Phóng to |
VNPT vừa chuyển sang hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước |
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Quang A về vấn đề này. Đây là ý kiến riêng của tác giả, cần được tranh luận tiếp.
Tập đoàn - sự phát triển tự thân
Thứ nhất, không có pháp nhân nào theo luật VN hiện hành được gọi là tập đoàn cả. Tuy Luật Doanh nghiệp sẽ có hiệu lực vào 1-7-2006 (dưới đây gọi là Luật Doanh nghiệp mới) có một điều duy nhất nói rất sơ lược và mơ hồ về tập đoàn kinh tế trong điều 149: "Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định, hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế".
Chưa nói đến sự mơ hồ của điều luật, nhưng có thể thấy nhóm công ty không phải là một pháp nhân và như thế liệu có thể thành lập nó hay không? Giả như nó là một pháp nhân, thì Chính phủ đã có quy định liên quan như điều luật đòi hỏi chưa? Giả như là vậy thì việc thành lập cũng chỉ được diễn ra sau khi đã có quy định của Chính phủ, và sau 1-7-2006.
Theo tôi biết, chưa có quy định nào cả, và khó mà quy định nổi. Thứ hai, nếu biến các tổng công ty nhà nước thành công ty mẹ đầu tư vốn vào các công ty con (mà ta thường gọi là công ty mẹ-công ty con) thì sẽ phù hợp với Luật Doanh nghiệp (mới) sẽ có hiệu lực từ 1-7-2006.
Như thế, trong mọi trường hợp, việc thành lập các tập đoàn kinh tế vừa qua là chưa đúng. Tập đoàn là một khái niệm bao gồm một nhóm công ty có quan hệ mật thiết về mặt sở hữu, chiến lược, thị trường hay sản phẩm, v.v... và chỉ có thế thôi.
Theo tôi hiểu, thế giới người ta hiểu như vậy chứ không có cái pháp nhân gọi là tập đoàn. Và sự phát triển của một tập đoàn theo nghĩa như thế là một sự phát triển tự nhiên, tự thân, chứ không do ai áp đặt, ban phát cho nó cả.
Tiền đề của sự mất công bằng?
Về mặt pháp lý, không có cái gọi là tập đoàn, tức là không có pháp nhân tập đoàn. Vậy tại sao người ta thích, hay "sính" tập đoàn đến vậy? Thường người ta coi một nhóm công ty có quy mô lớn, có sức mạnh, có thế lực, có uy tín v.v... là một tập đoàn, và tất cả các tính chất đó chúng phải tự thân tạo ra. Và các nhóm công ty lớn trên thế giới, đôi khi cũng được nhắc đến như tập đoàn, thực sự là như vậy.
Ở ta, có lẽ lý do tâm lý thích to khiến người ta thích được gọi là tập đoàn. Có lẽ nó nghe "oai" hơn, có lẽ nó giúp củng cố địa vị hơn (đôi khi có thể củng cố sự độc quyền), làm cho các đối thủ cạnh tranh yếu bóng vía khiếp sợ hơn.
Cả chục năm trước, chúng ta cũng đã thành lập các tổng công ty 90, 91 để tạo ra các "quả đấm thép", đáng tiếc năng lực cạnh tranh của chúng không cao, các "quả đấm thép" đã không có. Liệu điều đó có xảy ra với các tập đoàn?
Hãy thử xem Petro VN (chắc sẽ thành tập đoàn) và Petronas của Malaysia đều khoảng 30 tuổi. Bây giờ Petronas hoạt động ở trên 30 nước còn Petro Việt Nam với quy mô nhỏ hơn nhiều và đầy các vụ bê bối thì sao?
Đó là chưa nói đến các tổng công ty khác. Nếu xem tài sản, doanh thu hoạt động, lợi nhuận của Ngân hàng Đầu tư và một số công ty xây dựng lớn của ta (mà nghe đâu cũng muốn cùng nhau xin thành tập đoàn) so với các nhóm công ty được coi là tập đoàn trên thế giới thì không biết phải cười hay nên khóc.
Có lẽ nên dẹp bớt bệnh hình thức, khoa trương với chính mình. Có lẽ các nhà làm luật nên chú trọng đến các vấn đề thực chất như cai quản công ty (corporate governance), nâng cao trách nhiệm giải trình, nâng cao tính minh bạch, loại trừ sự mâu thuẫn lợi ích, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến sản phẩm, đổi mới công nghệ v.v... của các công ty, tạo điều kiện cho các công ty cạnh tranh lành mạnh, hơn là việc đổ rượu cũ vào chiếc bình mới một cách rất mơ hồ (thực ra là một sự phân biệt đối xử không công bằng). Ai sẽ chịu trách nhiệm về những rắc rối pháp lý sẽ xảy ra?
Tuy nhiên, nếu hiểu tập đoàn theo nghĩa khái niệm nhóm công ty, chứ không phải một pháp nhân, theo đúng Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1.7.2006, tức là thành lập các công ty mẹ-công ty con, thì việc này sẽ mang lại nhiều tiến bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc cai quản tốt hơn, quản trị và điều hành tốt hơn theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, tạo điều kiện cho cổ phần hoá.
Nhưng nếu thế thì nên bỏ cái từ "tập đoàn" đi cho khỏi rắc rối và gây phân biệt đối xử, đồng thời loại bỏ được cơ hội lạm dụng. Nếu hiểu khác đi, các tập đoàn có thể gây ra những rắc rối pháp lý, những bất lợi như nêu ở trên.
Hãy để cho bất cứ doanh nghiệp nào trở thành "tập đoàn" nếu nó tự phát triển một cách tự nhiên trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, còn nếu lại phân loại về mặt pháp lý các nhóm công ty thành loại thường và loại đặc biệt thì chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận