Phóng to |
Ðẹp, bắt mắt, quyến rũ ngay từ khuôn hình đầu tiên, Có lẽ nào ta yêu nhau - dựa trên kịch bản gốc của Hàn Quốc - bắt đầu bằng cảnh sinh hoạt buổi sáng trong một đại gia đình gia thế, với những phòng ngủ cực kỳ lộng lẫy, bộ salon sang trọng, ấm cúng, những cậu ấm cô chiêu kiều diễm sáng láng cùng ông bà chủ viên mãn hào hoa.
Ngoài ô cửa sổ mở rộng là thung lũng Ðà Lạt mờ sương với những cây thông vươn kiêu hãnh như tranh thủy mặc. Ông bà Gia Huy (do Mai Huỳnh và Diễm My thủ vai) điều khiển đại gia đình danh giá ấy trong ánh hào quang của cả hạnh phúc lẫn tiền bạc. Ba cô con gái có cái tên đẹp như tiểu thuyết diễm tình: Ẩn Lan (cô gái câm có sắc đẹp kỳ lạ như cái tên), Thể Lan, Nhược Lan và cậu con trai mang tên gọi gửi gắm niềm hi vọng của cả dòng họ: Gia Bảo.
Một Ðà Lạt gần gũi hơn, lam lũ hơn và cũng dễ tin có thật hơn là căn phòng nhỏ trên gác xép của hai mẹ con bà Hoài - một phụ nữ đẹp mà từng khóe mắt hay nụ cười đều như minh chứng cho câu hồng nhan đa truân. Gia đình không có đàn ông này tràn đầy tình yêu kiểu “một mẹ một con” mà chỉ có ai đã trải qua mới cảm nhận và chia sẻ được.
Cô con gái cao lòng khòng như một vận động viên bóng rổ và ngổ ngáo như một cậu trai đường phố có cái tên cũng lạ: Nam Mai, yêu mẹ như tình yêu duy nhất trong cuộc đời. Và những cuộc rong chơi của cô với đám bạn bè “bình dân”, lên rừng xuống suối, đã tạo cớ cho các nhà làm phim có được những góc máy lạ về một Ðà Lạt thật đẹp và thật thân thiết. Ca sĩ Hồng Hạnh hóa thân vào vai bà mẹ ngọt ngào nhuần nhị một cách bất ngờ, và người mẫu Ngọc Quyên với cặp mắt một mí, cặp chân dài lêu nghêu mang đến một vẻ đẹp ngồ ngộ là lạ, chưa quen mắt được ngay nhưng rất gợi sự tò mò.
Chưa có mối liên hệ nào cụ thể giữa hai gia cảnh, với những con người và tính cách vô cùng khác nhau ấy. Nhưng chính vì thế mà sự tò mò càng tăng khi 50 phút của tập một kết thúc.
Sòng phẳng với công chúng đã được nghiên cứu thị hiếu và được lựa chọn của mình, những người làm phim không tham vọng gửi gắm quá nhiều thông điệp mang ý nghĩa xã hội. Cũng sòng phẳng không kém với nhà đài - đối tác sản xuất và phát sóng, nhà sản xuất (Hãng phim Việt - Công ty BHD) đã thực hiện một bộ phim cầu kỳ và tốn kém.
Nếu khán giả khó tính và không ít nhà báo từng thẳng thừng chê Bỗng dưng muốn khóc có bối cảnh quá đơn giản, nhân vật quá tiết chế không gian hoạt động, hoặc chê Ðẹp từng centimet là “tiết kiệm từng centimet” để hạ giá thành phim (cả hai phim cùng của BHD), thì đến Có lẽ nào ta yêu nhau, tất cả những ai đã đến trường quay, mục sở thị đạo diễn Tống Thành Vinh “hành hạ” diễn viên và các trợ lý của mình (Tống Thành Vinh đã bị các thành viên đoàn làm phim lén lút gọi sau lưng là “Tống hành hạ” vì họ quá “oải” trước sự kỹ tính của anh), quan sát quá trình đạo diễn lựa chọn, sắp đặt bối cảnh đều phải xuýt xoa cho nhà sản xuất vì đã dám chấp nhận làm một bộ phim xa xỉ đến thế trong thời buổi khủng hoảng này.
Rất nhiều biệt thự cổ và hầm rượu được thiết kế cầu kỳ ở Ðà Lạt đã được thuê với giá cao làm bối cảnh trong nhiều ngày. Trang phục diễn viên nhiều và đẹp quá mức so với một phim truyền hình thông thường, thu thanh đồng bộ khiến thời gian quay phim kéo dài gấp rưỡi so với dự kiến.
Nhà sản xuất BHD không giấu giếm tham vọng vươn tới vị trí nhà sản xuất phim tư nhân “chịu chơi” số 1 ở VN trong lúc khó khăn này. Phim sắp lên sóng, hiệu ứng ra sao phụ thuộc sự cảm nhận và đánh giá của khán giả, nhưng chắc chắn một điều với những ai thích dòng phim tình cảm nhẹ nhàng được làm đẹp, kỹ càng kiểu Hàn Quốc, Có lẽ nào ta yêu nhau sẽ là sự lựa chọn dễ hiểu vì nó đẹp như phim Hàn nhưng nói... tiếng Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận