Trẻ vẫn cần được tiếp xúc với các thiết bị smartphone nhưng có chừng mực và được kiểm soát
Lạm dụng sẽ gây hại
Theo các chuyên gia, không thể phủ nhận những lợi ích mà smartphone mang lại, nó thậm chí còn trở thành công cụ học tập, giải trí của nhiều người một cách tích cực. Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt và nếu sử dụng sai mục đích sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Thậm chí nhiều phụ huynh còn lạm dụng smartphone như công cụ để dỗ dành trẻ, thậm chí thay thế bố mẹ chơi cùng trẻ. Tuy nhiên, điều này rất dễ khiến trẻ bị rối nhiễu tâm lý, nhầm lẫn giữa cuộc sống thực và ảo thậm chí có nguy cơ bản năng thay thế cho ý thức.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Rất nhiều trẻ mắc các bệnh về mắt có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng điện thoại, ipad quá nhiều. Bởi khi trẻ tập trung, căng mắt để nhìn vào màn hình điện thoại nhỏ với khoảng cách gần và lâu dần sẽ dẫn đến cận thị. Không chỉ vậy, với những trẻ quá lạm dụng smartphone sẽ ảnh hưởng đên kỹ năng mềm do trẻ ít vận động, ít giao tiếp. Ở một số nước, các chuyên gia cũng khuyên cha mẹ không nên cho trẻ ở độ tuổi tiểu học tiếp xúc với smartphone quá 2 tiếng/ngày; còn ở nước ta việc cha mẹ giao điện thoại và để trẻ sử dụng không có kiểm soát rất phổ biến.
Không nên cấm nhưng cần kiểm soát
Theo Ths. BS Lê Công Thiện, trưởng phòng Tâm thần Nhi, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia: Việc lạm dụng smartphone dễ gây hại cho trẻ, tuy nhiên cấm tuyệt đối trẻ không được sử dụng thì không nên. Theo đó, cha mẹ cần có sự hướng dẫn, định hướng cho trẻ, để trẻ vẫn được tôn trọng sở thích của mình mà không bị lệch lạc khi tiếp xúc với smartphone. Hiện nay đang là thời buổi công nghệ 4.0, mọi thứ đều được tích hợp trên chiếc điện thoại thông minh, thậm chí những việc quan trọng như: Cho trẻ con học ngoại ngữ, cô giáo liên hệ với gia đình, cha mẹ kiểm tra thông tin của con qua camera… cũng đều phải sử dụng điện thoại. Vì vậy, không thể tách hoàn toàn đứa trẻ ra khỏi môi trường tiếp xúc với công nghệ.
"Nếu trẻ đã tò mò thì dù có cấm ngặt trong nhà nhưng khi ra môi trường ngoài trẻ vẫn có nhiều cơ hội để bị thu hút bởi các thiết bị điện thoại, ipad… Nếu không quản được là cấm, đó là tư duy của sự bất lực. Thậm chí, tôi đã từng gặp nhiều trường hợp, cho con sử dụng tùy tiện đến khi con trở nên phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại thì cha mẹ mới cuống cuồng làm đủ mọi cách để ngăn cấm và điều này sẽ không mang lại hiệu quả", BS. Thiện cho biết.
Trên thực tế, đôi khi chính người lớn lại lạm dụng smartphone nhiều hơn trẻ con, thậm chí trông con nhưng mắt vẫn không rời điện thoại. Vì thế, muốn điều chỉnh lại những hành vi của trẻ, chính cha mẹ phải tự điều chỉnh lại mình trước nhằm tạo dựng môi trường tốt để dạy trẻ.
Cũng theo BS. Thiện, khi bị cấm đoán quá cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Cụ thể, nếu trẻ thấy cha mẹ vẫn dùng điện thoại, chơi game... mà mình không được dùng, dễ sinh ra phản ứng khó chịu, bực bội. Nhất là khi đứa trẻ chỉ bị cấm mà chưa được giải thích rõ ràng vì sao lại không được sử dụng. Vì thế, cha mẹ cần tạo thói quen không sử dụng điện thoại để nghịch hoặc chơi game… ở nhà; phải giúp trẻ hiểu điện thoại là phương tiện để làm việc, muốn sử dụng vào mục đích khác, cha mẹ nên chờ con ngủ hoặc khi con không nhìn thấy để tránh phát sinh những băn khoăn trong lòng đứa trẻ.
Thậm chí, khi cha mẹ sử dụng điện thoại cần phải giải thích và phải có định lượng thời gian cụ thể với đứa trẻ. Chẳng hạn cha mẹ có thể nói với con rằng: "Bố/mẹ đang có việc bận nên phải sử dụng điện thoại trong vòng 10- 15 phút" và phải cố gắng thực hiện như lời đã nói; đó là sự thỏa thuận thể hiện sự tôn trọng với đứa trẻ.
"Khi cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị cần quy định thời gian cụ thể. Điều này phụ thuộc vào thời gian, nhịp sinh học của mỗi gia đình. Tuy nhiên, người lớn nên căn thời gian cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị smartphone; tổng thời gian sử dụng theo khuyến cáo là không quá 2 tiếng mỗi ngày, không nên sử dụng liên tục, không cho trẻ nằm xem ti vi, điện thoại… Trẻ cần được xây dựng thói quen, trước khi sử dụng điện thoại, ipad… phải xin phép người lớn và phải được sự đồng ý của bố mẹ mới được sử dụng. Đặc biệt, cha mẹ khi đã đặt ra kỷ luật thì phải thực hiện đúng, không thể cấm con nhưng vẫn mỗi người một góc ôm điện thoai. Cha mẹ nên thể hiện để trẻ hiểu, điện thoại có tác dụng tốt để học hỏi, phục vụ công việc chứ không phải chỉ là phương tiện để thỏa mãn sự tò mò", BS. Thiện khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận