27/08/2012 08:09 GMT+7

Có một người Mặt trăng đã qua đời

Phi hành gia NEIL ARMSTRONG
Phi hành gia NEIL ARMSTRONG

TT - Khi đặt chân lên Mặt trăng trước ánh mắt sững sờ của 500 triệu khán giả khắp thế giới, Neil Armstrong từ ngày 21-7-1969 đã trở thành người đầu tiên đặt chân lên một hành tinh ngoài Trái đất.

Người đầu tiên lên mặt trăng đã qua đời

2OCLCzEi.jpgPhóng to
Neil Armstrong trước ảnh của mình ngày 26-7-2005 tại bảo tàng ở Valence - Ảnh: AFP

Cựu phi hành gia Mỹ này đã qua đời ở tuổi 82 do những biến chứng sau một ca mổ tim, theo xác nhận của gia đình ông ngày 25-8, sau thông tin của kênh truyền hình NBC News.

"Đây là bước chân nhỏ bé của con người nhưng là một bước tiến khổng lồ của nhân loại"

“Người anh hùng bất đắc dĩ”

Neil Armstrong sinh ngày 5-8-1930 tại Wapakoneta, bang Ohio (Mỹ). Ông đã bị ám ảnh bởi những chiếc máy bay ngay từ thời thơ ấu. Năm 6 tuổi, Armstrong lần đầu tiên lên máy bay và từ đó ham thích bộ môn hàng không, để rồi theo đuổi đam mê đó cả đời. Ông dành dụm tiền từ việc làm thêm, đi học lái máy bay và có bằng phi công trước khi có bằng lái xe hơi. Armstrong cũng theo học kỹ sư hàng không tại Đại học Perdue, bang Indiana và nhận bằng cao học về ngành này tại Đại học Nam California. Năm 1965, ông trở thành phi công bay thử nghiệm và đã bay trên 50 loại máy bay khác nhau.

Và rồi ông đã đi vào lịch sử. Ông đã được giao nhiệm vụ chỉ huy sứ mệnh đầu tiên lên Mặt trăng của Mỹ trên phi thuyền Apollo 11 cùng với các phi hành gia Edwin Buzz Aldrin và Michael Collins. Trong hành trình 195 giờ bay, Neil Armstrong đã khiến trái tim của hàng tỉ người trên hành tinh vỡ òa cảm xúc hạnh phúc khi ông đặt những bước chân đầu tiên lên một thế giới hoàn toàn khác so với sự hiểu biết của con người vào ngày 20-7-1969.

Ông và Aldrin đã cắm quốc kỳ Mỹ, chụp nhiều bức hình, lấy các mẫu đất và đá trong 2 giờ 30 phút trên Mặt trăng. Vinh quang dành cho phi hành gia đặt những bước chân đầu tiên trên Mặt trăng lẽ ra đã thuộc về Buzz Aldrin. Theo James Hansen, người viết tiểu sử Neil Armstrong, NASA lại thích dành niềm vinh quang này cho người chỉ huy phi thuyền Apollo 11, vì cho rằng “ông là người đủ sức đảm nhận gánh nặng của sự nổi tiếng này”.

Trở về Trái đất, họ đã nhận được sự chào đón và ngợi ca của cả thế giới, được săn đón như ngôi sao điện ảnh ở bất kỳ đâu. Nhưng, chuyến du hành lên Mặt trăng cũng là chuyến du hành cuối cùng của Neil Armstrong. Chỉ ít lâu sau đó, Armstrong - người đã được tặng thưởng Huân chương Tự do của tổng thống - từ chối xuất hiện trước công chúng và cũng từ chối luôn cả những khoản thù lao kếch xù cho những lần xuất hiện đó. Kể từ đó, ông lui về sống hàng chục năm trong một trang trại hẻo lánh ở Ohio. Bởi vì, không lâu sau chuyến bay lịch sử của mình, ông kết thúc sự nghiệp phi hành gia, từ giã NASA năm 1971 và dạy kỹ thuật ở ĐH Cincinnati, sau đó làm kinh doanh. Với lý do muốn bảo vệ sự riêng tư, ông từ chối trả lời phỏng vấn, ký tặng và đã khiến rất nhiều người hâm mộ thất vọng vì ông muốn tránh mặt họ, nếu có xuất hiện cũng chỉ vài giây, nói vài điều không liên quan tới Mặt trăng. Sự xuất hiện gây ngạc nhiên nhất của ông là trong các đoạn quảng cáo của xe Chrysler. Ông cũng không bao giờ viết hồi ký như những phi hành gia hoặc những người nổi tiếng khác.

“Tôi không muốn trở thành tượng đài khi còn sống” - ông giải thích. Có lẽ đấy chính là lý do thế giới vẫn còn nguyên vẹn tình yêu với ông, khi ông vẫn giữ hình ảnh tuyệt đẹp của mình dù những cộng sự cùng ông lên Mặt trăng đã phải trải qua những thời gian hậu Mặt trăng đầy gập ghềnh. Ví dụ như Buzz Aldrin bị nghiện rượu và suy sụp tinh thần. Armstrong vẫn hạnh phúc khi không cho ai biết nhiều về mình. Với những người quen biết, Neil Armstrong là một người hùng bất đắc dĩ vì ông tin mình chỉ làm công việc của mình (nên có gì mà phải ầm ĩ?). Ông yêu sự riêng tư của mình đến nỗi năm 2005, ở Ohio ông đã dọa sẽ kiện chủ tiệm cắt tóc khi người này bán một lọn tóc của ông lấy 3.000 USD.

“Tôi chỉ làm việc của tôi mà thôi”

Neil Armstrong không thích nói nhiều về mình và tránh đám đông chỉ vì “nói nhiều quá về một điều đã nói nhiều lần”. Cựu phóng viên không gian của BBC Reg Turnill từng kể: “Armstrong chán ngán khi được hỏi mãi câu hỏi: Là người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, ông cảm thấy thế nào?” và do đó không nhận trả lời phỏng vấn nữa. Dù vậy, có lần ông đã trả lời là: “Đó là nơi thú vị để đến. Tôi gợi ý mọi người nên làm”. Ông biết rõ vị trí mà mình mong muốn “là một kỹ sư trong đôi tất trắng, với túi đựng đồ nghề, chăm chỉ làm việc của mình mà xa lạ với thế giới bên ngoài. Và tôi có đôi chút tự hào vì đã có được thành tựu trong nghề nghiệp của mình”.

Khi được hỏi ông cảm thấy thế nào nếu dấu chân của ông có thể ở trên bề mặt Mặt trăng hàng ngàn năm sau, Neil Armstrong trả lời: “Tôi hi vọng sẽ có người lên trên đó và xóa sạch những dấu chân này”.

Gia đình Armstrong: “Với tất cả những người có thể đang tự hỏi mình có thể làm gì để tôn vinh Neil, chúng tôi chỉ có một yêu cầu đơn giản: Hãy trân trọng tấm gương về phục vụ đất nước, thành công và sự khiêm tốn, và lần tới khi bạn đi ra ngoài vào một đêm trăng sáng và nhìn thấy Mặt trăng, hãy tự mỉm cười với mình, hãy nghĩ tới Neil Armstrong và nháy mắt với ông”.

Phi hành gia Glenn: “Ông ấy sẵn sàng liều mạng cho tổ quốc, và tự hào làm việc đó, dù vẫn là con người vô cùng khiêm tốn như ngày nào”.

Phi hành gia Buzz Aldrin: “Chúng ta sẽ nhớ về một người phát ngôn vĩ đại và người lãnh đạo chương trình vũ trụ”.

Tổng thống Mỹ Obama: “Đó là anh hùng không chỉ của thời đại ông, mà còn của tất cả mọi thời đại”.

Ứng cử viên tổng thống Mitt Romney: “Mặt trăng giờ đang than khóc đứa con Trái đất đầu tiên của mình”.

Nhà quản lý chương trình NASA Charles Bolden: “Cho đến khi nhân loại còn dùng đến sách lịch sử thì còn ghi tên Neil Armstrong vào đó, vì ông được nhớ đến như là người đã thực hiện bước chân nhỏ bé đầu tiên của con người lên một thế giới ngoài thế giới của chúng ta”.

bo011RRy.jpgPhóng to
Bước chân đầu tiên của Armstrong trên Mặt trăng vào ngày 21-7-1969 - Ảnh: NASA

Dấu chân đầu tiên

Giữa dòng chảy thời sự nóng bỏng về nội chiến đẫm máu ở Syria, xả súng chấn động nước Mỹ..., thế giới hôm qua bỗng như ngừng lại trong niềm thương tiếc dành cho một con người vừa qua đời: Neil Armstrong.

Qua mạng xã hội, những người trẻ khắp thế giới đang bày tỏ lòng ngưỡng mộ đến một con người lặng lẽ vốn không phải là biểu tượng giàu có hay quyền lực. Sự ngưỡng mộ này được lan truyền bởi một nguồn cảm hứng khác: cảm hứng dành cho những người mở đường.

“Bước đi nhỏ bé” của Armstrong nay đã dừng lại song nhân loại vẫn luôn tìm kiếm những bước đi vĩ đại khác với niềm cảm hứng bất tận.

Tưởng nhớ Neil Armstrong, chợt nghĩ đến lời một người mở đường khác đã qua đời trước đây Steve Jobs: “Tất cả chúng ta đều có cuộc đời riêng để theo đuổi, giấc mơ riêng để dệt nên, và tất cả chúng ta đều có sức mạnh để biến mơ ước trở thành hiện thực, miễn là chúng ta giữ vững niềm tin”.

Một bạn trẻ VN qua mạng xã hội đã tâm sự: “Sẽ là quá mơ mộng nếu chúng ta cũng muốn mình đặt chân lên Mặt trăng như Armstrong hay bay vào vũ trụ như Phạm Tuân. Nhưng đâu cần phải ước mơ hay làm những điều to tát hả bạn, bởi ai trong chúng ta cũng có thể sống đẹp và sống có ích từ những bước chân, hành động nhỏ bé của mình mỗi ngày sao cho có ích với cộng đồng mình, quê hương mình và “không hổ thẹn với tiền nhân” như thông điệp của một bài báo đang tạo niềm cảm hứng mạnh mẽ tại VN những ngày qua”.

Phi hành gia NEIL ARMSTRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên