16/01/2020 09:15 GMT+7

Có nên dạy trẻ rằng "lỗi lầm là phải trả giá"?

LÊ NGỌC DIỆP
LÊ NGỌC DIỆP

TTO - Tôi đưa con đến trường trễ, vì bất kỳ lý do gì, đó là "đi học trễ".

Có nên dạy trẻ rằng lỗi lầm là phải trả giá? - Ảnh 1.


Cậu bé cố gắng hết sức lao vào trường nhưng khi cách cổng một bước chân, thầy giám thị nhanh tay khóa chốt. Nó quay ra nhìn tôi cầu cứu: - Mẹ xin thầy dùm con đi! Tôi lắc đầu: - Mình trễ thì chịu thôi, nói lý do gì ra cũng không hay. Sau lưng tôi, một nhóm chừng hơn chục đứa trẻ nhốn nháo, lo lắng. Chúng phải đứng hơn năm phút để chờ thầy giám thị mở chốt cửa cho phép vào sân.

Đám trẻ bắt đầu nhốn nháo: sao thầy không cho mình vào làm bài kiểm tra tiết 1 đi, chút mình xuống làm bản kiểm điểm cũng được mà…Vì nghe lỏm được những lo lắng này, tôi cũng nấn ná trước cổng. Đám trẻ được tập trung trước phòng giám thị, phân nhóm: đi trễ lần đầu, lần hai và nhiều hơn số đó.

Thầy đi tới đi lui, cáu giận với những gương mặt "em mà trễ lần 2 cái gì?", "bộ đi sớm hơn 5 phút không được hả"…Tôi nhìn đồng hồ, đã 20 phút trôi qua…bọn trẻ vẫn xếp hàng ở đó, nhóm có tiết kiểm tra bây giờ bắt đầu được phép lên lớp (ắt hẳn cũng chẳng thể kịp giờ làm bài), nhóm còn lại phải viết bản kiểm điểm tại chỗ.

Khi tôi rời trường, buổi học đã trôi qua hơn 30 phút. Điều đó đồng nghĩa với việc các con không được phép học 1 tiết hoặc bỏ giờ kiểm tra. Tất nhiên, ngày hôm sau bản kiểm điểm phải được phụ huynh ký, điểm thi đua bị trừ.

Trẻ con nên được giáo dục ý thức kỷ luật từ nhỏ để tạo nên những công dân tôn trọng pháp luật sau này. Nhưng tôi nghĩ, một xã hội tốt đẹp không chỉ được tạo nên bởi những con người tôn trọng kỷ luật, quy định, quy trình…Nó phải được làm ấm bởi sự giáo dục dựa trên tình cảm, sự sẻ chia, cơ hội sửa sai chứ không phải là "lỗi lầm là phải trả giá".

Tất cả những đứa trẻ đi học trễ ấy cách cổng trường chưa đầy 10 giây khi thầy giám thị cố gắng thật nhanh đóng sập cánh cổng. Tôi vẫn thấy buồn làm sao hành động vội vã, rất lạnh lùng ấy. Giá như, thầy nghiêm giọng "lẹ dùm tui đi mấy cô cậu, 5 giây cuối cùng của cuộc đời là đây" rồi lùa bọn chúng chạy vào trường.

Hoặc giá như không thể tha thứ cho lỗi đi học muộn ấy, thầy gom học trò lại, chụp 1 tấm hình "kỉ niệm tập thể chuyên gia đi trễ" làm bằng chứng rồi cho chúng vào lớp, yêu cầu "giờ ra chơi không được đá cầu, nhảy dây mà xuống đây viết bản kiểm điểm, trừ thi đua"…

Bọn trẻ hoàn toàn mất 1 tiết học, bỏ 1 bài kiểm tra cho vài giây chưa lách kịp qua cổng trường là một sự trả giá cho lỗi trễ học có phần nặng nề.

Có thể nào có xử lý các em không tuân thủ nội quy ấy một cách ấm áp hơn, đem đến bài học về sự tha thứ, sự hướng thiện tốt hơn hay không? Trường học vẫn là nơi cho các con những bài học nhiều giá trị về tính kỷ luật, tình thương, sự hối lỗi, hướng thiện, mong muốn cải thiện những khuyết điểm của mình.

Tôi vẫn nhớ hoài cô giáo dạy văn của mình. Học trò của cô luôn được cho cơ hội cải thiện điểm xấu bằng cách xin cô cho làm bài vào những giờ ra chơi. Cô sẽ chấm công tâm cho các bài làm đó cho đến khi học trò hài lòng với điểm số của mình. Cô nói, với học trò, để cải thiện cách viết không có gì khác hơn là viết siêng, viết nhiều lần, sửa được cả lỗi chính tả lẫn sự cảm thụ văn học.

Học trò của cô không có đứa nào bị điểm tổng kết dưới trung bình môn văn. Nhóm học sinh thi chuyên văn do cô huấn luyện có 5/10 đứa vào vòng thi giỏi văn cấp toàn quốc. Bởi cô nói, cái kết mà học trò mong muốn là điểm nhưng điều cô mong mỏi là các con luôn được khuyến khích rèn luyện, sửa chữa khuyết điểm của mình. Bài học của cô tôi vẫn áp dụng vào công việc của mình.

Tôi là giáo viên nhưng tôi đào tạo các học viên trong thực hành. Buổi thi thực hành thông thường chỉ diễn ra 1 buổi nhưng các học viên của tôi được phép thi suốt 1 tuần, cho đến khi họ đã hài lòng với kết quả đạt được. Với tôi, cái đích của khóa huấn luyện là học viên đạt được kỹ năng tốt, càng có cơ hội rèn luyện, họ càng làm tốt hơn. Học viên không rớt nếu thực tâm chú trọng trong mội cơ hội thực hành.

Tôi học theo cô giáo của mình: ai cũng cần được tạo cơ hội sửa chữa khuyết điểm nếu thực lòng muốn, họ không nên được huấn luyện rằng: có lỗi thì ắt hẳn phải bị trả giá hay trừng phạt. Ắt hẳn chúng ta vẫn gặp đâu đó việc kiểm tra, đánh giá công việc theo kiểu "bắt lỗi", "moi cho được lỗi lầm", "kiếm ra người đáng bị phạt"… để mong mỏi tăng chất lượng công việc.

Văn hóa trừng phạt không làm giảm nguy cơ xảy ra sự cố. Sự động viên, khuyến khích, đồng hành và chia sẻ mới thúc đẩy các cá nhân phối hợp tốt với nhóm.

Sự ấm áp trong cách bọn trẻ được giáo dục trước lỗi lầm sẽ tạo ra những đứa trẻ cũng ấm áp khi nhìn thấy lỗi lầm quanh chúng sau này.

Bởi cái cuối cùng, là hạn chế hậu quả hay tác động tiêu cực của lỗi vẫn luôn mang đến dự hậu tốt đẹp hơn là tâm lý "phải trả giá" mà mỗi người luôn ám ảnh trong các hành xử với cuộc sống xung quanh mình.

Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào? Xin mời để lại bình luận bên dưới hoặc gởi về giaoduc@tuoitre.com.vn

Họp phụ huynh, cô giáo "xin phép" được phạt học sinh mắc lỗi Họp phụ huynh, cô giáo 'xin phép' được phạt học sinh mắc lỗi

TTO - Người ta thường bảo họp phụ huynh đầu năm là 'họp tiền'. Nhưng vào họp, cô giáo lớp con tôi chỉ hỏi: 'Phụ huynh có đồng ý để cô phạt nếu các con phạm lỗi không?'.

LÊ NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên