Bệnh lý tim mạch đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Trong đó hẹp van động mạch chủ là một trong số các bệnh lý tim mạch phổ biến, để lại biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nghiêm trọng hơn, trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể không xuất hiện triệu chứng. Khi bệnh tiến triển, một số triệu chứng điển hình như khó thở khi vận động, đau ngực, ngất xỉu lại dễ bị nhầm lẫn với nhiều loại bệnh khác hoặc dấu hiệu lão hóa thông thường.
Để điều trị căn bệnh này, lâu nay phẫu thuật tim hở là phương pháp truyền thống, nhưng đi kèm với các nguy cơ như chấn thương lớn, thời gian hồi phục dài và phải nằm viện lâu.
TAVI ít xâm lấn và hồi phục nhanh hơn
Do đó, phương pháp này có thể không phù hợp với tất cả bệnh nhân, đặc biệt là những người có nguy cơ cao do tuổi tác hoặc từng phẫu thuật trước đó.
Để khắc phục những hạn chế trên, phương pháp cấy ghép van động mạch chủ qua ống thông (TAVI) ra đời. Về phương pháp điều trị này, trợ lý giáo sư Ho Kay Woon - bác sĩ tư vấn cấp cao, khoa tim mạch, Trung tâm Tim mạch quốc gia Singapore (NHCS) - cho biết TAVI, còn được gọi là thay van động mạch chủ qua da, là phương pháp ít xâm lấn để điều trị hẹp van động mạch chủ nặng.
Trong quy trình TAVI, van động mạch chủ bị bệnh sẽ được thay thế để khôi phục lưu thông máu bình thường.
Quy trình phẫu thuật được thực hiện qua một vết mổ nhỏ từ 4-6 cm tại bẹn hoặc ngực, trong đó một ống thông có gắn van sẽ được đưa đến vị trí van bị bệnh.
Bác sĩ sử dụng siêu âm và X-quang để điều hướng trong quá trình đặt van. Khi đến vị trí, van mới sẽ được đặt và mở rộng bằng bóng.
"So với phẫu thuật mở, TAVI là phương pháp ít xâm lấn với vết thương nhỏ ở bẹn, giúp thời gian phục hồi nhanh hơn và thời gian nằm viện ngắn hơn. Sau thủ thuật, các triệu chứng như đau ngực, ngất xỉu hoặc khó thở do hẹp động mạch chủ của bệnh nhân sẽ được cải thiện.
Đồng thời số lần nhập viện do các biến chứng của hẹp động mạch chủ không được điều trị cũng sẽ giảm. Sau khi trải qua phẫu thuật TAVI thành công, bệnh nhân có xu hướng sống lâu hơn so với người không được điều trị", trợ lý giáo sư Ho Kay Woon khẳng định.
Theo vị bác sĩ này, khi lựa chọn phương pháp thay van động mạch chủ qua da thay vì mổ mở, các chuyên gia cần hội chẩn kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố như thể trạng, tiền sử và nhu cầu của người bệnh và thân nhân.
Do đó, bệnh nhân cần được chụp CT để đánh giá khả năng và lên kế hoạch cho quy trình TAVI. Đáng chú ý là kết quả từ chụp CT cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định chọn giữa TAVI và phẫu thuật.
Thực tế, phương pháp TAVI đã được ứng dụng từ nhiều năm qua trong việc điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, ngày càng nhiều cải tiến trong thiết bị điều hướng van đã giúp tối ưu hiệu quả của phương pháp này.
Trợ lý giáo sư Ho Kay Woon cho biết tại Trung tâm Tim mạch quốc gia Singapore, các bác sĩ sử dụng hệ thống điều hướng van có kích thước nhỏ hơn, giúp giảm biến chứng mạch máu và chảy máu, phù hợp với nhiều bệnh nhân có kích thước cơ thể nhỏ hơn, đặc biệt là bệnh nhân châu Á.
Đồng thời nhiều thiết bị TAVI có thể được điều chỉnh vị trí và thu hồi để tối ưu vị trí cấy ghép van, giảm biến chứng, cải thiện kết quả điều trị.
Phẫu thuật tại Singapore nhưng chụp chiếu chẩn đoán tại Việt Nam?
Với các bệnh nhân Việt Nam đang tìm hiểu và mong muốn điều trị tại Trung tâm Tim mạch quốc gia Singapore, trợ lý giáo sư Ho Kay Woon tư vấn để rút ngắn quy trình, bệnh nhân có thể chụp mạch vành, đánh giá, kiểm tra sức khỏe tổng quát tại Việt Nam.
Khi đến trung tâm, bệnh nhân sẽ được chụp CT, siêu âm tim và thăm khám trong khoảng hai đến ba ngày trước khi tiến hành thủ thuật. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân phù hợp với phương pháp TAVI, họ sẽ được nhập viện cùng ngày với thời điểm tiến hành thủ thuật.
"Quy trình TAVI thường hoàn thành trong vòng một giờ. Sau đó, bệnh nhân sẽ được theo dõi qua đêm tại khu vực chăm sóc trung gian và có thể đi lại vào ngày hôm sau nếu không có biến chứng. Bệnh nhân sẽ được siêu âm tim một ngày sau khi thực hiện TAVI để kiểm tra tình trạng sức khỏe.
Thông thường nếu bệnh nhân có thể đi lại, họ có thể xuất viện sau đó 1-2 ngày. Một cuộc kiểm tra lại sẽ được tiến hành tại NHCS trong tuần tiếp theo, sau đó bệnh nhân có thể trở về Việt Nam", trợ lý giáo sư Ho Kay Woon cho biết.
Có thể thấy, sự phát triển của các phương pháp điều trị ít xâm lấn như TAVI đã trở thành xu thế của nền y học hiện đại. Tại NHCS, ngoài việc tham dự các hội nghị quốc tế để cập nhật các thử nghiệm và tiêu chuẩn chăm sóc mới nhằm cải thiện kỹ năng thực hiện quy trình, các bác sĩ còn thường xuyên được tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn thông qua bài giảng và biểu diễn thực hành trực tiếp từ các chuyên gia TAVI quốc tế và khu vực.
Đồng thời, dữ liệu phong phú từ các quy trình TAVI mà NHCS đã thu thập từ năm 2009 cũng thúc đẩy nghiên cứu để điều chỉnh quy trình điều trị ngày càng tối ưu hơn.
Như vậy, với đội ngũ chuyên gia bao gồm các bác sĩ tim mạch và phẫu thuật tim, y tá chuyên môn, điều phối viên chăm sóc và các chuyên viên vật lý trị liệu, Trung tâm Tim mạch quốc gia Singapore đang là điểm đến được nhiều bệnh nhân ưu tiên khi mong muốn được điều trị bằng phương pháp TAVI.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận