Phóng to |
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Nhàn đang giảng bài - Ảnh: Nhất Trí |
Thoạt đầu tôi có phần không thiện cảm vì cô giáo đeo đôi kính mát giả cận đi dạy. Tôi thắc mắc thì một đồng nghiệp của cô đã nói nhỏ vào tai tôi: “Ngày xưa Nhàn có đôi mắt đẹp lắm. Từ ngày bị tai nạn, phải đeo kính để người ta không để ý đến con mắt hư đó”. Tôi lặng người nhìn cô... Sinh năm 1982 nhưng cô có vẻ già trước tuổi. Dấu vết của một lần tai nạn giao thông khủng khiếp còn in hằn trên khuôn mặt trẻ.
Gặp gỡ cô, trao đổi một vài điều thì cô giáo cởi mở trò chuyện. Cô Nhàn tâm sự rằng đã từng tuyệt vọng không lối thoát, nhưng chỉ cần nghĩ đến con trai đang đi học, nghĩ đến học trò vẫn nhắn tin mong cô đến trường mạnh khỏe, cô tự hứa với lòng nhất định không gục ngã trước hoàn cảnh mà phải đứng dậy như một tấm gương nghị lực.
Chị Nguyễn Thị Lan, phụ huynh học sinh, chia sẻ: “Tôi là giáo viên tiểu học, có con học cô Nhàn. Tuy chưa được dự giờ của cô Nhàn lần nào nhưng qua con tôi và bạn của cháu, tôi biết cô Nhàn dạy giỏi, rất gần gũi yêu thương học trò. Những trò của cô nhiều em học giỏi và luôn nhớ tới cô”.
Em Đỗ Hoàng Anh là học trò cũ của cô Nhàn, hiện đang là học sinh lớp 12 Trường chuyên Lương Văn Chánh, đã nói rất chân tình: “Cô Nhàn dạy hay. Cô thổi “lửa” nhiệt huyết và cảm hứng vào từng tiết học. Mỗi khi học môn văn, chúng em mới biết thế nào là học không phải để đối phó. Cô thật sự làm chúng em mê học, thoải mái học và tiếp thu nhanh”.
Em Trần Ngọc Trọng, học sinh lớp 9A, luôn muốn dành kết quả học tập của mình để tặng cô - người mẹ thứ hai của em. Trọng chia sẻ: “Cô Nhàn luôn đem lại không khí thân thiện cho lớp học. Biết em bị bệnh, cô tới nhà hỏi han, động viên. Nhờ bài viết của cô, em đã có một số tiền để chạy thận trong một thời gian. Mới đây thôi, em được một nhà thuốc ở thành phố gửi cho thuốc chữa suy thận. Em hạnh phúc vì thấy mình được cả xã hội quan tâm. Nó giúp em nhắc mình phải luôn cố gắng, phải chiến đấu kiên cường với bệnh tật vì em không nỡ phụ lòng tin của mọi người. Điều lớn nhất mà em và các bạn học được từ cô là thái độ sống và cách ứng xử với mọi người xung quanh. Cô luôn ân cần và quan tâm đến tất cả chúng em. Rất nhiều anh chị sau khi ra trường, trưởng thành vẫn luôn nhớ về cô như một người mẹ, người dẫn đường đáng kính của mình”.
Rời khỏi nhà cô giáo Nhàn, tôi mang một tâm trạng vô cùng nể phục. Xin chúc cô giáo Nguyễn Thị Bích Nhàn tiếp tục là người dẫn đường tận tâm và có thêm nhiều niềm vui với sự nghiệp “trồng người” của mình.
Bài viết hay nhất quý 1-2014 Bài viết “Học trò tôi là ăn mày” - tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên), đăng trên Tuổi Trẻ ngày 22-2-2014 đã được chọn là bài viết hay nhất quý 1-2014 của chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục”. Đồng thời, “Phạt học sinh - có còn hiệu quả?” - tác giả Nguyễn Trung Nguyên (Đồng Tháp), đăng trên Tuổi Trẻ ngày 13-3-2014 cũng xuất sắc nhận giải bài viết hay nhất tháng 3-2014. Bài viết của cô giáo Bích Nhàn đã nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của bạn đọc. Đó không chỉ là tình cảm đối với cô học trò nghèo có “vẻ ngoài tuy xấu xí nhưng bên trong là cả một nghị lực rất lớn để có thể tiếp tục con đường học vấn mặc dù bạn bè không chấp nhận em” (bạn đọc Vũ Hồng Quốc), mà còn là lòng cảm phục đối với một cô giáo có cách giáo dục hay: vừa giúp học sinh lẫn thầy cô nhận ra vấn đề “tôn trọng người khác”, vừa chắp cánh ước mơ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bài viết hay nhất tháng 3 đề cập đến việc những biện pháp kỷ luật tích cực đối với học sinh vi phạm nội quy đã không còn hiệu quả. Những dòng tâm sự của tác giả Nguyễn Trung Nguyên đã nhận được nhiều ý kiến đồng ý cũng như trái chiều của bạn đọc. Điều đó cho thấy chuyện thưởng phạt trong giáo dục học sinh đôi khi không quan trọng bằng việc giúp các em nhận ra cái sai, giáo dục luôn cần sự hợp tác của nhà trường và gia đình. |
Từ ngày 22 đến 25-4, chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được bài viết của các tác giả: Nguyễn Lương Tâm (Nghệ An), Đỗ Tấn Ngọc (Quảng Ngãi), Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng), Vĩnh Linh (Kon Tum), Nguyễn Trường Thịnh, Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên), Tạ Quang Sum (Khánh Hòa), Trần Ngọc Đức Anh (Bình Thuận), Đỗ Thị Thùy Dương (Tây Ninh), Vũ Thị Ni Na (Đồng Nai), Thiên Hoàng, Trần Văn Tám, Đào Văn Phùng, Phạm Quốc Tá (TP.HCM), Nguyễn Thanh Dũng (Long An), Trầm Thanh Tuấn (Trà Vinh), Lê Tấn Thời (An Giang), Trần Thị Phượng Hằng (Kiên Giang) cùng các tác giả Thanh Triều, Dương Kim Thoa, Phạm Phú Uynh, Nguyễn Nhật Quang, Lê Thanh Tân, huongnguyenminh...@gmail.com, phithithuy...@gmail.com, tunganh...@gmail.com... Kính mời độc giả khắp nơi tiếp tục gửi những quan tâm, bài cộng tác cho hai chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục”. Những chia sẻ của bạn đọc cũng chính là hơi thở cuộc sống, nỗi niềm nuôi dạy thế hệ tương lai của đất nước, giúp mọi người nhận ra nhiều giá trị hay vấn đề cần quan tâm, khắc khục. Bạn đọc có thể gửi bài viết qua địa chỉ email giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Những bài viết hay, được nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ trong tháng sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm là phần thưởng trị giá 1 triệu đồng. Cuối mỗi quý, những bài viết hay nhất sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao giấy chứng nhận và phần thưởng trị giá 3 triệu đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận