06/12/2017 14:49 GMT+7

Có lợi ích nhóm trong cấp phép nhà máy Lee & Man không?

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TTO - Câu hỏi này được cử tri hỏi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội tại buổi tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ sáng 6-12.

Có lợi ích nhóm trong cấp phép nhà máy Lee & Man không? - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giơ báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường trước cử tri phường Ba Láng và cho biết nếu làm không đúng như báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ chịu trách nhiệm -Ảnh: CHÍ QUỐC

Sáng 6-12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng tổ đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ đã có buổi tiếp xúc cử tri phường Ba Láng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). 

Cử tri hỏi nhiều vấn đề nóng

Các vấn đề nóng như bạo hành trẻ em, thu phí BOT bất hợp lý, nguy cơ ô nhiễm môi trường… được cử tri đặt ra với Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Mở đầu phần phản ảnh ý kiến của cử tri, ông Hoàng Đăng Tình (cán bộ hưu trí), hỏi dự án nhà máy Lee & Man (Hậu Giang) được ai đưa vào? Ai phê duyệt? Có lợi ích nhóm trong việc cho phép đầu tư dự án này không? 

Ông Tình cũng bày tỏ bức xúc khác là trạm thu phí BOT quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp đặt tại phường này mà nhà đầu tư chỉ cải tạo quốc lộ 1 mà theo ông là "rất nhẹ" vốn rồi tiến hành thu phí, gây nhiều hệ lụy cho người dân. 

Cụ thể phường này có khoảng 300 xe mỗi ngày qua lại liên tục nhưng chưa bao giờ được giảm phí.

Cử tri Huỳnh Văn Năm - đại diện một doanh nghiệp ở phường Ba Láng phản ảnh: "Từ tháng 8-2017, chúng tôi đã có đơn gửi lãnh đạo đề nghị miễn giảm thu phí nhưng đến nay chưa nhận được trả lời. 

Có lợi ích nhóm trong cấp phép nhà máy Lee & Man không? - Ảnh 2.

Ông Lê Tiến Dũng, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ cho biết các bên liên quan đã thống nhất giảm phí BOT qua trạm thu phí đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp - Ảnh: CHÍ QUỐC

Một vấn đề đang nóng là nạn bạo hành trẻ em cũng được cử tri phường Ba Láng đặt ra với các đại biểu Quốc hội. 

Cử tri Nguyễn Công Bằng cho rằng tình hình tội phạm đang gia tăng, trong đó có việc bạo hành trẻ em và đề nghị phải có giải pháp xử lý nghiêm.

Thông tin về việc trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp đang gây bức xúc, ông Lê Tiến Dũng, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết từ tháng 8-2017, sở có nhận đơn của các doanh nghiệp ở phường Ba Láng yêu cầu miễn giảm phí qua trạm này. 

Sau đó sở kết hợp với nhà đầu tư tiếp xúc với tất cả các doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như các đề xuất miễn giảm. 

Đến ngày 4-12, Tổng cục đường bộ (Bộ Giao thông vận tải), UBND TP Cần Thơ, UBND tỉnh Hậu Giang và nhà đầu tư có họp lại lần cuối để chốt phương án miễn giảm chung cho xe qua trạm. 

Theo đó, tất cả các xe qua đây đều được miễn giảm với tỉ lệ 10- 15%. Đối với xe vùng lân cận (được xác định là thuộc phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ và xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) sẽ được giảm tới 35%. 

"Hiện Tổng cục đường bộ đang có dự thảo trình Bộ Giao thông vận tải và đang chờ được chấp thuận. Chúng tôi đã tổng hợp trên địa bàn phường Ba Láng có 296 xe được giảm phí", ông Dũng thông tin.

Không ai muốn rinh nhà máy tới để làm ô nhiễm môi trường

Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại lần tiếp xúc cử tri trước, một số bà con ở huyện Phong Điền và quận Cái Răng đã nói nếu không kiểm soát môi trường của nhà máy Lee & Man thì nước thải của nhà máy không chỉ gây ảnh hưởng TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long "mà nó sẽ chảy tới quê bà chủ tịch ở Bến Tre". 

Giơ xấp báo cáo trên tay, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: "Đúng như thế. Nếu không kiểm soát được thì bao nhiêu vườn cây trái sum suê, nước sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Tiếp thu ý kiến của cử tri, chúng tôi đã yêu cầu bộ Tài nguyên - Môi trường và bộ đã báo cáo gửi Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ. 

Trong báo cáo nói rõ nhà máy đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm từ tháng 3 năm nay, bộ đã cử một tổ giám sát thường xuyên quá trình vận hành thử của nhà máy, tổ này hàng ngày đo mẫu, giám sát, thử mẫu, quan trắc… để tất cả nước thải đưa ra môi trường phải đảm bảo tiêu chuẩn, nếu không đảm bảo thì không cho vận hành chính thức. 

Hiện nay cái này có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên - Môi trường, của cơ quan quản lý ở địa phương, có trách nhiệm của nhà máy và địa phương phải giám sát. Trong báo cáo này có quy định việc giám sát, việc xả thải phải công khai và thông tin tới cộng đồng dân cư. 

Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ căn cứ vào ý kiến của cử tri, trả lời của Bộ, chúng tôi sẽ giám sát, nếu có vấn đề gì không đúng như trả lời của Bộ, chúng tôi sẽ chất vấn, yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường mà đứng đầu là bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân", bà Ngân nói.

Còn việc có lợi ích nhóm hay không, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng "thật ra chúng ta nghèo, muốn thu hút đầu tư, muốn có nhiều nhà máy tạo công ăn việc làm, tăng giá trị hàng hóa, xuất khẩu chứ không ai muốn rinh nhà máy tới để làm ô nhiễm môi trường, làm cho đời sống chúng ta khổ hơn, nhưng chúng ta không bằng mọi giá thu hút dự án gây ô nhiễm môi trường, mà Formosa là bài học xương máu".

Về vấn đề tội phạm gia tăng và bạo hành trẻ em, Chủ tịch Quốc hội nói "Quốc hội rất quan tâm và đã chất vấn Chính phủ. Tình hình phòng chống tội phạm, trong đó có bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em đã được báo cáo trước Quốc hội. Lần đầu tiên khóa này Quốc hội đã dành 1 ngày cho bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, bộ trưởng Tư pháp giải trình. Bà con cử tri yên tâm, tất cả tội phạm được quy định cụ thể trong các luật, mà Bộ luật hình sự mới sửa lại sẽ có chế tài nghiêm hơn".

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên