21/06/2012 08:51 GMT+7

Có một Euro khác...

ĐỨC HOÀNG (từ Ba Lan)
ĐỨC HOÀNG (từ Ba Lan)

TT - Warsaw một chiều nắng đẹp. Có những khu vực trong thành phố yên tĩnh như không quan tâm đến việc đón chào đại hội bóng đá trị giá 30 tỉ USD.

TT - Warsaw một chiều nắng đẹp. Có những khu vực trong thành phố yên tĩnh như không quan tâm đến việc đón chào đại hội bóng đá trị giá 30 tỉ USD.

Trong buổi chiều ấy, có một người phụ nữ khóc vì những đứa trẻ vốn không biết giá trị kỳ đại hội bóng đá của riêng mình.

Buổi chiều nắng Warsaw ấy, từ khách sạn tôi gọi 17 cuộc điện thoại đến mọi địa chỉ bóng đá có thể tìm thấy. Phát ngôn viên Legia Warsaw nói đang đi xe và hẹn một tin nhắn, nhưng không bao giờ có. Thư ký điều hành bóng đá Ba Lan tỏ thái độ cảnh giác cao độ với báo chí. HLV các đội tuyển trẻ Ba Lan không ai nói được tiếng Anh. Cuộc điện thoại áp chót, người ở đầu dây tiếp chuyện đàng hoàng nhưng rồi nói vợ sắp sinh và chuyển tôi một số điện thoại khác. Cuộc điện thoại vớt cuối cùng chỉ là một lời vội vã: “Tôi đang bận họp, sẽ gọi lại sau”.

Bọn trẻ con được uống nước ngọt

Thế mà Dorota lại gọi cho tôi, hẹn gặp lúc 7g30 trước cửa Nhà hát Quốc gia Ba Lan, để kể câu chuyện mà chẳng phóng viên nào mong nghe khi đến đây nhằm tô vẽ sự hào nhoáng của Euro 2012.

Dorota có họ là Lubanska. “Tôi chẳng biết gì bóng đá - người phụ nữ ngoài 30 tuổi, dáng phúc hậu mỉm cười - trừ việc tôi có cùng họ với một cầu thủ nổi tiếng”. Đấy là Wlodzimierz Lubanski, thành viên đội U-23 Ba Lan đoạt HCV Olympic 1972 - chức vô địch duy nhất mà bóng đá Ba Lan đã có ở tầm thế giới.

Nhưng cô chẳng biết rõ giá trị chiếc huy chương ấy. Dorota chỉ quan tâm đến những đứa trẻ mồ côi. Năm 2009, nhóm bạn của cô gồm các nhân viên truyền thông, báo chí, kỹ sư, luật sư đã ngồi lại tìm kiếm điều gì đó ý nghĩa. Họ nghĩ đến những đứa trẻ mồ côi và bóng đá. Bóng đá ngay cả với những người không hiểu nó cũng biết nó đủ sức thuyết phục về cơ hội gắn kết con người với nhau. Thế là họ quyết định tổ chức Giải bóng đá cho trẻ mồ côi Ba Lan với tên gọi “Nadzieja na Euro” - “Hi vọng cho châu Âu”.

Giải đầu tiên tổ chức năm 2010 với sự tham dự của 25 đội bóng đại diện các trại trẻ mồ côi Ba Lan. Phân định thắng thua, vua phá lưới và cầu thủ xuất sắc nhất, đó chỉ là những danh hiệu của bóng đá đơn thuần. Còn với những người như Dorota, vấn đề lại khác. “Bọn trẻ ở Gdansk năm ấy không đoạt giải. Nhưng sau đó viết thư cho tôi, chúng nói rằng chưa bao giờ hạnh phúc đến thế. Đã được đi đá bóng, lại còn được quà đem về, giữa tháng 9 mà vui hơn cả Giáng sinh. Thích nhất là chúng còn được uống nước ngọt thoải mái khi ở trong khách sạn”.

Bọn trẻ đã được uống nước ngọt thoải mái lần đầu tiên trong đời!

Dorota nghẹn lời, đưa ngón tay gạt khóe mắt ướt. Người phụ nữ ấy không ủy mị. Trong Dorota tồn tại một nhà thương thuyết kinh tế cứng rắn. Cô là người huy động tài chính cho giải đấu. Giải đầu tiên chỉ có một hãng điện tử Nhật Bản quan tâm. Giải thứ hai là Continental, nhà tài trợ “hàng khủng” của LĐBĐ châu Âu. Dorota đã xin đủ tài trợ cho Giải vô địch trẻ mồ côi toàn châu Âu.

Thế là một Euro khác ra đời. Năm 2011, đã có những đội bóng đại diện trẻ mồ côi từ năm quốc gia tham dự. Một năm sau, trước kỳ Euro 2012 “lớn” của Ba Lan, một đại hội bóng đá cho trẻ mồ côi đã diễn ra tại Warsaw. 16 đội gồm những cái tên quốc gia giàu như Pháp, Hà Lan lẫn những nước nghèo theo “chuẩn” châu Âu như Bosnia, Estonia, Hungary... đều có mặt, tận hưởng ngày hội riêng mình.

Trên sân bóng, lũ trẻ được truyền cảm hứng chiến thắng, giúp chúng quên đi xuất thân, quên đi những cám dỗ “quỷ dữ” (lời Dorota) mà chúng sẽ gặp đầy rẫy trong cuộc đời. Chúng đã được học về tình đoàn kết, tình bạn không biên giới, để sau giải đấu đứa nào cũng tích cực học tiếng Anh. Từ những người bạn mới quen, chúng hiểu rằng thế giới này rộng lớn và đáng khám phá biết dường nào.

Gieo hi vọng

Tôi hỏi Dorota - người đi nhặt từng đồng để tổ chức một giải đấu như thế - cô có cho rằng Ba Lan đầu tư 30 tỉ USD để tổ chức Euro 2012 là phí phạm không? “Tôi không đưa ý kiến gì đâu, vì chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của thành phố nhiều lắm” - Dorota lắc đầu.

Nhưng ở công viên cạnh sân Polonia, sân tập của bốn đội tuyển dự Euro, tôi đã có câu trả lời từ Pavel - một người đàn ông có bằng kinh tế, nói tiếng Anh như gió nhưng đang thất nghiệp ngồi trầm ngâm: “Chẳng có tầng lớp nào hưởng lợi từ Euro 2012 đâu”. Kinh tế châu Âu đang khủng hoảng, tỉ lệ thất nghiệp ở Ba Lan gần 13% và chính phủ cắt phúc lợi xã hội, trong khi lại chi nhiều tỉ USD để xây những sân đấu hoành tráng mà không biết sau Euro sẽ dùng làm gì.

Ở quảng trường Đại học thành phố Wroclaw, tôi nhận câu trả lời khác từ một nhóm sinh viên trẻ: “Nếu họ quan tâm người dân thay vì sĩ diện, những sân ga, bến tàu này đã được xây từ nhiều năm trước giúp chúng tôi khỏi xếp hàng cả tiếng đồng hồ để mua một tấm vé”. Một góc khác nữa, người họa sĩ đường phố già đã bị đuổi khỏi chỗ kiếm ăn hằng ngày để lấy chỗ dựng cờ phướn cho Euro... Ông già mắt đã lòa, lấy bút chì vẽ lên sổ tay một tháp nhà thờ, một bưu điện, một góc quảng trường. “Tôi ngồi đây này, nhưng mai đừng đến. Người ta đuổi tôi đến hết Euro”.

Cứ thế, câu trả lời của những người Ba Lan đều gợi đến giải đấu cho những thân phận nhỏ bé của Dorota. Bóng đá đã giúp thay đổi cuộc đời bao nhiêu đứa trẻ vốn phải tuyệt vọng. Nhưng với Euro “30 tỉ USD” kia, liệu bóng đá sẽ giúp thay đổi tốt hơn cho bao nhiêu người?

“Nadzieja na Euro”. Những người mở giải đấu cho trẻ mồ côi đã chọn một cái tên thật hay, một cái tên gieo hi vọng. Bởi đôi khi hi vọng ấy tồn tại qua những tấm lòng, chứ không cần đến những đám cờ phướn rộng hàng kilômet vuông.

ĐỨC HOÀNG (từ Ba Lan)

ĐỨC HOÀNG (từ Ba Lan)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên