Lãnh đạo GM điều trần trước quốc hội Mỹ về xe lỗi“Bóng hồng” hiếm hoi của ngành ôtô Mỹ
Phóng to |
Các cổ đông đánh giá cao hướng giải quyết khủng hoảng của CEO hãng GM Mary Barra - Ảnh: Bloomberg |
"Tôi cho rằng họ đang làm tốt nhất có thể để giải quyết sự cố. Giám đốc điều hành GM Mary Barra rất ngay thẳng và không thiên vị trong khủng hoảng này", chủ đầu tư Scott Schermerhorn - giám đốc điều hành Công ty Granite Investment Advisors, hiện đang giữ 464.469 cổ phiếu GM, nhận định.
Bà Mary Barra đã xin lỗi vì sự cố bộ phận đánh lửa trong xe gây ra 13 cái chết cho người dùng và hứa sẽ tích cực điều tra vụ việc. Tuần trước bà đã có phiên điều trần trước Quốc hội về việc chậm trễ ra lệnh thu hồi 2,59 triệu xe bị lỗi hồi tháng 2 và tháng 3-2014.
Giữ cổ phiếu vì… Mary Barra
Nhà quản lý quỹ River Road Asset Management Matthew Moran, hiện đang giữ 183.158 cổ phiếu GM, cùng quan điểm: "Khi cổ phiếu đang rớt giá thê thảm thì nhiều khả năng doanh số cũng tụt giảm theo. Nhưng CEO mới của GM đang làm rất tốt và tôi lạc quan về khả năng lèo lái tập đoàn của bà ấy".
Khi khủng hoảng bùng nổ hôm 7-3, cổ phiếu GM đã giảm 7,6% tính đến ngày 4-4, trong khi cổ phiếu Ford Motor tăng 3,3%. Trước đó cổ phiếu này đã tăng 42% nhờ đạt lợi nhuận kỷ lục tại Bắc Mỹ trong năm 2013. 10g05 sáng 7-4 (giờ New York), cổ phiếu GM giảm thêm 0,8%, còn 34,52 USD.
Nhà đầu tư Jordan Smyth - giám đốc điều hành Edgemoor Investment Advisors Inc, đang sở hữu 201.944 cổ phiếu GM, nói: "Bà Barra đang "đặt chuyện giải quyết khủng hoảng lên trên hết. Tôi ấn tượng với cách họ xử lý sự cố. Đó là một tình huống vô cùng khó khăn đối với bất cứ một tân CEO nào (bà Barra mới nhậm chức từ tháng 1-2014)".
"Đã có rất nhiều sự quan tâm dành cho Barra khi bà là người phụ nữ hiếm hoi lãnh đạo một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới", ông khẳng định.
Thách thức ở nước ngoài
Ngoài tình trạng rớt giá cổ phiếu, GM còn phải đối mặt với thách thức ở các thị trường ngoài Mỹ và sự suy giảm trong một số dòng sản phẩm của GM. Nhà sản xuất này đang tìm cách "phá băng" ở châu Âu, nơi họ đã mất hơn 18 tỉ USD kể từ năm 2009, và thanh toán 400 triệu USD liên quan đến tiền tệ Venezuela.
Tại Mỹ, GM phải giảm giá dòng xe bán tải hạng lớn Chevy Silverado vì doanh số trong tháng 3-2014 giảm sút so với model Ram 1500 của Hãng Chrysler, trong khi doanh số dòng xe sang Cadillac trong quý I-2014 cũng giảm 7,3%.
Tuy nhiên, doanh số bán xe GM nói chung tại Mỹ lại vượt quá mong đợi của giới phân tích - tăng 4,1% trong tháng 3-2014. Thậm chí sau đợt bán tháo cổ phiếu gần đây, GM giao dịch ở mức cao hơn các hãng đối thủ trên khía cạnh tỉ suất giá/thu nhập.
Theo dữ liệu Bloomberg, chỉ số này của GM ngày 4-4 đóng cửa ở mức 11, cao hơn Ford 10.4 và Toyota 10. Cả 2 tỉ suất giá/thu nhập và giá/doanh số của GM đều cao hơn 50% so với mức thấp thời hậu phá sản của hãng. Năm 2009, GM đã trải qua thời kỳ phá sản, nhận hỗ trợ từ chính phủ.
Vấn đề ngắn hạn Các nhà đầu tư lấy ví dụ trường hợp của Toyota Motor sau khi thu hồi hơn 10 triệu xe lỗi tăng tốc ngoài ý muốn hồi năm 2009, 2010. Doanh thu Toyota giảm khi thu hồi ngay tại thời điểm kinh tế toàn cầu suy thoái, nhưng kể từ đó chỉ số này đã tăng trở lại và được các nhà phân tích dự báo sẽ đạt doanh số kỷ lục vào năm 2015, theo dữ liệu từ Bloomberg. Tuy vậy, thương hiệu Toyota đã bị tổn thương và trao lại danh hiệu nhà sản xuất ôtô bán chạy nhất thế giới trong năm vào tay GM. Tháng trước, Toyota thừa nhận đã lừa dối người tiêu dùng và đồng ý nộp phạt 1,2 tỉ USD để chấm dứt kiện tụng vì đã che giấu lỗi của xe. |
(Theo Bloomberg)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận