biến những tư liệu lịch sử để các nhà văn và công chúng có thể tiếp cận sự thật gần với nó nhất”.

THU HÀ lược thuật
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên