Phóng to |
Ông Vương Văn Nghĩa - Ảnh: C.MAI |
Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến dưới góc độ luật pháp.
● Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP.HCM):
Cần có công trình nghiên cứu
Nếu cho rằng độ tuổi thành niên là 18 như hiện nay là chưa phù hợp, cần hạ xuống còn 16 thì phải có một cuộc điều tra xã hội học, công trình nghiên cứu thật đầy đủ, kỹ lưỡng về tất cả các mặt y tế, phát triển tâm sinh lý, nhận thức của con người.
Theo tôi, với trình độ nhận thức hiện nay của trẻ em VN, nhất là nhận thức về pháp luật thì trẻ 16 tuổi không thể nào là “người thành niên” được. Vừa qua có một số vụ việc phạm tội giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, tàn bạo do người chưa thành niên thực hiện nhưng chỉ là số ít, xảy ra ở những người cá biệt. Không thể vì những vụ việc cá biệt đó mà thay đổi cả một chế định hình sự áp dụng cho tất cả hàng chục triệu người chưa thành niên khác.
Với các điều kiện về kinh tế, nuôi dưỡng giáo dục trẻ hiện nay thì đa số trẻ 16 tuổi của nước ta vẫn còn đang trong độ tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”. Có thể hiện nay, với trình độ khoa học kỹ thuật, việc học tập của giới trẻ có tiến bộ hơn trước nhưng chưa chắc giới trẻ ngày nay “khôn” hơn trước, có chăng chỉ là sự “khôn lỏi” do học hỏi, nắm bắt nhanh chóng những sáng kiến, phát triển của xã hội.
Việc xác định tuổi thành niên có ý nghĩa rất quan trọng vì liên quan đến nhiều quyền, nghĩa vụ công dân được quy định ở nhiều đạo luật khác nhau. Chẳng hạn như nếu coi người đủ 16 tuổi đã thành niên, người đó sẽ phải thi hành nghĩa vụ công dân với Nhà nước như thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong khi hiện nay, xu thế của thế giới đang lên án nhiều về việc huy động trẻ em (theo quan điểm trẻ em là người dưới 18 tuổi) tham gia quân đội, phục vụ trong lực lượng vũ trang.
● Thẩm phán Vương Văn Nghĩa (Tòa hình sự TAND TP.HCM):
16 tuổi chưa thể là thành niên
Theo quan điểm cá nhân tôi, việc hạ tuổi thành niên xuống 16 tuổi là không có cơ sở. Trẻ 16 tuổi đang học lớp 10, chưa hoàn thành chương trình phổ thông trung học, khó có thể coi là người đã thành niên. Nhất là trong chương trình giáo dục của chúng ta hiện nay, việc giáo dục ý thức pháp luật trong học sinh chưa được quan tâm. Học sinh hoàn thành chương trình phổ thông còn chưa trang bị được cho mình kiến thức pháp luật vừa đủ, nói gì đến học sinh lớp 10.
Hiện nay có thể nói trẻ em, thanh thiếu niên sinh sống tại các thành phố, khu vực đô thị phạm pháp nhiều hơn thanh thiếu niên tại các vùng quê, một phần do trẻ có điều kiện tiếp xúc nhiều với khoa học công nghệ, thông tin trên mạng Internet. Điều kiện dinh dưỡng khiến trẻ có vẻ phổng phao, tâm sinh lý phát triển sớm hơn, có khuynh hướng muốn tự khẳng định mình nhiều hơn, nhưng nếu nói là trẻ 16 tuổi đã có thể trang bị đủ kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh để giải quyết những tình huống phức tạp phát sinh trong cuộc sống thì hoàn toàn chưa. Nhiều bị cáo tuổi 16-18 khi ra tòa vẫn còn những suy nghĩ, cách hành xử rất trẻ con.
Tôi không đồng ý quan điểm cho rằng việc không thể xử tử hình người chưa thành niên phạm tội ác tàn bạo, giết người dã man, như vụ án Lê Văn Luyện là việc cơ quan luật pháp “bất lực” trước tội phạm. Vấn đề đặt ra là công tác giáo dục của chúng ta hiện nay ra sao?
Bộ luật hình sự quy định mức hình phạt tối đa có thể áp dụng đối với người chưa thành niên ở độ tuổi 14-16 phạm tội là 12 năm tù, người chưa thành niên từ 16-18 tuổi có thể bị xử tối đa 18 năm tù. Theo tôi, bản án từng ấy năm tù đối với người chưa thành niên không phải là nhẹ. Nếu người 17 tuổi bị kết án 18 năm tù, sau khi thi hành án đã là 35 tuổi, tức họ đã phải mất hết quãng đời tuổi trẻ trong nhà tù rồi. Vấn đề là chúng ta cần phải quan tâm tới công tác cải tạo, giáo dục trong quá trình thi hành án phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội ra sao. Cũng cần có cơ chế quản chế, giám sát, tạo công ăn việc làm cho những người phạm tội sau khi ra tù để họ không tái phạm.
Dù có xét xử thật nghiêm, áp dụng nhiều án tử hình mà không thực hiện những giải pháp khác có liên quan về công tác giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, coi trọng sinh mạng con người cho học sinh, trẻ em thì cũng không thể mang lại hiệu quả trong việc ngăn ngừa tình trạng phạm tội của người thành niên.
● Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn luật sư TP.HCM): Năng lực hành vi của trẻ đã thay đổi Vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đề nghị thừa nhận 16 tuổi là người thành niên để các em có nhiều quyền năng, hành động và tham gia thật sự giải quyết các quan hệ xã hội. Ý kiến này theo tôi, cần được quan tâm bởi lẽ về nguyên tắc thì không thể áp dụng hình phạt nặng hơn so với quy định của Bộ luật hình sự cũng như không nên sửa theo hướng tăng nặng hình phạt bởi trái với những cam kết quốc tế về bảo vệ người chưa thành niên. Bên cạnh đó, cần phải thừa nhận rằng lớp trẻ ngày nay đã trưởng thành vượt bậc từ đó kéo theo năng lực hành vi thay đổi, nhận thức sâu sắc hơn, bản lĩnh hơn mà nếu bị kìm hãm sẽ dẫn đến nhu cầu bứt phá, thể hiện cái tôi của mình theo hướng tiêu cực. Sự thể hiện lệch lạc như vậy có thể dẫn đến những hệ quả đáng tiếc. Tuy nhiên đó chỉ là một trong những vấn đề then chốt. Việc trẻ vị thành niên phạm tội có trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội. Cần làm sáng tỏ căn cơ tình hình tội phạm. Chứ nếu cứ chạy theo vi phạm, xử thật nặng, thật nghiêm, tăng án tử hình, tăng hình phạt với người chưa thành niên phạm tội thì có thể chưa giải quyết được trọng tâm vấn đề. 16 tuổi đã trưởng thành Có ba nguyên nhân chính để tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Quốc hội. 1) Vụ án Lê Văn Luyện là một vụ án rất khó xử của tòa án với tội ác tày trời của Lê Văn Luyện, nhưng tòa án không thể kết án tử hình cho thỏa mãn sự giận dữ của người dân vì vướng phải quy định của pháp luật là Lê Văn Luyện chưa đủ 18 tuổi là tuổi còn vị thành niên. Biết trước sự dung tha bắt buộc của tòa án nên Lê Văn Luyện chẳng cảm ơn lại còn mỉm cười tươi tỉnh làm người dân thêm phẫn nộ! 2) Ông bà ta có câu “Nữ thập tam, nam thập lục” (Con gái mười ba, con trai mười sáu) là nói về tuổi đã trưởng thành sinh dục để dựng vợ gả chồng cho con cháu. Mà tuổi trưởng thành sinh dục theo nguyên lý sinh học chính là tuổi thành niên! 3) Đồng thời đúng như nhận định của thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ, tuổi trẻ Việt Nam hiện nay đã trưởng thành rất nhanh vì các em đang sống hòa nhập với “thế giới cập nhật thông tin đa chiều” nên “đã ý thức rất rõ về mình”. |
Ở bang North Carolina của Mỹ, người dân phải đủ 21 tuổi mới được uống rượu và 18 tuổi mới được đi bỏ phiếu. Tuy nhiên về mặt pháp luật, bang này cũng là một trong số ít bang ở Mỹ coi 16 tuổi là tuổi thành niên. Mặc dù vậy từ năm 2009, nhiều nhóm bảo vệ trẻ em đang vận động các nghị sĩ của bang này xem xét việc tăng độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như người lớn lên 18 tuổi. Phó chủ tịch Tổ chức Hành động vì trẻ em Sorien Schmidt nói bà quan niệm vị thành niên là dưới 18 tuổi và đối tượng này cần những giải pháp đặc biệt chứ không phải hệ thống tòa án của người lớn. “Theo tôi, đặt người vị thành niên vào hệ thống pháp lý dành cho người vị thành niên sẽ có kết quả tốt hơn bởi vì hệ thống này hướng vào những đứa trẻ với bộ não đang phát triển, đối tượng đang học cách kiểm soát cảm xúc và cách làm việc trong xã hội” - bà Schmidt nói. Tổ chức Hành động vì trẻ em cũng gợi ý rằng các nghi can dưới 18 tuổi sẽ được mặc định đưa vào xử lý theo hệ thống dành cho người vị thành niên, trừ khi nghi can đó bị truy tố với tội giết người cực kỳ nghiêm trọng. Trong trường hợp này, thẩm phán sẽ đưa ra quyết định có chuyển vụ án lên hệ thống dành cho người trưởng thành hay không. Những ý kiến phản đối việc nâng tuổi thành niên lên 18 thì cho rằng tội phạm ngày càng trẻ hơn. Công tố viên thuộc hạt Wake Colon Willoughby nói: “Chúng ta đang chứng kiến xu hướng người phạm tội ngày càng trẻ hơn, phạm các tội tình dục, cướp bóc, giết người và bây giờ chúng ta lại đi bàn chuyện tăng tuổi vị thành niên để khó bảo vệ cộng đồng hơn sao?”. Tuy nhiên, bà Schmidt không đồng tình với quan điểm này. Bà nói: “Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ khi được đưa vào hệ thống dành cho người vị thành niên ít phạm tội trong tương lai hơn và trẻ bị đưa vào hệ thống dành cho người lớn thì dễ tái phạm trong tương lai hơn”. Bà Schmidt cũng nói các nghị sĩ khi quyết định vấn đề này cần một tầm nhìn xa. Tại Thái Lan, cuối tháng 8, Chính phủ Thái Lan đã bỏ hình phạt tử hình đối với người phạm tội dưới 18 tuổi, đồng thời đổi hình phạt tù chung thân cho đối tượng này xuống còn 50 năm. |
Ngày 19-10, Tòa án nhân dân trung cấp Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc tuyên phạt Lý Mộng Nam án tù chung thân vì tội giết một bác sĩ và làm bị thương ba người ở Bệnh viện số 1 thuộc Trường đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân. Cáo trạng cho biết khoảng 9g sáng 23-3-2012, Lý Mộng Nam đưa ông nội đi khám bệnh. Do không đồng ý với cách trị liệu của bác sĩ, cho rằng bác sĩ làm khó dễ, Lý nảy sinh ý định giết người. Khoảng 16g cùng ngày, Lý đến một cửa hiệu tạp hóa gần bệnh viện mua dao và trở lại khoa miễn dịch của bệnh viện trên và chém loạn xạ. Lý Mộng Nam là một trong rất nhiều trường hợp phạm tội ở tuổi vị thành niên và chỉ bị xử phạt tù chung thân. Theo luật pháp Trung Quốc, tội cố ý giết người phần lớn đều bị tử hình. Song, như Nhân Dân Nhật Báo cho biết, dù có hành vi cuồng sát nhưng do phạm nhân Lý Mộng Nam còn trong độ tuổi vị thành niên nên chưa thích hợp áp dụng khung hình phạt tử hình. Hiến pháp Trung Quốc quy định tuổi thành niên ở Trung Quốc là 18 tuổi, tuổi chưa thành niên là từ đủ 14 đến chưa đủ 18 tuổi. Theo điều 17 bộ luật hình sự, người đủ 14 tuổi nhưng chưa đến 16 tuổi khi phạm tội cố ý giết người, cố ý gây thương tích cho người khác, hiếp dâm, cướp bóc, mua bán ma túy và các vật phẩm gây nguy hiểm cho xã hội sẽ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với người trên 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi nếu phạm các tội trên thì có thể giảm nhẹ tội từ khung hình phạt cao nhất là tử hình xuống các mức tù giam tùy từng trường hợp cụ thể, cao nhất là mức án chung thân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận