Nghị quyết 98 Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có nội dung thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
TP được hưởng 100% nguồn thu carbon
Nghị quyết 98 quy định tín chỉ carbon hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách TP.HCM được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ngân sách TP.HCM được hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon. HĐND TP quyết định sử dụng nguồn thu này cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.
Tại hội thảo xây dựng kế hoạch hành động và hướng tới mục tiêu TP không phát thải do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây, tiến sĩ Paul Dargusch - giám đốc đào tạo Trung tâm năng lượng quốc tế Đại học Queensland (Úc) - nhận định cơ hội cho TP.HCM là rất lớn.
Ông Paul Dargusch phân tích, theo cơ chế giao dịch phát thải (ETS), các đơn vị có thể tham gia qua các cách thức như được cơ quan quản lý phân bổ định mức hoặc có thể giữ lại phần hạn ngạch chưa sử dụng, nhận hạn ngạch phát thải qua đấu giá, nhận hạn ngạch thông qua giao dịch (mua/bán) với các đơn vị tuân thủ khác, giảm phát thải khí nhà kính, mua bù trừ carbon.
Trong đó, hai phương án cuối TP.HCM hoàn toàn có thể thực hiện được bằng nguồn lực tự có của mình.
Cần sớm có quy định và cơ quan đầu mối
Tuy đánh giá TP.HCM sẽ có nhiều cơ hội nhưng ông Paul Dargusch cũng đắn đo khi cơ quan quản lý Chương trình giao dịch phát thải quốc gia của Việt Nam vẫn chưa xác định loại hình bù trừ nào sẽ được phép, những quy tắc nào sẽ được sử dụng để quản lý việc bù trừ carbon ở Việt Nam. Mức độ mà TP.HCM và các tỉnh khác ở Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội bù đắp carbon sẽ được xác định bởi các quy định mới này.
Do đó ông Paul Dargusch kiến nghị TP.HCM nên thiết lập một đầu mối hoặc đơn vị để hỗ trợ phát triển cơ chế bù đắp carbon tại TP. Chức năng và nhiệm vụ của đơn vị đầu mối này cần có sứ mệnh và cơ cấu quản trị rõ ràng, khác biệt với cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Đơn vị nên tham khảo ý kiến của các bên liên quan chính và thiết lập một bộ tiêu chí về các khoản bù trừ được ưu tiên để mang lại lợi ích lớn nhất cho TP.HCM.
Trong ngắn hạn (dưới hai năm), đơn vị này cần xác định các cơ hội bù trừ carbon "dễ thực hiện" để làm. Tức là TP.HCM sẽ thực hiện các dự án có thể làm nhanh chóng, dễ dàng phù hợp với quy hoạch phát triển của TP.
Đồng thời nên phát triển một danh sách ngắn các dự án mà đơn vị này có thể giới thiệu tới các nhà đầu tư và nhà phát triển tiềm năng. Về lâu dài, đơn vị này nên phát triển một chương trình xây dựng năng lực để tạo điều kiện cho nhiều bên liên quan ở địa phương tại TP.HCM và các khu vực lân cận.
Tín chỉ carbon là gì?
Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 hoặc khối lượng của khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thị trường carbon được bắt nguồn từ nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu được thông qua năm 1997.
Theo nghị định thư này, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Khí CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính khác nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon. Từ đó hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận