Bức tranh từ lâu là một phần không thể thiếu của Hà Nội. Bức tranh thậm chí còn được treo tại Bảo tàng Lê Nin ở Matxcơva (Liên bang Nga) nhiều năm qua.
Nhưng người vẽ bức họa nổi tiếng này lại ít người biết tới.
Ông là họa sĩ Trần Từ Thành, cũng chính là tác giả của mẫu thẻ Đảng hàng triệu đảng viên đã và đang dùng trong suốt 20 năm qua.
Như có Bác Hồ...
Phòng khách trong ngôi nhà nhỏ cạnh Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội của gia đình họa sĩ Trần Từ Thành bao năm qua vẫn treo trang trọng bức tranh mang lại nhiều danh tiếng nhất cho ông nhưng chẳng chút tiền bạc nào.
Có một thời những họa sĩ, chiến sĩ như ông Thành chỉ “duy nhất một tinh thần cống hiến” như thế.
Trong căn phòng khách treo đầy tranh ấy, ông Thành ở tuổi 80 bỗng đầy năng lượng, sống động hơn hẳn khi kể chuyện về bức tranh đã thành con cưng của ông suốt từ năm 1976.
Năm ấy, đất nước vừa thống nhất, Bắc - Nam một nhà. Cuộc tổng tuyển cử trên đất nước Việt Nam toàn vẹn sắp diễn ra, Bộ Văn hóa liền phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động toàn quốc.
Ông Thành đang giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, với niềm hạnh phúc lớn lao của một nghệ sĩ trước hòa bình, thống nhất, đã chọn sáng tác về Bác Hồ để kể câu chuyện “đất nước trọn niềm vui”.
Như câu hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên, người Việt Nam ai mà không thấy “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Tranh được ông Thành vẽ bằng bột màu trên giấy, khổ 79x54cm, kiệm mầu, kiệm nét, chủ yếu là đen - trắng, giản dị, gần gũi, trong sáng như tinh thần của Bác Hồ.
Tranh chỉ có vài nét vẽ Bác Hồ cười tươi ôm em bé, chú chim bồ câu ngậm cành ô liu đồng thời cũng được liên tưởng tới bản đồ Việt Nam.
Thêm chút màu đỏ, vàng của lá cờ Tổ quốc làm mắt của chú chim nhìn nghiêng, nhưng cũng gợi liên tưởng đến vị trí của thủ đô Hà Nội trên bản đồ đất nước Việt Nam thống nhất.
Bức tranh là tất cả lòng yêu kính Bác Hồ và yêu hòa bình của ông Thành. Hòa bình, thống nhất đất nước là một giấc mơ quá lớn đã thành hiện thực với hàng triệu người dân Việt Nam và với ông Thành, một người có cha mẹ chết vì bom Mỹ, anh trai hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Cái tên Trần Từ Thành là do ông đã mượn tên người anh trai liệt sĩ tên Từ mà ghép lại. Cái tên ấy còn tiếp tục được nối tiếp ở tên của các con ông Thành.
Từ “máu thịt” của Hà Nội đến Bảo tàng Lê nin
Họa sĩ kể, năm ấy gần 2.000 bức tranh được chọn trưng bày, tranh của ông được trao giải nhì. Giải nhất thuộc về một họa sĩ miền Nam.
Chủ tịch hội đồng giám khảo là họa sĩ Trần Văn Cẩn nhận xét tranh cô đọng, đơn giản, bao quát được ý lớn: Bác Hồ với nhân dân, Bác Hồ với thiếu nhi và Bác Hồ với sự nghiệp thống nhất đất nước.
Bức tranh ban đầu chỉ đề dòng chữ số “1976”, nhưng theo gợi ý của bà Thục Phi - người phụ trách Xưởng tranh cổ động trung ương, ông Thành đổi “1976” thành dòng chữ: “Độc lập Thống nhất - Hòa bình Hạnh phúc”. Ông đồng ý ngay vì thấy rất ý nghĩa.
Bức tranh Độc lập Thống nhất - Hòa bình Hạnh phúc được Bộ Văn hóa in 2 vạn bản để tuyên truyền trên khắp cả nước.
Nhiều năm sau, rất nhiều bức tường trên cả nước, đặc biệt là ở miền Nam, đã in hình bức tranh này. Các bảo tàng cũng treo các bản in. Bảo tàng Hồ Chí Minh còn được họa sĩ tặng lại bản gốc.
Không chỉ bảo tàng trong nước mà Bảo tàng Lê Nin ở Matxcơva cũng treo một bản in Độc lập Thống nhất - Hòa bình Hạnh phúc bên cạnh tranh chân dung Lê Nin, phía trên là dòng chữ ý nghĩa “Vô sản các nước liên hiệp lại”.
Khoảng cuối thập niên 1990 ông Thành có dịp sang thăm bảo tàng này, được tận mắt ngắm bức tranh của mình treo trang trọng nơi đây. Khi được biết ông là tác giả của bức tranh, người ở bảo tàng rất vui sướng ôm chầm lấy ông và không quên cho ông biết tình cảm đặc biệt của họ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khoảng năm 1979 thì Hà Nội bắt đầu treo bức tranh Độc lập Thống nhất - Hòa bình Hạnh phúc trên mặt tiền tòa nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng và tranh ở đó cho tới ngày nay, trở thành “máu thịt” không thể tách rời của Hà Nội.
Ông Thành kể giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội lúc đó là nhạc sĩ Vĩnh Cát đã liên hệ với ông để Hà Nội treo bức tranh này ở ngay vị trí trái tim của thủ đô. Từ đó bức tranh càng được nhiều người biết tới hơn nhưng tác giả của nó thì chẳng mấy người biết cho tới gần đây báo chí “xới” ra.
Có thể nói, nếu trong thời kỳ chiến tranh, bức tranh cổ động nổi tiếng nhất về Bác Hồ là bức Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của hai tác giả Huy Oánh, Nguyễn Thụ thì thời bình, bức tranh cổ động nổi tiếng nhất về Bác chính là bức Độc lập Thống nhất - Hòa bình Hạnh phúc của ông Trần Từ Thành.
Ngoài bức vẽ Bác Hồ rất nổi tiếng này, ông Thành còn sáng tác khoảng 20 bức tranh sơn dầu về Bác, những bức tranh ông tự hào và yêu quý nhất.
Một thời đại của những họa sĩ dấn thân
“Sau Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, rồi ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, hầu hết các văn nghệ sĩ tham gia phong trào văn hóa cứu quốc đều tiếp tục công việc của mình trong vùng An toàn khu ở trung du miền núi phía Bắc.
Trong hoàn cảnh kháng chiến, việc tuyên truyền và hiệu triệu nhân dân khi cần thiết là vô cùng quan trọng. Đây chính là công việc cần đến bàn tay họa sĩ, khiêm tốn hơn là người có hoa tay, khéo léo kẻ vẽ...
Thực tế ở các vùng tự do, không phải người dân nào cũng có thể đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ. Vì thế, việc tuyên truyền, cổ động tinh thần kháng chiến, lao động sản xuất, đoàn kết một lòng đến nhân dân hữu hiệu nhất chính là hình ảnh tả thực mà cô đọng, súc tích, kèm lời lẽ ngắn gọn, có vần điệu dễ nhớ.
Hội họa bắt đầu được sử dụng như một công cụ đắc lực trong việc đưa đến nhân dân những chủ trương, chính sách kháng chiến và phát triển cuộc sống mới.
Trong bối cảnh ấy, họa sĩ Tô Ngọc Vân vận động mở trường mỹ thuật. Tất cả sinh viên khóa học duy nhất tại An toàn khu Việt Bắc xác định rõ ràng nhiệm vụ cách mạng trước mắt của họ cũng như nuôi dưỡng giấc mơ sáng tạo.
Hoàn cảnh kháng chiến, một sinh viên mỹ thuật thường kiêm luôn công tác cách mạng như một cán bộ, tham gia rất nhiều triển lãm tuyên truyền, vận động kháng chiến. Nhưng họ coi đó là những nhiệm vụ đương nhiên lịch sử.
Từ đây, một lớp nghệ sĩ - chiến sĩ thành hình và tiếp tục truyền cảm hứng đến lớp lớp nghệ sĩ tiếp sau về tinh thần phụng sự nhân dân, phụng sự xã hội qua nghệ thuật”.
(Theo Đào Mai Trang - tác giả cuốn sách Họa sĩ Khóa kháng chiến, NXB Mỹ Thuật, 2017)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận