Hải Phòng những năm gần đây có bước chuyển mình mạnh mẽ, dấu ấn đó có sự chỉ đạo, lãnh đạo của cá nhân Phó thủ tướng Lê Văn Thành khi đảm nhiệm cương vị chủ tịch rồi bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Ông Lê Văn Thành là lãnh đạo dám 'nghĩ xa, làm lớn'
Đây là nhận xét của ông Nguyễn Xuân Bình - nguyên phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Hải Phòng - về Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
Ông Bình cho biết bản thân rất xúc động khi nghe tin Phó thủ tướng Lê Văn Thành qua đời bởi từng là cấp dưới, một người cộng sự và lại vừa là bạn đồng niên gắn bó, có nhiều kỷ niệm trong suốt những ngày công tác bên nhau, khi ông Bình được trung ương luân chuyển về Hải Phòng.
"Đánh giá về anh Thành thì Đảng, Nhà nước và nhân dân đã có đánh giá khi trao cho anh ấy những trọng trách với lòng tin, sự tín nhiệm cùng kỳ vọng về một người cán bộ có tâm, có tầm và có tài. Anh Lê Văn Thành đã xứng đáng với sự tin yêu ấy của Đảng và của nhân dân" - ông Bình bày tỏ.
Dưới góc độ cá nhân, ông Bình cho rằng Phó thủ tướng Lê Văn Thành là một nhà lãnh đạo dám nghĩ xa, làm lớn, luôn quyết liệt và cũng dám chịu trách nhiệm, sâu sát, cụ thể hóa các công việc.
"Tôi tin Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng sẽ còn nhớ mãi về anh với những dấu ấn không phai mờ ở một giai đoạn phát triển đầy bứt phá thời gian qua, dù như anh Thành vẫn thường nói đó là công sức, thành quả chung của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố" - ông Bình nói thêm.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Quyn - nguyên bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng - nhận xét ngắn gọn về Phó thủ tướng Lê Văn Thành là con người hành động, dám nghĩ dám làm và có đóng góp lớn trong quá trình phát triển của Hải Phòng, giai đoạn từ 10 năm trở lại đây.
"Ông Thành là con người quyết đoán trong công việc, là người nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, đã nói là làm và đã làm là phải dứt điểm, hiệu quả" - ông Quyn nhận xét.
Theo ông Quyn, giai đoạn năm 2005-2010, nguồn lực phát triển của Hải Phòng rất thấp, bình quân thu ngân sách của thành phố thời điểm này chỉ đạt 7.000-10.000 tỉ đồng/năm. Đến Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020, ông Thành được tín nhiệm bầu làm bí thư Thành ủy Hải Phòng và thời gian sau đó thành phố có những bước chuyển mình mạnh mẽ về thu ngân sách.
Những năm đầu nhiệm kỳ, thu ngân sách của thành phố đạt 14.000-15.000 tỉ đồng/năm; giai đoạn 2019-2020 đạt 17.000 tỉ đồng; giai đoạn tiếp theo có năm đạt 21.000-23.000 tỉ đồng/năm, góp phần tạo nguồn ngân sách dồi dào để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, từ đó bộ mặt của thành phố ngày càng khang trang, hiện đại hơn.
"Các tuyến đường giao thông kết nối nội thành, ngoại thành của Hải Phòng được xây dựng, nhanh chóng hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ việc đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế, bà con hết sức phấn khởi" - ông Quyn cho hay.
Bức tranh kinh tế của Hải Phòng thay đổi ngoạn mục với quy mô tăng trưởng gấp 2,1 lần năm 2015. Tiềm lực kinh tế được tăng cường với con số tổng thu ngân sách nội địa trong 5 năm 2016 - 2020 đạt trên 120.000 tỉ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn trước đó chỉ ở con số hơn 45.000 tỉ đồng.
Người dân hưởng lợi từ thành quả phát triển
Với nhiều người dân Hải Phòng, nói về Phó thủ tướng Lê Văn Thành, họ cho biết thời điểm khi ông Thành đảm nhiệm cương vị bí thư Thành ủy cũng là lúc nhiều cơ chế, chính sách được cải thiện rõ rệt.
Ông Trần Văn Chọn (72 tuổi, cựu chiến binh trú tại quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng) bộc bạch bản thân không nắm rõ những con số về phát triển của thành phố, nhưng chỉ biết thời điểm ông Lê Văn Thành làm bí thư Thành ủy thì tiền trợ cấp, quà Tết dành cho ông tăng lên nhiều lần.
"Trước kia dịp 27-7 và Tết cổ truyền, chúng tôi chỉ được suất quà từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng/người, nhưng thời ông Thành thì suất quà này đã nâng lên từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người" - ông Chọn chia sẻ.
Từ đó, những thế hệ lãnh đạo sau này của Hải Phòng đều phải cố gắng thực hiện cơ chế chính sách làm sao phải hơn hoặc bằng trước, và hiện nay mỗi suất quà cho đối tượng chính sách, người có công đã lên tới 5-5,5 triệu đồng/người.
Không chỉ có vậy, những con đường làng ngõ xóm cũng được đầu tư cải thiện với nhiều tuyến đường tại vùng thôn quê không chỉ được bê tông cứng hóa mà còn "nâng cấp" trải thảm nhựa, lắp đèn chiếu sáng.
Chị Nguyễn Thị Thảo (29 tuổi, công nhân trú tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng) cho biết thời điểm ông Lê Văn Thành còn làm lãnh đạo Hải Phòng cũng là lúc chương trình miễn học phí 100% cho học sinh các cấp được triển khai và đến nay vẫn được duy trì.
Ngoài ra, chế độ thưởng cho học sinh, giáo viên đạt thành tích cao với số tiền thưởng lên tới nửa tỉ đồng của Hải Phòng cũng là nguồn động lực rất lớn để học sinh rèn luyện, phấn đấu.
"Những gì Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã làm cho Hải Phòng thật sự là nguồn động lực để các thế hệ lãnh đạo sau phải luôn quyết liệt nhằm duy trì đà tăng trưởng của thành phố, đánh thức những tiềm năng và thể hiện vai trò của thành phố cảng trong sự phát triển chung của đất nước" - chị Thảo bày tỏ.
Theo Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành từ trần vào hồi 20h20 ngày 22-8, tại nhà riêng ở số 217 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng sau thời gian lâm bệnh nặng.
Ông Lê Văn Thành (sinh ngày 20-10-1962) vào Đảng ngày 24-6-1997, quê quán tại xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Tại Hải Phòng, ông từng đảm nhiệm các chức vụ giám đốc Công ty Xi măng Hải Phòng, phó chủ tịch rồi chủ tịch UBND thành phố; bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng,...
Trước khi mất, ông Thành là ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XII; Phó thủ tướng Chính phủ từ tháng 4-2021 đến nay.
Lễ viếng, lễ truy điệu và an táng ông Lê Văn Thành sẽ được thông báo sau. Trong ngày 23-8, tại nhà riêng của Phó thủ tướng Lê Văn Thành trên đường Lạch Tray vẫn chưa chính thức phát tang, tuy nhiên công tác chuẩn bị cho tang lễ đang được triển khai. Lực lượng cảnh sát giao thông được huy động để điều phối giao thông khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận