15/09/2023 17:02 GMT+7

Có phải đau mắt đỏ ở người lớn thường nặng hơn trẻ em?

Đây là thắc mắc của nhiều phụ huynh khi họ bị lây bệnh đau mắt đỏ từ con của mình, nhưng con thì bệnh nhẹ, nhanh khỏi, trong khi họ lại lâu khỏi, còn kèm theo sốt, nghẹt mũi...

Thăm khám mắt cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI

Thăm khám mắt cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI

Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp nhất là do vi rút, số ít còn lại do vi khuẩn hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.

Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất ở trẻ em với khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt, sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch nếu không phòng bệnh, điều trị (nếu mắc) đúng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, bác sĩ Tiến cho biết đa phần trẻ bị đau mắt đỏ đến khám tại bệnh viện trong thời gian gần đây đều ở mức độ nhẹ. Sau thăm khám, trẻ được bác sĩ chỉ định toa thuốc về dùng tại nhà, đồng thời khuyến cáo cách vệ sinh, phòng bệnh để tránh lây lan cho người khác.

Hầu hết trẻ nhanh khỏi bệnh, số ít còn bệnh được bác sĩ chuyên khoa mắt của bệnh viện tư vấn từ xa, hoặc trẻ quay lại bệnh viện tái khám.

Trước thắc mắc nhiều người có phải bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em nhanh khỏi và triệu chứng nhẹ hơn người lớn hay không, khi thực tế nhiều phụ huynh, giáo viên bị lây bệnh từ con trẻ nhưng họ lại bệnh nặng hơn, kèm theo các triệu chứng khác như sốt, nghẹt mũi...

Điển hình chị B.D. (42 tuổi, ngụ TP.HCM) là người bị đau mắt đỏ cuối cùng trong gia đình. Chị D. cho biết ba đứa con của mình bị đau mắt đỏ đầu tiên nhưng nhanh khỏi. Chỉ riêng chị D., ngoài đau mắt đỏ kéo dài còn bị sốt nhẹ, nghẹt mũi, đau khớp...

Giải đáp thắc mắc này, bác sĩ Tiến cho hay đa số người lớn, trẻ lớn khi bị đau mắt đỏ thường nhanh khỏi hơn so với trẻ em do sức đề kháng tốt và có ý thức cao trong việc chăm sóc mắt. 

Tuy nhiên, vẫn có số ít người lớn, trẻ lớn bị đau mắt đỏ kéo dài 7-14 ngày, đặc biệt là người mắc bệnh nền (cao huyết áp, đái tháo đường...), người có hệ miễn dịch bị suy giảm thì bệnh dễ chuyển nặng và thời gian mắc kéo dài hơn.

Trong khi đó ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi, thường có thời gian khỏi bệnh chậm hơn ở người lớn, trẻ lớn vì hệ miễn dịch ở lứa tuổi này chưa được hoàn thiện. 

Bên cạnh đó, trẻ chưa nhận thức được đầy đủ các biện pháp phòng lây lan, nên có thói quen dụi tay vào mắt khi ngứa, gây bội nhiễm, tổn thương mắt và kéo dài thời gian bệnh hơn.

Tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid chữa đau mắt đỏ

Về thuốc nhỏ mắt được dùng trong thời gian bị đau mắt đỏ, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc nước cất vô khuẩn để rửa mắt.

Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh chỉ nên dùng khi được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.

Các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo thêm người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không dùng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý dùng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Bị đau mắt đỏ có nên đi bơi, ngủ chung với người mắc?Bị đau mắt đỏ có nên đi bơi, ngủ chung với người mắc?

Bệnh đau mắt đỏ đang lây lan mạnh ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tại Bệnh viện Mắt trung ương (Hà Nội), tuần gần đây nhất ghi nhận 800 ca đau mắt đỏ đến khám. Trung bình 100 bệnh nhân khám thì có khoảng 20 - 30 ca là đau mắt đỏ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên